Tỉnh ủy Thái Bình hỏa tốc chỉ đạo làm rõ lý do lúa chết bí ẩn do Báo Công Thương phản ánh

Tỉnh ủy Thái Bình vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân hơn trăm ha lúa chết trắng do Báo Công Thương phản ánh

Những kết quả… trái ngược

Trước đó, Báo Công Thương đăng tải thông tin phản ánh ý kiến của hàng trăm hộ dân xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình về việc khoảng 170ha lúa, hoa màu bị chết trắng hàng loạt, không thể cho thu hoạch. Theo người dân, nguyên nhân lúa chết hàng loạt là do cán bộ Hợp tác xã Thụy Tân không hiểu quy trình, không dùng phai gỗ đặt ngầm mà kéo toàn bộ cánh cống Cao Cổ (nơi tiếp giáp với cửa sông Hóa đổ ra biển) nên lấy hết cả tầng nước bề mặt và dưới đáy khiến một lượng lớn nước mặn xâm nhập vào nội đồng gây ra tình trạng nhiễm mặn khiến cây lúa và hoa màu chết hàng loạt.

Đồng thời, nguyên nhân thứ hai, theo các hộ dân, hàng năm, từ tháng 9, 10 hợp tác xã đều thực hiện đắp đập, đóng cửa cống để ngăn mặn. Tuy nhiên, từ tháng 9,10/2022, Hợp tác xã An Tân đã không thực hiện đắp đập ngăn mặn. Thậm chí, cống Cao Cổ có hai cửa cống thì một cửa được đóng chặt, cửa còn lại thì cánh bị hỏng nhưng không được sửa chữa khiến nước mặn hàng ngày theo thủy triều chảy vào nội đồng rất lớn kéo dài đến tận 2/2023.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Công Thương, ngày 28/6, Tỉnh ủy Thái Bình đã có Công văn hỏa tốc số 1301/CV-TU gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc làm rõ phản ánh của dư luận người dân của 5 thôn tại xã An Tân, huyện Thái Thụy chết không rõ nguyên nhân. Theo đó, Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Báo Công Thương có đăng tải bài viết phản ánh dư luận nhân dân 5 thôn xã An Tân có ý kiến về việc: Hơn trăm hecta lúa chết hàng loạt nghi do nhiễm mặn đầy bí ẩn”.

Văn bản của Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình và các sở ban ngành làm rõ nguyên nhân lúa chết hàng loạt

Về việc này, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương làm rõ nguyên nhân hơn trăm hecta lúa chết hàng loạt tại xã An Tân, trả lời cho công luận, nhân dân, đồng thời báo cáo về Thường trực Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy).

Ngay sau đó, ngày 4/7/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình đã có Báo cáo số 213/BC-SNNPTNT-TL gửi UBND tỉnh Thái Bình, Văn phòng Tỉnh ủy trả lời phản ánh của dư luận nhân dân về nguyên nhân hơn 100ha lúa của người dân 5 thôn xã An Tân chết không rõ nguyên nhân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lúa chết, sinh trưởng, phát triển kém, không trỗ bông là do đất của 2 xã (An Tân, Hồng Dũng) là đất chua mặn, đã được cải tạo tầng đất canh tác trong nhiều năm. Vụ lúa Xuân năm 2023, do thời tiết cuối tháng 2 đến trung tuần tháng 3 có nhiều đợt không khí lạnh (lượng mưa thấp, gần như không có) nên đã gây ra hiện tượng thẩm thấu, bốc chua mặn dẫn đến tái mặn, ảnh hưởng sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng gửi báo cáo tới Báo Công Thương và khẳng định, việc lấy nước sản xuất nông nghiệp vụ Xuân đều bảo đảm độ mặn ≤0,6%, không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Nguyên nhân lúa chết, kém phát triển không phải do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Những cánh đồng lúa chết trắng

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình gửi UBND tỉnh Thái Bình và Báo Công Thương là vậy. Song, ngày 7/6/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình tổ chức lấy mẫu nước và đất để phân tích các chỉ số. Cụ thể, Trung tâm Quan trắc tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình) đã xuống thực địa, lấy 7 mẫu nước mặt (5 mẫu tại xã An Tân và 2 mẫu ở xã Hồng Dũng) để phân tích. Kết quả cho thấy, trong các thông số phân tích nổi lên chỉ số Clo có mức cao đột biến. Cụ thể, mẫu nước mặt lấy tại sông Chung Thủy Nông, thôn Tân Dũng, xã An Tân, có kết quả phân tích cao nhất là hơn 2.481mg/l.

Nhìn vào chỉ số trên, nhiều chuyên gia về thổ nhưỡng nông hóa và kiểm nghiệm đo lường chất lượng đều cho rằng: “Clo vượt ngưỡng là ở nước biển ra. Chỉ có nước biển mới có Clo thôi". Đồng thời, qua các chỉ số phân tích mẫu đất như độ PH, một số ý kiến đều cho biết ở ngưỡng trung tính, hàm lượng kim loại nặng trong giới hạn.

Kết quả phân tích mẫu nước mặn tại cánh đồng xã An Tân của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình

Đáng chú ý, người dân tại 5 thôn đã tự đi lấy mẫu nước, đất và đem đi xét nghiệm. Thông tin tới Báo Công Thương người dân cho biết: Ngày 16/6/2023, Trung tâm Phân tích và Thử nghiệm 1 – VINACONTROL đã có phiếu kết quả thử nghiệm về mẫu nước và mẫu đất (lấy ngày 06/06/2023) do khách hàng mang đến. Ngày 16/6/2023 (ngày nhận mẫu 14/6) Trung tâm Phân tích và Thử nghiệm 1 đã trả kết quả phân tích của mẫu nước cho thấy, hàm lượng NaCl (là muối chủ yếu tạo ra độ mặn trong các đại dương) có trong nước là 0,30% (tương đương 3 phần nghìn). Đồng thời, hàm lượng NaCl có trong mẫu bùn (đựng trong túi kín, khối lượng 500g) là 0,11% (tương đương 1,1 phần nghìn).

Phiếu kết quả phân tích mẫu bùn, nước tại cánh đồng An Tân do người dân tự lấy mẫu đi xét nghiệm

So sánh theo bảng “Các loại đất mặn (phân theo nồng độ) và ảnh hưởng đối với cây trồng” được xác định bởi Đại học Utah State University (trích từ trang sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn) cho thấy, mẫu đất thử nghiệm của Trung tâm Phân tích và Thử nghiệm 1 thuộc loại đất không mặn (trong ngưỡng từ 0 -1,28 phần nghìn). Đồng thời, so sánh theo bảng chỉ số “Khả năng chịu mặn một số loại cây trồng” do Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (năm 2012) công bố cho thấy, khả năng chịu mặn tối đa của cây lúa là 1,92 phần nghìn. Đồng thời, hướng dẫn của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang cũng nêu khuyến cáo, tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn (từ 2 phần nghìn trở lên) cho lúa giai đoạn trổ vì giai đoạn này cây lúa rất mẫn cảm.

Đối chiếu với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9236-3:2012 về Chất lượng đất - Giá trị chỉ thị hàm lượng các chất vô cơ trong các nhóm đất chính ở Việt Nam cũng cho thấy: Đất mặn được xác định có hàm lượng natri trao đổi trong khoảng giá trị từ 0,19 đến 7,28.

Người dân 5 thôn xã An Tân bên những cánh đồng lúa chết hàng loạt

Để làm rõ vấn đề liên quan đến kết quả trong báo cáo và các chỉ số phân tích, đối chiếu, phóng viên đã có trao đổi với ông Nguyễn Bảo Khương - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình) vẫn tiếp tục khẳng định đất bị nhiễm mặn do…tái mặn.

Khi được hỏi về những chỉ số Cl, NaCL có trong các mẫu phân tích nước mặt tại An Tân có thể hiện được nước bị nhiễm mặn hay không, thì ông Khương cho biết, không thể trả lời và hướng dẫn qua liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được làm rõ.

Sẽ tiếp tục lấy mẫu và xây dựng phương án hỗ trợ người dân

Trước những thiệt hại mà người dân 5 thôn xã An Tân phải gánh chịu, trước đó ngày 30/6/2023, UBND huyện Thái Thụy có Báo cáo số 184/BC-UBND gửi UBND tỉnh Thái Bình về việc cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên dùng lúa nước tại xã An Tân, Hồng Dũng.

Trong đó, tại Hợp tác xã Thụy Tân, xã An Tân, theo báo cáo của địa phương về kết quả thống kê, rà soát ban đầu thì 100% diện tích (114,45ha) lúa bị thiệt hại trên 70% năng suất và không cho thu hoạch.

bảng “Các loại đất mặn (phân theo nồng độ) và ảnh hưởng đối với cây trồng” được xác định bởi Đại học Utah State University

Trước thực trạng trên, UBND huyện Thái Thụy đề xuất phương án tổ chức cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên dùng lúa nước. Cụ thể, phương án rửa mặn và cải tạo đất chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, là làm và cải tạo đất để cấy (là thời kỳ thau chua, rửa mặn hiệu quả nhất). Hai là, giai đoạn từ sau khi cấy lúa, thường xuyên giữ nước mặt ruộng. Theo đó, UBND huyện Thái Thụy đề xuất hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác bơm nước, làm đất để thau chua rửa mặn và cải tạo nâng cao chất lượng đất với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng.

“Đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ địa phương cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa và nguồn sự nghiệp chi hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh từ ngân sách tỉnh với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng”, báo cáo của UBND huyện Thái Thụy nêu.

Theo đề xuất của UBND huyện Thái Thụy, đơn vị này đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cho phép vận dụng Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ, để hỗ trợ cho các hộ nông dân có diện tích lúa Xuân 2023 bị thiệt hại tiếp tục sản xuất vụ tiếp theo.

Đồng thời, UBND huyện đề nghị các sở ngành liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các chi cục, đơn vị chuyên môn trực thuộc sở chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, giải pháp khắc phục để nhân dân yên tâm tổ chức sản xuất đạt hiệu quả.

Cơ quan chức năng thực hiện tháo nước nhằm thau chua rửa mặn (trong ảnh là khu vực cống Cao Cổ đang được tháo nước)

Cùng ngày 30/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính. Theo đó, đơn vị này đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính bố trí kinh phí với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bơm nước để thau chua rửa mặn của Hợp tác xã Thụy Tân là hơn 80,4 triệu đồng. Công tác thau chua rửa mặn hơn 862 triệu đồng và cải tạo nâng cao chất lượng đất gần 1,6 tỷ đồng…

Được biết, hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Bình vẫn đang phối hợp với cơ quan Trung ương để thời gian tới tiếp tục lấy mẫu đất, mẫu nước, để phân tích đánh giá chi tiết hơn về mức độ tái nhiễm mặn của đất.

Hiện, bà con nông dân tại 5 thôn xã An Tân đã tiến hành sản xuất, cấy lúa vụ Mùa, không để bỏ ruộng hoang. Song vẫn có đó những hộ dân lo lắng vì sợ phải tiếp tục “đánh bạc” với “thiên tai”, nỗi lo mất trắng và thiếu đói. Mong rằng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình sớm có giải pháp chỉ đạo, kịp thời xem xét, giải quyết sớm những kiến nghị của nhân dân. Có như vậy, nỗi lo của bà con nông dân xã An Tân mới vơi đi phần nào, trong bối cảnh vẫn chờ đợi kết quả cuối cùng từ cơ quan chức năng về nguyên nhân vì sao ruộng nhiễm mặn.

Nhóm PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-uy-thai-binh-hoa-toc-chi-dao-lam-ro-ly-do-lua-chet-bi-an-do-bao-cong-thuong-phan-anh-262044.html