Tình trong gian khó

Anh em tôi sinh ra trong gia đình nghèo nhất nhì làng nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đó là điều bất hạnh, lại càng chưa bao giờ oán trách bố mẹ… Đến nay, dẫu tuổi đã ngoài 40, ai cũng đã yên bề gia thất, con cái đề huề, chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được là con của bố mẹ. Và càng cảm thấy ấm áp, trân trọng trước tình cảm bố mẹ dành cho nhau từ trước tới nay.

Bố mẹ tôi đều sinh ra trong gia đình thuần nông, đông con. Mẹ quý bố ở hình ảnh một anh giải phóng quân vừa chiến thắng trở về, mang trong mình bao phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ; còn bố mến mẹ ở sự hiền lành, chịu thương chịu khó. Bố mẹ cưới nhau khi đất nước vừa chấm dứt chiến tranh nhưng còn để lại biết bao đau thương, gian khổ. Mẹ kể, ngày mẹ về với bố chỉ vỏn vẹn mấy bộ quần áo cũ. Phòng tân hôn của bố mẹ là nửa gian nhà tranh ọp ẹp, ngăn cách với nơi ông bà nội nằm bằng một tấm phên tre. Sau một năm sống chung với ông bà và các cô chú, bố mẹ tôi được chính quyền xã cấp cho mảnh đất ruộng trong làng để ra ở riêng bằng vốn liếng ban đầu ông bà nội cho là mấy lon gạo.

Tình cảm bố mẹ tôi dành cho nhau không phải là những lời nói hoa mĩ, cũng chẳng phải là những phút giây lãng mạn mà ở sự “đồng cam cộng khổ” vì tổ ấm của mình. Trên mảnh đất ruộng chính quyền xã cấp, bố mẹ tự đào đất đắp nền, xây lò đốt gạch, xin tre khắp làng rồi vay mượn, nhờ cậy anh em, xóm giềng dựng tạm ngôi nhà nhỏ để ở. Thế rồi, bốn anh em tôi lần lượt ra đời trong tình yêu thương, đùm bọc của bố mẹ. Dẫu khó khổ thế nào, bố mẹ cũng đã chung lưng đấu cật, ra sức bươn chải cho anh em tôi có cái ăn cái mặc. Người làng tôi khi ấy thường bảo bố mẹ tôi là thợ đụng. Vào ngày mùa, bố mẹ tôi đi cấy thuê, gặt thuê hoặc làm đổi công cho người ta. Những khi rảnh rỗi, bố mẹ lại ngược xuôi bán buôn đủ thứ, hết buôn nứa luồng, khoai sắn, bán kem, rồi thì làm hàng xay, hàng xáo…

Những lời nói, hành động yêu thương bố mẹ tôi dành cho nhau thật đơn giản mà sâu sắc, bền chặt. Tôi nhớ, hồi còn nhỏ, trong bữa cơm gia đình, dù bụng anh em tôi đã đói meo thì cũng phải đợi có đầy đủ bố mẹ mới được dọn ra ăn. Những khi làm việc đến quên giờ, quá giờ, bố mẹ lại khuyên nhau cùng nghỉ tay. Có lần, mẹ tôi bị cảm hàn biến chứng lâu ngày, bố buồn xo, ăn ngủ chẳng yên. Thế rồi, bố hỏi thăm khắp nơi, lặn lội thật xa đi tìm thầy bốc thuốc Nam cho mẹ uống. Tình yêu thương bố mẹ dành cho nhau hằng ngày là những ly nước, chén cơm mẹ ân cần đưa cho bố; là những thức ăn ngon bố gắp bỏ vào bát cho mẹ; là lời động viên, sẻ chia những vui buồn, tiếng nói cười rộn vui hằng ngày bên các con.

Dù thuộc thế hệ 5X nhưng bố mẹ tôi không có tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia trưởng, định kiến mà yêu thương nhau bằng sự tôn trọng và bình đẳng. Tôi thấy bố mẹ đối đãi như nhau với cả hai bên nội ngoại. Trong nhà có việc to nhỏ gì, bố mẹ đều cùng ngồi bàn bạc rồi quyết định sao cho hợp lý nhất. Những khi gia đình có dịp ngồi quây quần cùng nhau, nhất là trong bữa cơm, bên cạnh những chuyện thường ngày, bố mẹ tôi đều cùng chêm xen vào việc răn dạy anh em tôi những điều hay lẽ phải ở đời.

Anh em tôi giờ ai cũng đã có nhà cửa riêng. Thấy bố mẹ tuổi đã ngoài 70 nên chúng tôi bàn chuyện đưa bố mẹ về nhà mình ở để tiện quan tâm, chăm sóc. Vậy mà bố mẹ vẫn chưa chịu ra ở với gia đình các con. Bố mẹ bảo giờ vẫn còn khỏe, cũng cần có sự riêng tư, hơn nữa cũng chưa muốn làm phiền đến các con. Vợ chồng tôi lập nghiệp xa quê, thi thoảng gọi điện về vẫn thấy bố mẹ cùng ngồi ăn cơm, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau rất tình cảm.

Những ngày đầu xuân, nhìn bố mẹ dẫu tuổi đã già mà vẫn yêu thương, gần gũi bên nhau, lòng tôi càng thêm ấm áp. Tình yêu của bố mẹ tôi là vậy, chẳng những nặng tình mà còn nặng nghĩa. Có lúc, tôi tự hỏi: Phải chăng tình yêu của bố mẹ đã trải qua bao gian nan, thử thách như vàng đã được thử lửa nên mới sâu đậm, bền chặt đến thế.

Nguyễn Đình Thu

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/154004/tinh-trong-gian-kho