Tính sao cho hiệu quả

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ có khoảng 1.000 siêu thị lớn, nhỏ và 64 trung tâm thương mại các loại.

Theo Quyết định số 5058/QĐ-UBND, ngày 5-11-2012 của UBND thành phố Hà Nội, về quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của TP Hà Nội, thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 64 trung tâm thương mại, 32 trung tâm mua sắm, 10 trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp. Số lượng siêu thị gồm 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3. Về hệ thống chợ, Hà Nội quy hoạch có 395 chợ, gồm giải tỏa 21 chợ, xây mới 183 và nâng cấp 191 chợ. Đối với những chợ có diện tích lớn hơn 3.000m2 sẽ cải tạo thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm gắn với chợ bán lẻ. Với các chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất chợ dưới 1.000m2 từng bước chuyển hóa thành các siêu thị hạng 2. Đại diện Sở Công thương cho biết, quỹ đất xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại không hoàn toàn là quỹ đất mới, có thể sử dụng diện tích dưới mỗi tầng hầm, tầng trệt các tòa nhà trong khu đô thị.

Với quan điểm phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại thuộc mọi thành phần kinh tế; thực hiện cam kết mở cửa thị trường dịch vụ phân phối kết hợp với phát triển nhanh các doanh nghiệp trong nước kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại theo cơ chế thị trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thành phố vẫn đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này. Ngày 10-11 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 6239/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung dự án trung tâm thương mại vào quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ có thêm các trung tâm thương mại hạng 1, gồm: trung tâm thương mại tại xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) diện tích khoảng 3-5 ha, trung tâm thương mại tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) diện tích khoảng 3-5 ha, trung tâm thương mại tại phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) diện tích khoảng 6 ha, trung tâm thương mại tại khu đất xã Ngọc Hồi, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) diện tích khoảng 8-10 ha và một trung tâm thương mại hạng 2 tại khu đất phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) diện tích khoảng 2,6 ha.

Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, các trung tâm thương mại ở Hà Nội phát triển cả về quy mô và số lượng. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động không hiệu quả, phải chịu cảnh thua lỗ, khách đến xem hàng là chủ yếu chứ không có nhu cầu mua sắm… Có những trung tâm có vốn đầu tư rất lớn, vị trí đắc địa trước đây đã phải tạm ngừng hoạt động hay đóng cửa, đổi chủ, như Hàng Da Galleria, Grand Plaza... Cùng với đó, chủ trương xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị trên diện tích chợ dân sinh hiện có (như chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy; chợ Thành Công, quận Ba Đình), cũng đã vấp phải những trở ngại mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết thấu đáo, để triển khai… thì cũng nên tính đến việc quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại, công trình công cộng trên diện tích các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, trường học... khi di dời, chứ không nên xây khu đô thị, các tòa nhà văn phòng, tránh gây áp lực cho đô thị vốn đã quá tải. Thậm chí khi nhận xét về mô hình trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống của Hà Nội bị phá sản, có chuyên gia cho rằng đó là do quy hoạch và thiết kế các chợ chưa phù hợp với thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng. Vì thế, quy hoạch không phải cứ vẽ ra trên giấy, mà phải tính đến mọi yếu tố, mọi góc nhìn. Trên hết, thay đổi thể chế trong quy hoạch là tốt nhưng điều quan trọng không kém là thay đổi tư duy về cách làm quy hoạch để sao cho hiệu quả, tránh lãng phí.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31298702-tinh-sao-cho-hieu-qua.html