Tính phương án xử lý 21.000m3 rác chắn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Với 21.000m3 rác lâu năm, ước tính có khoảng 15.000-16.000 tấn rác phải xử lý để đảm bảo cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thi công.

Cần cả năm để đốt xong 21.000m3 rác

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (được chia làm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau) chưa đạt yêu cầu. Sản lượng thi công đạt lần lượt với hai dự án thành phần là 13,1% và 10,3%.

Bên trong lò đốt của nhà máy đốt rác EB ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Bên trong lò đốt của nhà máy đốt rác EB ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Tại dự án thành phần 1, Cần Thơ - Hậu Giang, vướng mắc lớn nhất liên quan đến việc xử lý khối lượng rác khổng lồ ở bãi rác số 8 đã đóng lâu năm (phường Ba Láng, quận Cái Răng) chắn ngang cao tốc.

Trực tiếp kiểm tra tại khu vực này hôm 24/10, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã yêu cầu xử lý sớm bãi rác này, không để cản tiến độ thi công cao tốc.

Diện tích bãi rác hơn 30.000m2, tổng số lượng rác khoảng 150.000m3. Diện tích chồng lấn với dự án cao tốc khoảng 4.200m2 (27m x 154m). Khối lượng rác đề xuất di dời dự kiến khoảng 21.000m3. Phần chiều ngang 27m cũng có dự kiến nâng lên 40m để đảm bảo tốt nhất để thi công cao tốc.

Theo thông tin của Báo Giao thông, Cần Thơ hiện có hai nhà máy xử lý rác sinh hoạt bằng cách đốt. Một là nhà máy đốt rác của Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ (Nhà máy Đốt rác EB tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) có khả năng đốt trên 600 tấn rác/ngày.

Hai là nhà máy đốt rác tại xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Minh Thông đang đốt trên 100 tấn rác/ngày.

Ông Trần Hoàng Anh, Giám đốc điều hành nhà máy rác EB cho PV Báo Giao thông biết: Hiện nhà máy đang đốt khoảng 490 tấn rác mỗi ngày (24/24h).

Hố chứa của nhà máy đốt rác EB có thể chứa từ 6.000-7.000 tấn rác.

Hố chứa của nhà máy đốt rác EB có thể chứa từ 6.000-7.000 tấn rác.

Trong khi đó, công suất của nhà máy là 600 tấn/ngày và có thể tăng thêm 10%, tức 660 tấn/ngày. Dù vậy, ông Hoàng Anh cho biết để đảm bảo vận hành, nhà máy chỉ nên đốt từ 550-580 tấn/ngày.

"Nhà máy hoàn toàn có khả năng xử lý số rác ở bãi rác số 8 chắn cao tốc. Với hệ số rác tươi là 0,52%, 21.000m3 sẽ tương đương với trên 10.000 tấn rác.

Nhưng với rác để hàng chục năm sẽ bao gồm cả mùn đất và nước thì 21.000m3 có thể đạt 15.000-16.000 tấn.

Nếu nhà máy đốt 50 tấn/ngày sẽ mất khoảng một năm để xử lý số rác này", ông Hoàng Anh cho hay.

Đốt rác không khó, bốc dỡ và vận chuyển mới khó

Theo ông Hoàng Anh, việc xử lý số rác này sẽ gặp khó ở khâu bốc dỡ và vận chuyển.

"Xe chở rác thông thường sẽ khá khó trong việc nhận rác từ bãi rác lâu năm này và không đảm bảo môi trường khi vận chuyển vì nước sẽ rỉ ra.

Ngoài ra, việc bốc rác ra khỏi một bãi rác lâu năm cũng không hề dễ dàng và sẽ mất khá nhiều thời gian. Điều quan trọng là phải đảm bảo vấn đề môi trường", ông Hoàng Anh nhận định.

Ông cũng cho biết, chỉ cần rác vận chuyển về nhà máy, phần nước rỉ sẽ được xử lý trước khi đưa vào đốt, bao gồm cả mùn đất, không cần phải sàng lọc.

Khuôn đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang đào dở dang.

Khuôn đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang đào dở dang.

Về chi phí, ông Hoàng Anh cho biết, nhà máy đang đốt rác với giá hơn 362.000 đồng/tấn rác tươi (không tính chi phí vận chuyển).

Nếu được đốt lượng rác ở bãi số 8, nhà máy cũng sẽ nhận với mức giá này. Ông cũng cho biết đây là mức giá thấp hơn so với các đơn vị khác đang vào khoảng 440.000 đồng/tấn.

Nhà máy đốt rác EB có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, từ lúc hoạt động từ tháng 10/2018 đến tháng 6/2023, nhà máy đã xử lý gần 832 ngàn tấn rác.

Trong đó đã xử lý gần 7.000 tấn rác lâu năm ở hai bãi rác Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ) và Ô Môn.

Toàn bộ nước thải của nhà máy được tuần hoàn tái sử dụng, tro xỉ sau khi đốt được tái sử dụng làm vật liệu san lấp, nguyên liệu sản xuất xi măng.

Trong khi đó, hà máy đốt rác EB đốt bằng phương pháp không khói, còn tạo ra nguồn điện phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.

Hôm kiểm tra bãi rác số 8 cùng với các đơn vị, ban, ngành liên quan, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, kinh phí di dời, xử lý sẽ lấy từ nguồn giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc (còn dư 153 tỷ đồng). Phần xử lý còn lại của bãi rác sẽ được trích từ ngân sách của thành phố.

Phần lớn rác ở bãi rác số 8 (phường Ba Láng, quận Cái Răng) đã phân hủy nhưng vẫn còn rất nhiều bọc ni lon, đồ nhựa...

Phần lớn rác ở bãi rác số 8 (phường Ba Láng, quận Cái Răng) đã phân hủy nhưng vẫn còn rất nhiều bọc ni lon, đồ nhựa...

Thành phố giao UBND quận Cái Răng thuê đơn vị tư vấn khảo sát, lập dự toán việc di dời mặt bằng đoạn chồng lấn với bãi rác. Đồng thời, tham mưu cho UBND thành phố có văn bản gửi Bộ GTVT xin nguồn kinh phí 153 tỷ đồng để thực hiện việc di dời bãi rác này.

Bên cạnh đó, thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hỗ trợ quận Cái Răng trong vấn đề lập dự toán và sớm tìm đơn vị đốt rác.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được chia làm hai thành phần, gồm: Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Đoạn qua Cần Thơ dài 0,6km, tổng chiều dài tuyến nối hơn 9,2km. Trong đó, đoạn từ quốc lộ Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 dài hơn 2,2km, đoạn từ nút giao IC2 đến quốc lộ 1 dài 7km, bãi rác số 8 nằm ở đoạn này.

Nguyên Việt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tinh-phuong-an-xu-ly-21000m3-rac-chan-cao-toc-can-tho-ca-mau-192231026060618249.htm