Tình nguyện lên vùng khó dạy học

Tình nguyện lên miền núi dạy học đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên những người thầy mà chúng tôi gặp đã chấp nhận khó khăn đó, hơn một lần viết đơn tình nguyện để được gắn bó với học sinh miền núi. Trong bối cảnh ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đang thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay, những việc làm này thật đáng trân quý.

Một tiết lên lớp của thầy Tuấn -Ảnh: TL

Hạnh phúc khi thấy học sinh tiến bộ

Sau nhiều lần trằn trọc, nghĩ suy, thầy Võ Văn Tuấn quyết định lần thứ 2 trong đời viết đơn tình nguyện ở lại dạy học tại Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa thêm 1 năm nữa. Biết được tin vui này, cả thầy và trò Trường THPT A Túc đều vui mừng.

Đầu năm học 2022-2023, thầy giáo Võ Văn Tuấn (sinh năm 1982), giáo viên dạy môn Vật lý Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong, viết đơn tình nguyện lên tăng cường dạy học tại Trường THPT A Túc với thời hạn 1 năm. Thầy nhớ lại, đây là một quyết định vô cùng khó khăn thời điểm đó, vì các con thầy còn nhỏ, khoảng cách giữa nhà và trường học quá xa xôi, cách trở. Tuy nhiên, thầy cho biết, việc làm của mình là để chia sẻ khó khăn với ngành giáo dục trước thực tế thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Trường THPT A Túc có đa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh nhiều gia đình khó khăn nên học sinh ở đây thiếu các điều kiện học tập từ sách vở, dụng cụ học tập đến quần áo. Nhiều em nhà ở xa trường học đến 20 km, đi lại vất vả vì phải lội rừng sâu và khe suối đến trường. Thương học sinh chịu nhiều thiệt thòi, năm học 2022 - 2023, thầy Tuấn đã kết nối và huy động hỗ trợ nhiều vở viết, bút và 75 máy tính casio cầm tay cho học sinh. Các em học sinh được hỗ trợ sau khi học xong sẽ trả lại để nhà trường cho các em khóa sau mượn.

Những chiếc máy tính casio đã cải thiện đáng kể chất lượng học tập của học sinh vùng khó, nhất là đối với các môn tự nhiên. Nhưng khó khăn nhất là việc học sinh thiếu sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước thực tế này, thầy Tuấn cùng với giáo viên nhà trường tập hợp các bản mềm của sách rồi in thành sách cung cấp cho học sinh có đầy đủ sách giáo khoa để học.

“Năm học 2023-2024 là năm thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT, ngành GD&ĐT Quảng Trị phải đối mặt với tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, cơ cấu không đồng bộ. Các môn học thừa giáo viên gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Kỹ thuật nông nghiệp và công nghiệp, Tin học. Các môn thiếu giáo viên gồm: Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương, Địa lý, Lịch sử và chưa có giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật. Để đảm bảo việc dạy học trước mắt, sở đã làm việc với các trường để rà soát, sắp xếp, thống nhất phương án bố trí giáo viên. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT bổ sung được 25 chỉ tiêu biên chế đối với các môn học thiếu giáo viên cho các trường THPT trên địa bàn”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị LÊ THỊ HƯƠNG

Cùng ăn, cùng ở với tập thể giáo viên của trường, thầy Tuấn càng hiểu hơn sự cố gắng của các thầy cô giáo dạy học tại ngôi trường này từ nhiều năm trước. “Bản thân tôi cũng như các giáo viên tăng cường với thời gian dạy học một vài năm thì sự vất vả, khó khăn không thấm vào đâu so với giáo viên đã bám trụ ở đây từ lâu. Nhiều giáo viên và gia đình của họ đã ở lại trường hơn 10 năm, có gia đình 15 năm. Nên việc sau khi hoàn thành một năm dạy học, tôi tình nguyện ở lại thêm một năm nữa để sẻ chia khó khăn với nhà trường và các em học sinh cũng là việc làm hết sức bình thường. Tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với tập thể nhà trường trong công tác giáo dục ở vùng khó”, thầy Tuấn chia sẻ.

Ngoài việc tập hợp các bản mềm của sách, thầy Tuấn còn kêu gọi hỗ trợ sách giáo khoa nhập vào thư viện trường, sau đó cho học sinh mượn. Bằng cách làm này, học sinh nhiều khóa sẽ được hưởng lợi từ tủ sách của thư viện. Thương học sinh miền núi vốn chịu nhiều thiệt thòi, ngoài giờ dạy chính khóa, thầy Tuấn còn sắp xếp thời gian tự nguyện dạy phụ đạo môn Vật lý vào các buổi chiều để củng cố thêm kiến thức cho các em. Nhìn học sinh tiến bộ qua từng tiết học, thầy rất hạnh phúc.

Tình nguyện để sẻ chia khó khăn

Cũng như thầy Võ Văn Tuấn, thầy Đỗ Văn Kiện (sinh năm 1987), giáo viên dạy Toán, tình nguyện viết đơn xin ở lại dạy học thêm một năm nữa (năm học 2023-2024) tại Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.

Thầy giáo Đỗ Văn Kiện (thứ 2 từ trái sang) cùng hội đồng nhà trường tại hội nghị cán bộ, viên chức 2023-2024 -Ảnh: T.L

Lần thứ nhất, thầy Kiện tình nguyện lên dạy học tại ngôi trường này vào năm học 2022-2023. Trước đó thầy dạy ở Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong từ năm 2010.

Hoàn cảnh của thầy Kiện rất khó khăn, có hai con còn nhỏ, đang học lớp 3 và mẫu giáo; gia đình chưa có chỗ ở ổn định, phải thuê trọ tại thị xã Quảng Trị. Vậy nhưng được vợ con chia sẻ, ủng hộ, thầy tạm xa tổ ấm để yên tâm công tác ở vùng khó. “Đây chính là nguồn động lực lớn nhất cho quyết tâm lên vùng khó dạy học của tôi”, thầy Kiện cho biết.

Ở đơn vị mới, thầy nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của ban giám hiệu, đồng nghiệp và học sinh. Những lời thăm hỏi, động viên trong cuộc sống, những chia sẻ trong công tác của hội đồng sư phạm, những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em học sinh đã khiến thầy thêm yêu mảnh đất nơi biên cương xa xôi này.

Theo thầy Kiện, dạy học ở vùng khó không thể áp đặt cách dạy của nơi có điều kiện tốt hơn mà phải luôn tìm kiếm các giải pháp truyền đạt sao cho phù hợp để các em tiếp thu được kiến thức dễ dàng. Thầy luôn ước ao học sinh của mình có được điều kiện học tập tốt hơn để sự học vươn kịp các bạn ở đồng bằng. Nhiều học sinh của thầy rất hiếu học, chịu khó nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên các em không thể tập trung cho việc học của mình mà phải lao động đỡ đần cho cha mẹ. Chính vì vậy, thầy phải luôn tìm kiếm các phương pháp dạy học phù hợp giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu và đầy đủ nhất. Chính ánh mắt đầy khát khao con chữ của học sinh miền núi là nguồn động viên giúp thầy Kiện cùng nhiều giáo viên của trường không tiếc sự hy sinh của mình để mang đến tri thức cho các em.

Những lá đơn tình nguyện lên dạy học vùng cao của các thầy cô giáo luôn khiến nhiều người xúc động và thán phục khi biết về hoàn cảnh gia đình họ. Năm học 2023-2024 này, thầy Trần Hữu Tú (sinh năm 1984), giáo viên dạy Hóa học Trường THPT Gio Linh, viết đơn tình nguyện lên dạy học tại Trường THCS-THPT Bến Quan, huyện Vĩnh Linh. Tại đây, thầy được ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện bố trí cho căn phòng nhỏ tại khu tập thể nhà trường để yên tâm công tác.

Thầy Trần Hữu Tú hướng dẫn học sinh thực hành môn Hóa học -Ảnh: TÚ LINH

Thầy Tú cho biết, năm 2008, thầy tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Huế và được biên chế công tác tại Trường THPT Đakrông, huyện Đakrông. Năm 2012, thầy chuyển công tác về Trường THPT Gio Linh để có thêm thời gian chăm sóc bố mẹ gặp tai nạn và lâm bệnh hiểm nghèo. Tháng 8/2023, chia sẻ với khó khăn của ngành giáo dục về việc điều động tăng cường giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, thầy Tú tình nguyện đến công tác 1 năm tại Trường THCS&THPT Bến Quan khi vợ đang mang bầu em bé thứ 2 gần 7 tháng và con đầu lòng được 7 tuổi.

Đến trường mới, do thiếu giáo viên nên thầy không chỉ dạy chuyên môn Hóa học mà còn dạy thêm các môn: Hoạt động trải nghiệm, Công nghệ và Giáo dục địa phương. Vì vậy, thầy phải mất thời gian cho việc chuẩn bị giáo án các môn mới. “Việc tình nguyện lên dạy học vùng khó trước hết là trách nhiệm của một giáo viên, sau nữa là vì trước kia tôi đã từng có những tháng năm gắn bó với học sinh miền núi nên hiểu và cảm thông trước những khó khăn mà học sinh gặp phải. Vì vậy, tôi luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thầy Tú chia sẻ.

Trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục Quảng Trị đang gặp khó bởi tình trạng thừa giáo viên ở vùng đồng bằng, thiếu giáo viên ở vùng khó, những thầy giáo trên đã thể hiện tinh thần xung phong, không ngại khó, ngại khổ vì học sinh vùng cao và sự nghiệp “trồng người”.

Đầu năm học 2023-2024, ngay khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin về tình trạng thừa giáo viên ở vùng thuận lợi và thiếu giáo viên ở vùng khó khăn, rất nhiều thầy, cô giáo đã chia sẻ khó khăn với ngành, viết đơn tình nguyện lên miền núi dạy học.

Toàn tỉnh có 20 giáo viên THPT đến vùng khó công tác, hầu hết các thầy cô đều viết đơn tình nguyện. Ngoài ra có 5 giáo viên viết đơn xin ở lại công tác thêm 1 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ và 6 giáo viên tình nguyện ở lại công tác lâu dài tại đơn vị đến.

“Đối với, các thầy cô giáo luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi; không quản ngại gian khó để bám lớp, bám trường dạy học, chúng tôi trân trọng trách nhiệm và sự sẻ chia này”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương cho biết.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/tinh-nguyen-len-vung-kho-day-hoc/181433.htm