Tình người ở lại

Ngọn lửa oan nghiệt ấy đã được dập tắt nhưng lại có một 'ngọn lửa' khác bùng lên mạnh mẽ hơn, dữ dội hơn. Có điều, ngọn lửa ấy không mang lại chết chóc mà nó thấm đẫm tình người, tình đồng bào tương thân tương ái. Những ngày qua, dù là người già hay con trẻ, dù ở Hà Nội hay các tỉnh miền xa, từ ngoài đời cho đến các trang mạng xã hội, ai cũng muốn đóng góp chút gì đó dù bé nhỏ để làm yên lòng người đã mất và an ủi những người còn sống sớm vượt qua nỗi đau này.

Những người hùng thầm lặng

Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh (Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực số 2) Hà Nội cũng như nhiều đồng đội của mình, có lẽ trong cuộc đời chiến đấu với giặc lửa, anh sẽ không thể nào quên được giây phút giành giật các nạn nhân khỏi bàn tay tử thần.

Khi anh và đồng đội đến hiện trường thì phát hiện trên tầng 5 của chung cư có 4 nạn nhân đang đứng ở lan can kêu cứu. Lúc này, Thượng úy Tuấn Anh và đồng đội phát hiện chiếc thang dây của một gia đình ở tầng 3 sử dụng để thoát nạn nên đã dùng để trèo qua ban công tầng 4, lên tầng 5 của tòa nhà. Sau khi tiếp cận, anh lần lượt đưa 4 nạn nhân đầu tiên đến địa điểm an toàn là tầng 6 của một căn nhà ở liền kề.

Anh shipper Nguyễn Đăng Văn.

Sau khi đưa nạn nhân thoát ra ngoài, anh và đồng đội tiếp tục tìm cách tiếp cận các nạn nhân ở tầng 9. Khi lên tới nơi, anh cùng đồng đội phát hiện một nạn nhân là nam giới nằm bất tỉnh trên sàn nhà, gần ban công. Nhưng lúc này, tổ công tác không thể tiếp cận được vào khu vực ban công do ô cửa đã bị khóa, buộc phải tiếp cận phía đối diện của ban công. Khi mở cửa căn phòng, các anh phát hiện có 5 người vẫn còn tỉnh; trong đó có 2 cháu nhỏ khoảng 7-10 tuổi, 2 cô gái trẻ và một nam thanh niên.

Vào thời điểm đó, trời mưa to, những thanh sắt hàn tạm bợ bên ngoài tòa nhà trơn trượt rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác…, để kịp thời cứu người, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh và đồng đội, mỗi người buộc một bạn nhỏ trên lưng rồi đu bám các thanh sắt trên tường trèo xuống...

Là một trong số các chiến sĩ tham gia dập lửa và cứu nạn cứu hộ tại chung cư mini bị cháy, binh nhất Nguyễn Hải Đường không quên được cảm xúc vỡ òa khi tiếp cận tầng 8 của tòa chung cư mini. Dò dẫm trên những bậc thang tối om, khi đến căn nhà cuối cùng, anh và đồng đội chực khóc khi nghe thấy tiếng người gọi ở bên trong. “Có người, có người”, sau tiếng hô, Đường cùng đồng đội vội lao đến mở cửa. Tại khu vực nhà vệ sinh của căn phòng, một cặp vợ chồng cùng cậu con trai nhỏ đang ngồi run rẩy ở bên trong, gương mặt lấm lem. Ngay lúc đó, anh cùng đồng đội đã tiến hành dấp nước vào chiếc khăn rồi hướng dẫn người chồng bế cậu con trai ra bên ngoài. Sau nhiều giờ đối mặt với giặc lửa, đã thấm mệt, đôi chân của Binh nhất Nguyễn Hải Đường như muốn quỵ xuống nhưng anh và đồng đội vẫn cố gắng cõng một người phụ nữ đưa xuống tầng 1...

Không chỉ có các chiến sĩ PCCC mà nhiều “anh hùng thầm lặng” cũng đã dũng cảm lao vào đám cháy để cứu người. Một trong số đó là anh Nguyễn Đăng Văn, 30 tuổi (quê Bắc Ninh). Anh Văn làm nghề shipper, đêm 12/9 khi đang giao hàng ngoài đường thì anh Văn bất ngờ nhận được điện thoại từ anh trai báo người thân đang gặp hỏa hoạn tại chung cư mini ở Khương Hạ. Nhận được tin, anh Văn phi thẳng xe đến đó, tới nơi thì đám cháy đang bốc khói ngùn ngụt, cảnh tượng hoảng loạn. Nhìn lên tầng 4 chỉ thấy một màu đen kịt, lòng anh Văn nóng như lửa đốt, bởi anh biết chắc chắn, gia đình anh chị gái đang mắc kẹt trên đó.

Anh Văn nhớ lại: “Lúc đó em không nghĩ gì nhiều, chỉ nghĩ nhất định phải cứu được cháu mình nên khi thấy một anh Công an chạy vào, em cũng chạy theo. Để bảo vệ, em đeo khẩu trang, đội ngược mũ bảo hiểm. Lao vào đó em cũng rất sợ hãi vì giống như mình đang đi vào chỗ chết vậy nhưng người thân của mình đang không biết sống chết thế nào thì mình sao mà đứng nhìn cho được”.

Chạy lên tới tầng 4, Văn dùng búa đập vỡ cánh cửa và cứu được anh, chị họ và một đứa cháu rồi đưa ra ngoài. Khi người thân của mình đã an toàn, anh Văn lại tiếp tục lao vào biển lửa lên tiếp các tầng trên để cứu những người còn mắc kẹt. "Lên tới nơi, em gặp một gia đình 5 người. Em đi trước, lấy dép và khăn ướt cho người ta. Đến đoạn cầu thang, em phải bế họ đi qua nữa", Văn kể lại. Điều khiến Văn day dứt nhất ấy là anh đã không cứu được cô cháu gái 13 tuổi của mình.

Tình người ấm áp

Những ngày qua, con phố Khương Hạ vẫn lặng lẽ tiếp đón rất nhiều người dân, các cháu học sinh, sinh viên, các tổ chức cơ quan, đoàn thể… đến thắp hương cho vong linh những người đã mất trong vụ hỏa hoạn. Dọc con phố dẫn vào UBND phường, vào chùa và vào ngõ 29/70 Khương Hạ, đều có lực lượng Công an, dân phòng túc trực hướng dẫn tận tình cho mọi người. Ở đây, ai cũng cảm nhận được, ngoài tinh thần trách nhiệm còn có những sự xót xa, mong muốn được sẻ chia với những mất mát của các gia đình nạn nhân.

Tại UBND phường Khương Đình, đoàn người xếp hàng lần lượt mang đến những tấm lòng, những đồng lương hưu, ngày công làm việc, những chắt chiu dành dụm... Những đôi mắt đỏ hoe, những tiếng nấc khóc nghẹn của các em học sinh vai vẫn đeo balo. Có em tới để ủng hộ số tiền bố mẹ cho ăn sáng. Có em lại mang theo con lợn đất, cũng không biết trong đó có bao nhiêu tiền nên nhờ mọi người đập giúp để ủng hộ. Có cụ già chống gậy, mở túi nilon lấy ra những đồng tiền tích cóp, vuốt cho thật phẳng rồi mới ủng hộ.

Nhân dân khắp nơi quyên góp, giúp đỡ các gia đình nạn nhân vụ cháy.

Người góp của, người góp công, ai cũng muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình để an ủi vong linh người đã mất. Mấy ngày qua, anh Phạm Ngọc (ở Hà Nội) luôn túc trực tại chung cư mini bị cháy để hỗ trợ, hướng dẫn cho những người muốn đến thắp nén hương cho những nạn nhân xấu số. Anh Ngọc chia sẻ, dù không là người thân của bất cứ nạn nhân nào nhưng anh không thể cầm lòng được trước nỗi mất mát quá lớn này. "Những người thân của các nạn nhân còn bận lo tang sự cho những người tử nạn nên mình và một vài người nữa tập trung ở đây để hỗ trợ phường Khương Hạ. Mình cứ coi như đó là những người thân của mình thì mới dồn hết tâm can vào để lo cho trọn vẹn. Giờ họ mất rồi mà lại để lạnh hương khói thì mình day dứt lương tâm lắm”- Anh Ngọc bùi ngùi.

Ngay tại thời điểm nghe tin chung cư bị cháy, anh Ngọc cũng đã chạy xe từ nơi mình ở đến thẳng đây. Tuy nhiên, theo lời anh Ngọc kể, thời điểm đó đám cháy to quá nên anh cũng không được phép vào trong mà chỉ ở bên ngoài hô hào mọi người đồng thời chở nước, chở những cán bộ chiến sĩ từ ngoài đường vào nhanh nhất có thể.

Sau thảm họa, có những câu chuyện khiến người ta lặng đi vì xúc động. Vợ chồng ông Lê Đức Mậu, 76 tuổi đã chở nhau bằng xe máy từ Long Biên sang phố Khương Hạ với mong muốn được thắp cho các nạn nhân một nén hương. Ông Mậu cho biết: "Chỉ cần đặt mình vào vị trí của những người còn sống là thấy lồng ngực mình đau nhói. Thế nên ngay từ sáng sớm, vợ chồng tôi đã chở nhau sang đây, vừa là để thắp hương vừa là để đóng góp chút ít tới gia đình các nạn nhân”.

Nhiều hộ dân sống xung quanh khu chung cư bị cháy đã tự nguyện dồn nhiều người ở chung một phòng để nhường những phòng còn lại cho các gia đình vào ở tạm. Trên khắp các trang mạng xã hội, Facebook, nhiều hội nhóm, tổ chức, cá nhân đã tự nguyện đứng ra quyên góp tiền bạc, quần áo, chăn màn, nhu yếu phẩm, kịp thời gửi tới những nạn nhân trắng tay.

Chị Phương Hiền - công tác tại VOV là một trong những "công dân Facebook" nhiệt tình kêu gọi mọi người đóng góp sau thảm họa. Chị xúc động kể rằng, cuối buổi chiều có một bạn shipper người ướt sũng vì nước mưa, dúi vào tay bộ phận tiếp nhận 800.000 đồng và nói "em xin góp một chút" rồi chạy đi ngay không cần ghi tên. Liên tục những chuyến hàng chở những ân tình với quần áo, gạo, đường sữa... tới nhà văn hóa Khương Hạ những ngày này, rất nhiều người sẵn sàng nhường nhà của mình cho các nạn nhân ở tạm.

Đồng bào ta là vậy, mỗi khi xảy ra hoạn nạn, tình người lại hiện lên, sáng rỡ!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tinh-nguoi-o-lai-i708005/