Tình nghĩa đồng bào

Người cháu của tôi sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài đã trở về thăm quê nhà cùng con gái tròn 10 tuổi. Điều tôi không ngờ tới là đứa bé này mặc dù cả cha lẫn mẹ đều là người Việt nhưng em nói tiếng Việt không rành. Cháu tôi phân trần: 'Con được sinh ở nước ngoài, chưa đi đứng được là gởi nhà trẻ. Ở đó, nó gần gũi với người bản xứ, sống nơi dân cư ít người Việt thì chuyện không biết tiếng mẹ đẻ là điều khó tránh khỏi'.

Thực tế đó không là chuyện riêng của gia đình nào mà khá phổ biến của nhiều gia đình người Việt khác ở nước ngoài. Ấy là chưa kể, một số gia đình muốn con cái của họ sống như người bản xứ để dễ hòa nhập với xã hội mới. Những người có tâm huyết trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang canh cánh nỗi lo, thế hệ con em họ lớn lên chỉ quen xài tiếng bản xứ, mai này sẽ vô cùng xa lạ với văn hóa Việt, việc mất gốc là điều rất dễ xảy ra.

Trường hợp khác, có lần tôi có tiếp xúc với một anh ở nước ngoài về nước chơi. Anh cho biết tuy qua bên đó hơn 8 năm nhưng sống trong cộng đồng người Việt dù anh không thành thạo ngôn ngữ của người bản xứ nhưng vẫn không ảnh hưởng gì, vẫn làm ra tiền dư sống vì ông chủ và những người cùng làm chung trong công ty đều là người Việt! Nghĩ sâu xa, điều đó cũng chẳng hay, mình sống ở xứ người lâu dài thì ngôn ngữ ở nơi mình sống phải biết mới được. Nếu để xảy ra việc hạn chế như vậy, điều thiệt thòi trước nhất mình sẽ gánh chịu. Ở hoàn cảnh nào, con người cũng phải cầu tiến để phù hợp với xã hội mình đang sống. Tôi biết nhiều người đã lớn tuổi khi ra nước ngoài sống với con cháu vẫn tìm cách học tiếng bản xứ để thuận tiện cho việc giao tiếp.

Tôi nhớ lại, về chuyện bản sắc dân tộc, người Hoa khi sang Việt Nam sinh sống lâu dài phải nhìn nhận rất ý thức về việc giữ gìn ngôn ngữ của dân tộc mình. Thuở nhỏ, tôi sống ở xóm Tiều, tôi thấy trong nhà cha mẹ nói chuyện với con cái đều nói bằng tiếng của dân tộc mình. Lớn lên tới tuổi đi học cho đi học “trường người Hoa”. Bởi vậy con cái họ rất am tường ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc mình. Phải qua mấy thế hệ thì mới dần dần phai nhạt, như vậy xem ra cũng rất hay rồi. Những “chú Tiều con” ở thế hệ thứ 3, thứ 4 đã lần hồi sống và suy nghĩ như những người Việt! Sống ở đâu quen ở đó rồi trở nên yêu thương là điều rất bình thường. Nhiều người ở xóm Tiều ngày xưa tôi biết, sống lâu năm ở Việt Nam lần hồi yêu mến và xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình, ít ai còn nghĩ đến chuyện trở về cố quốc của mình nữa.

Chú tôi sinh sống ở nước ngoài hơn 30 năm, cuối đời có nguyện vọng muốn trở về nước và sau này mất được chôn cất ở quê cha đất tổ. Các con đều thuận tình đồng ý. Có người không có điều kiện trở về như vậy lại mong muốn khi mất được hỏa táng, khi nào con cháu có về nước thì mang tro cốt của họ về rải trên núi trên sông ở đâu cũng được miễn là trên đất nước thân yêu. “Lá rụng về cội”, đó là ước mơ của không ít người Việt ở nước ngoài, hẳn là tình cảm đối với nơi chôn nhau cắt rốn trong tình nghĩa đồng bào của dân ta rất đỗi thiêng liêng.

TUẤN BA

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/tinh-nghia-dong-bao-55481.html