Tính năng chưa tốt trên iOS

Dù trang bị nhiều tính năng hữu ích, iOS vẫn tồn tại nhược điểm ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Zing lược dịch bài viết của tác giả Michael Heller, trang Digital Trends về tính năng quản lý thông báo trên iOS.

Nếu từng chuyển từ smartphone Android sang iPhone, một trong những khác biệt lớn nhất là khả năng xử lý thông báo. Trên iOS, hệ thống thông báo hoạt động kém hiệu quả hơn so với Android, đặc biệt khi nó xuất phát từ 2 khía cạnh cốt lõi trong triết lý thiết kế của Apple: sức mạnh của hệ sinh thái và cách tương tác đơn giản.

Thanh thông báo là tính năng tệ nhất lúc này trên iOS. Ảnh: 9to5mac.

Đồng bộ kém với hệ sinh thái

Hệ sinh thái của Apple được thiết kế để khuyến khích người dùng mua nhiều sản phẩm hơn với hàng loạt dịch vụ trả tiền, sản phẩm được tối ưu để hoạt động cùng nhau.

Hiện tại, Apple đã trang bị tính năng mở khóa máy Mac bằng iPhone, hoặc Handoff để đồng bộ công việc đang làm giữa các thiết bị. Tuy nhiên, thông báo lại không được đồng bộ như thế. Nếu đã xem hoặc xóa thông báo trên iPhone, nó vẫn xuất hiện trên iPad. Nếu xử lý xong email trên tablet hoặc máy tính, thông báo vẫn nằm trên iPhone để người dùng tự xóa.

Nếu chỉ tính các thông báo đơn lẻ, đó không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, sẽ có hàng trăm thông báo nằm trên điện thoại nếu không được kiểm tra trong một ngày. Điều đó đồng nghĩa người dùng phải xóa thông báo dù đã xử lý nó trên thiết bị khác, hoặc không xóa để thông báo tự biến mất sau một tuần.

Tất nhiên, Google còn nhiều vấn đề cần giải quyết trên Android. Tuy nhiên về mặt thông báo, Android lại quản lý và đồng bộ hiệu quả hơn. Nếu đã xử lý email trên máy khác, ứng dụng Gmail trên Android sẽ cập nhật và xóa thông báo về email đó. Nếu đã đọc tin nhắn trên máy khác, thông báo cũng sẽ được xóa trên thiết bị còn lại.

Để công bằng, Android có những vấn đề riêng khi đồng bộ giữa các thiết bị. Tuy nhiên về mặt thông báo, Android lại quản lý hiệu quả hơn. Nếu đã xử lý email trên thiết bị khác, ứng dụng Gmail trên Android sẽ tự đồng bộ và xóa thông báo về email đó. Nếu đã đọc tin nhắn trên máy khác, thông báo cũng sẽ được xóa trên những thiết bị còn lại.

Người dùng có thể phải nhận hàng trăm thông báo trong ngày nếu không tự xóa. Ảnh: Firstpost.

Sự đơn giản trở nên phức tạp

Tính năng quản lý thông báo liên tục được cập nhật trên Android. Còn với iOS, thanh thông báo hầu như không thay đổi nhiều. Trên Android, người dùng có thể nhấn giữ để tắt thông báo từ ứng dụng tương ứng, vuốt sang trái hoặc phải để xóa thông báo, tương tác hoặc xem thêm nội dung bằng cách vuốt từ trên xuống.

Trong khi trên iOS, nhấn giữ vào thông báo sẽ mở rộng nội dung và thao tác (trả lời tin nhắn, xóa email…). Vấn đề là nhiều lập trình viên không hỗ trợ mở rộng nội dung hoặc thao tác cho thông báo, kể cả các ứng dụng phổ biến.

Ví dụ, ứng dụng YouTube trên iOS không hỗ trợ thao tác với thông báo, trong khi trên Android lại cho phép người dùng thêm video vào danh sách xem sau. Nói cách khác, việc nhấn giữ thông báo trên iOS đôi lúc là vô nghĩa.

Các cử chỉ thừa cũng xuất hiện khá nhiều trên iOS. Nếu vuốt từ trên xuống, điều duy nhất xảy ra là thông báo sẽ trượt theo rồi trở về vị trí cũ. Nếu vuốt từ trái sang phải, thông báo sẽ mở ứng dụng tương ứng, giống với cử chỉ chạm vào thông báo. Trong khi nếu vuốt từ phải sang trái, hệ thống sẽ đưa ra 3 lựa chọn: quản lý, xem hoặc xóa thông báo. Vấn đề là cả 3 tùy chọn đều trùng với những cử chỉ khác.

Đầu tiên, quản lý thông báo có thể được tùy chỉnh nếu nhấn vào nút 3 chấm sau khi nhấn giữ. Thao tác xem thông báo giống như chạm hoặc vuốt sang phải, trong khi xóa thông báo hoạt động tương tự vuốt sang trái rồi giữ ở mép màn hình.

3 thao tác khi vuốt thông báo trên iOS trùng với cử chỉ khác. Ảnh: Macworld.

Việc iOS quản lý thông báo kém hiệu quả hơn Android cho thấy cách làm việc của 2 nền tảng rất khác nhau. Thanh thông báo đã là một phần của Android ngay từ phiên bản đầu tiên năm 2008. Trong khi đó, thanh thông báo chỉ xuất hiện từ iOS 5 năm 2011. Trước đó, người dùng iOS dựa vào pop-up hoặc con số trên góc biểu tượng ứng dụng để đếm thông báo.

Nâng cấp cho thanh thông báo cũng có sự khác biệt. Từ phiên bản Android 4.0, Google đã bổ sung tính năng mở rộng nội dung thông báo, thao tác mở rộng xuất hiện từ Android 4.2, sau đó là hàng loạt tính năng như thông báo ưu tiên, trả lời thông minh, bong bóng chat... Trong khi đó, Apple chỉ thiết kế lại thanh thông báo từ iOS 7, hợp nhất với màn hình khóa trên iOS 11 và gom nhóm thông báo trên iOS 12.

Sự khác biệt này phần nào cho thấy lý do iOS quản lý thông báo kém hiệu quả. Người dùng và lập trình viên Android luôn được ưu tiên để tương tác với ứng dụng qua thanh thông báo, trong khi iOS yêu cầu đi sâu vào ứng dụng cho các thao tác. Màn hình khóa cũng là thế mạnh của Android, phần lớn đến từ khả năng tích hợp với các thông báo.

Apple vẫn đang buộc người dùng bật ứng dụng để hoàn thành công việc trên iOS. Điều đó càng rõ ràng khi widget trên iOS 14 chỉ hiện thông tin chứ không thể tương tác. Mặt khác, Google dường như muốn giảm thời gian bật ứng dụng khi các widget hoặc thông báo có thể tương tác, làm nhiều tác vụ nhanh chóng. Bong bóng chat của ứng dụng Messages là ví dụ.

Với những khác biệt về triết lý này, không ngạc nhiên khi iPhone vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý thông báo, và đó là tính năng tệ nhất của hệ điều hành này cho đến nay.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-nang-te-nhat-tren-ios-post1175526.html