Tình huống khó xử của Mỹ trước Hàn Quốc

Vụ rò rỉ tài liệu mật liên quan đến Hàn Quốc của Mỹ đã làm dấy lên lo ngại ở Seoul và có nguy cơ làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai đồng minh thân cận.

Giới phân tích nhận định chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, vốn rất được mong đợi, của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào cuối tháng này có thể bị phủ bóng bởi vụ rò rỉ tài liệu mật gần đây. Vụ việc cho thấy các quan chức hàng đầu của Seoul có thể đã bị Washington theo dõi, theo South China Morning Post.

Những ngày gần đây, Washington đang gấp rút truy tìm nguồn gây rò rỉ, sau khi các tài liệu mật bị phát tán lên mạng xã hội.

Tờ New York Times đưa tin các tài liệu mật của quân đội Mỹ bị rò rỉ gần đây có chứa thông tin về các cuộc thảo luận nội bộ của giới chức Hàn Quốc. Nội dung thảo luận là việc Mỹ gây áp lực thuyết phục Hàn Quốc gửi vũ khí cho Ukraine, trái với chính sách mà Seoul theo đuổi.

Theo CNN, tài liệu này đã gây ra tranh cãi ở Seoul, khi giới chức Hàn Quốc cho biết họ dự định nêu vấn đề này với Washington.

Giới chức Hàn Quốc phản ứng mạnh

Một quan chức cấp cao tại văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 10/4 cho biết Seoul sẽ kêu gọi Washington thực hiện "các biện pháp thích hợp" sau khi hai nước đi đến cùng của vụ việc.

“Yêu cầu này sẽ được thực hiện trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau với tư cách là đồng minh”, vị quan chức giấu tên cho biết. Các tài liệu bị rò rỉ có thể đã bị "biên tập hoặc bịa đặt", ông chia sẻ thêm.

“Những người có thể tìm cách bóp méo sự thật hoặc phá hoại liên minh sẽ bị công chúng lên án", ông nói, nhấn mạnh vụ rò rỉ được tiết lộ trước chuyến đi của Tổng thống Yoon tới Washington.

Một số tài liệu mật của quân đội Mỹ liên quan đến Hàn Quốc đã bị rò rỉ. Ảnh: AP.

Giữa lúc đó, Mỹ đang cố gắng hàn gắn với các đồng minh chủ chốt, sau khi các tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy Washington đã theo dõi các quốc gia thân thiện, bao gồm Hàn Quốc và Israel.

Giáo sư khoa học chính trị Park Won Gon của Đại học Nữ Ewha nhận định vụ rò rỉ thông tin tình báo đã làm ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn sắp tới.

“Đây là một tình huống khá xấu hổ đối với Mỹ, khiến Mỹ càng khó kêu gọi Seoul cung cấp vũ khí cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh này”, ông Park nói.

Theo tiết lộ, Seoul đồng ý bán đạn pháo để Mỹ bổ sung vào kho vũ khí của nước này. Tài liệu bị rò rỉ, vốn không đề cập rõ ngày tháng, khẳng định người sử dụng cuối cùng phải là quân đội Mỹ.

“Báo cáo mật này có được nhờ vào tình báo tín hiệu. Điều này cho thấy Mỹ đang do thám một trong những đồng minh chủ chốt tại châu Á”, New York Times nhận định.

Tuy nhiên, trong trao đổi nội bộ, giới chức Hàn Quốc lo ngại Mỹ có thể gửi chúng tới Ukraine. “Trớ trêu thay, sự cố rò rỉ này đã loại bỏ một số gánh nặng đối với Hàn Quốc”, quốc gia đang cố gắng cân bằng giữa Mỹ và Nga, giáo sư Park nói.

Seoul có quy định không xuất khẩu vũ khí cho các quốc gia đang vướng vào xung đột. Giới chức Hàn Quốc khẳng định Seoul vẫn tuân theo nguyên tắc này bất chấp vụ rò rỉ.

Park Hong Keun, lãnh đạo tại nghị viện của đảng Dân chủ đối lập, hôm 10/4 kêu gọi văn phòng tổng thống ở Seoul ngay lập tức yêu cầu "thông tin rõ ràng" từ phía Washington.

“Đây là một sự cố nghiêm trọng, khi chủ quyền quốc gia và niềm tự hào dân tộc của Hàn Quốc đang bị đe dọa. Nếu báo cáo đó là đúng, Mỹ nên đưa ra lời xin lỗi chân thành tới người dân Hàn Quốc và hứa rằng điều đó sẽ không xảy ra nữa”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Kim Jong Dae cho biết việc di dời văn phòng tổng thống từ Nhà Xanh đến quận Yongsan ở phía Nam Seoul, gần các cơ sở quân sự được trang bị hệ thống giám sát tinh vi của Mỹ, có thể khiến cơ quan này dễ bị nghe lén hơn.

"Thói quen cũ khó thay đổi. Không có gì thay đổi mặc dù Mỹ đã nhiều lần hứa sẽ không nghe lén các đồng minh trong quá khứ”, ông nói.

"Phần nổi của tảng băng chìm"

Chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 26/4 của Tổng thống Yoon sẽ kỷ niệm 70 năm hiệp ước liên minh chính thức giữa hai nước.

Giới phân tích cho biết ông Yoon đã hy vọng sử dụng chuyến thăm này để củng cố vị thế chính trị trong nước giữa lúc tỷ lệ ủng hộ thấp, do suy thoái kinh tế và những câu hỏi xung quanh chính sách đối ngoại của ông.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, ông Yoon và ông Biden "sẽ làm nổi bật tầm quan trọng và sức mạnh lâu dài của liên minh vững chắc này". Một số nhà quan sát đã suy đoán rằng Washington sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy Seoul cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Vào ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc để giải thích về vụ rò rỉ, đồng thời cam kết sẽ liên lạc và hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc.

Kim Tae Hyo, phó cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc, tuyên bố thông tin được cho là thu thập được từ các cuộc thảo luận nội bộ là "không đúng sự thật" và đã bị "thay đổi".

Tổng thống Hàn Quốc sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào ngày 26/4. Ảnh: Reuters.

Ông Kim nhấn mạnh suy đoán về việc Washington đang theo dõi Hàn Quốc - một đồng minh quan trọng và là nơi đồn trú của 28.500 quân Mỹ - sẽ không gây tổn hại đến quan hệ song phương

“Mỹ là quốc gia có năng lực tình báo tốt nhất thế giới và kể từ khi ông Yoon nhậm chức, chúng tôi đã chia sẻ thông tin tình báo trong hầu hết lĩnh vực”, ông Kim nói thêm.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng vụ rò rỉ hơn 100 tài liệu quốc phòng tuyệt mật của Mỹ có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Họ cảnh báo rằng Mỹ có thể đối mặt với nhiều tổn hại hơn nữa về danh tiếng và mối quan hệ với các đồng minh.

Tướng Angus Campbell, người đứng đầu Lực lượng Quốc phòng Australia, nhận định việc phổ biến các tài liệu bị rò rỉ có thể làm suy yếu lòng tin giữa các đồng minh.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-huong-kho-xu-cua-my-truoc-han-quoc-post1420885.html