Tinh hoa OCOP Hà Nội

Là mảnh đất trăm nghề nên thật dễ hiểu khi Hà Nội đang là địa phương đi đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng và số lượng, thành phố còn không ngừng tìm kiếm các cơ hội để mở rộng đầu ra cho những sản phẩm đặc trưng.

Số liệu của Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội cho thấy, đến nay thành phố đang có có 2.167/9.852 sản phẩm được đánh giá, công nhận, chiếm 22% của cả nước.

Khẳng định vị trí đầu tàu

Tại lễ khai mạc khu trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP năm 2023 do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tổ chức sáng ngày 16/6, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho hay, thành phố có 6 sản phẩm OCOP 5 sao thì 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, 1 sản phẩm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức và 1 sản phẩm của HTX Sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh. Ngoài ra, thành phố còn có 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Số liệu này đã khẳng định, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên) và cũng là địa phương có số sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cũng nhiều nhất.

Là một trong những mô hình kinh tế tập thể dẫn đầu thành phố khi có sản phẩm OCOP 5 sao, nghệ nhân Đức Tân, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh, cho biết sản phẩm gốm đạt tiêu chuẩn OCOP có tính đặc trưng cao, không giống như các sản phẩm được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn, với công nghệ hiện đại. Chính vì vậy nó có giá trị cao và tính đặc sắc.

Để tạo ra tác phẩm có sự khác biệt, HTX Tân Thịnh đã chế tác từ những nguyên liệu trong nước, các loại quặng kim loại trong lòng đất hàng triệu năm. Cùng với đó là kỹ thuật pha chế trang trí công phu khi được nung ở nhiệt độ 12500C, tạo ra các màu men có hiệu ứng hỏa biến sống động như ngọc trên tác phẩm.

Tác phẩm biểu tượng cho bầu trời, biển khơi, mang lại ý nghĩa của âm dương ngũ hành. “Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc” của HTX không chỉ là sản phẩm mà còn đạt đến độ là một tác phẩm nghệ thuật khi hướng đến cái chân, thiện, mỹ đem đến sự bình an, hạnh phúc và thành đạt.

Chính vì vậy, bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của HTX đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá là sản phẩm OCOP 5 sao tiềm năng năm 2019.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm OCOP 5 sao, HTX Tân Thịnh có một điểm nhấn đó là HTX có 20 thành viên, thì 20 thành viên đều là những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Mỗi thành viên lại chuyên về một dòng sản phẩm khác nhau nên đây là cơ hội để HTX tiếp tục có thêm những sản phẩm tiềm năng khác. Từ đó đóng góp vào quá trình phát triển OCOP của toàn thành phố Hà Nội.

Tận dụng nền tảng số

Những thành tựu mà Hà Nội đạt được và đang làm là cả một quá trình dài từ năm 2018 đến nay và cả thời gian tới. Nếu như trong thời gian từ 2018-2022, thành phố tập trung phát triển số lượng, nâng chất, phân hạng sản phẩm thì trong định hướng từ 2022-2025, thành phố sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm đặc trưng, từ đó mang lại những giá trị thiết thực cho người làm ra sản phẩm.

Trước sự phát triển của công nghệ, thành phố không bỏ qua việc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên các nền tảng số. Đây cũng là một trong những định hướng về chuyển đổi số trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2-25 của cả nước.

Để tận dụng nền tảng công nghệ, Hà Nội đã lên kế hoạch tập huấn kỹ năng bán hàng trên các nền tảng số cho các các chủ thể, tổ chức các chương trình quảng bá, giao thương trên nền tảng số. Một trong những sự kiện thu hút được sự tham gia của các chủ thể là “Chợ đêm trên mây” vào tối thứ 6 hằng tuần trên nền tảng Facebook.

Các sản phẩm bưởi đỏ của HTX Bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh), gà đồi của HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì, sữa bò chế biến của Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì đều nhận được sự quan tâm của người mua. Ngoài ra, sự kiện này còn có sự tham gia của các đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP đến từ các tỉnh, thành phố như: Bánh chưng gù, mật ong đến từ Hà Giang, cá lăng của tỉnh Tuyên Quang, tổ yến đến từ tỉnh Bình Phước...

Bưởi đỏ 4 sao của HTX Đông Cao nhân được nhiều sự quan tâm khi tham gia các buổi xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, sự kiện “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”, Diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn” hay việc Hà Nội hợp tác với TikTok, những người có tầm ảnh hưởng trên nền tảng mạng xã hội hỗ trợ các chủ thể bán hàng qua các nền tảng trực tuyến bài bản.

Đến nay, bán hàng qua các nền tảng trực tuyến vẫn là kênh tiêu thụ bền vững và khá hiệu quả cho các chủ thể OCOP của thành phố. Ông Lương Văn Phương, Giám đốc HTX Bưởi đỏ Đông Cao (huyện Mê Linh), cho biết nhờ sự hỗ trợ về kỹ năng cũng như hoàn thiện chất lượng của thành phố Hà Nội mà ông khá tự tin khi tham gia livestream bán hàng qua các nền tảng xã hội, các sự kiện bán hàng OCOP do thành phố tổ chức.

Ngay như thời điểm dịch Covid-19, đầu ra của quả bưởi đỏ tương đối khó khăn nhưng nhờ livestream mà chính sách bán bưởi tặng cây giống của HTX đã đến được với nhiều người. Đây cũng là cơ hội cho HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối với những ban ngành, đơn vị khác để tìm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của các cơ quan hữu quan, bán hàng bằng công nghệ số có một nhược điểm đó là thông tin không được cân xứng giữa người mua và người bán. Chỉ có hình thức livestream là phần nào khắc phục được vấn đề này. Hoặc việc đặt hàng ảo gây khó khăn và thiệt hại cho người bán hàng.

Tuy nhiên, khi thực hiện các chương trình, sự kiện bán hàng trực tuyến nhưng có sự tham gia của các ban ngành địa phương, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước như UBND Thành phố Hà Nội, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, Liên minh HTX thành phố đã giúp giám sát việc mua bán của các bên đồng thời tăng độ tin cậy của hình thức mua, bán trực tuyến.

Xúc tiến thương mại trực tiếp

Song song với hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến, thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh hình thức xúc tiến thương mại trực tiếp để đa dạng hóa đầu ra cho các chủ thể, giúp các chủ thể tận dụng tối đa các kênh bán hàng để tiếp cận đối tác, khách hàng.

Cụ thể như sáng ngày 16/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới khai mạc khu trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP năm 2023. Sự kiện này đã thu hút các chủ thể OCOP tham gia. Tiêu biểu như công ty cổ phần nông nghiệp Gigaherz's Việt Nam (Hà Nội) với sản phẩm trà tía tô, bột tía tô, trà cà gai leo, ngâm chân thảo dược, mặt nạ rau má… Ngoài ra, còn có các chủ thể OCOP ở các tỉnh thành khác như HTX Thịnh An (Thái Nguyên) với các sản phẩm chè đảm bảo nguồn gốc xuất xuất và được chứng nhận OCOP… nhằm tìm kiếm các đối tác.

Bà Trần Thị Phương Lan (áo đỏ) – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cùng các quan khách tham quan gian hàng trưng bày tại buổi xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm hàng hóa OCOP ngày 16/6.

Việc thành phố tổ chức các buổi xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm hàng hóa OCOP giúp các chủ thể đến gần hơn với các nhà phân phối, đối tác. Đặc biệt, thông qua các buổi xúc tiến thương mại, cả người mua và người bán đều có thể dễ dàng tiếp xúc trực tiếp để trao đổi, tương tác qua lại về quy mô sản xuất, sản phẩm, khắc phục điểm yếu của hình thức bán hàng trực tuyến. Doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ có thể đến tận vườn, tận nhà kho của các chủ thể để khảo sát xem sản phẩm được xử lý như thế nào, thậm chí hai bên có thể trao đổi với nhau làm sao để hạ giá thành, giảm chi phí đưa vào siêu thị để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Cùng với đó, sự hỗ trợ kết nối của các cơ quan quản lý thành phố sẽ dẫn dắt các chủ thể OCOP và các đối tác, nhà phân phối đến với nhau, mang lại thuận lợi cho cả đôi bên.

Tuy nhiên, để các chủ thể kết nối được bền lâu với các nhà phân phối, các chủ thể cần quan tâm tiêu chuẩn của sản phẩm một cách chi tiết về quy cách, phẩm chất, giá cả và đặc biệt về quy mô, khả năng cung ứng.

Với những gì đang làm được, Hà Nội định hướng sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên nhiều mặt, mở các cửa hàng OCOP để đến năm 2025, thành phố có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tinh-hoa-ocop-ha-noi-1093292.html