Tinh hoa nghề thêu

Ở tuổi 47, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi là người trẻ nhất trong số những người được Bộ Công thương trao tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân. Anh là người duy nhất trong cả nước nắm giữ những bí quyết của nghệ thuật thêu cung đình - kỹ thuật thêu hội tụ tinh túy nhất của nghề thêu. Anh cũng là người mấy chục năm đánh cược cả sản nghiệp để tìm lại những tinh hoa nghề thêu.

Phố Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) trong tuần lễ kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam bỗng trở nên khác lạ. 1.000 mô hình chiếc guồng quay tơ vàng óng được trang trí khiến người ta có cảm giác như đi vào một "con đường tơ lụa". Nhưng đó mới là "nền" cho một triển lãm đặc biệt tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ - triển lãm trang phục cung đình. Điểm nổi bật nhất của trang phục cung đình là nghệ thuật thêu. Tất cả mọi người đến với triển lãm đều kinh ngạc trước những hình thêu rồng, phượng, sóng, mây..., trên các bộ trang phục. Những con rồng được thêu trên nền gấm, lụa nổi như hình 3D sống động. Và sắc vàng - mầu của hoàng gia càng khiến những bộ trang phục trở nên cao sang. Chủ nhân của bộ sưu tập ấy là Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi.

Dù đã nhiều lần xuất hiện trước công chúng, đã nhiều lần tham dự các triển lãm, làm ra những trang phục hết sức sang trọng, nhưng nghệ nhân Vũ Văn Giỏi vẫn giữ nguyên vẻ mộc mạc, chân chất của một người thợ sinh ra ở một vùng quê ngoại thành (làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Anh có chút ngập ngừng khi nói về bản thân. Phải đến khi được "mạch" chuyện của nghề thêu chạm đúng, người ta mới thấy anh bắt đầu hăng say... Nghề thêu thì nhiều nơi có. Nhưng thêu như ở Đông Cứu thì chỉ có một. Ví thử bây giờ có người muốn phục chế áo thờ cho thành hoàng, chỉ có địa chỉ duy nhất là Đông Cứu. Ví thử bây giờ muốn thêu một bộ khăn chầu, áo ngự - cũng không đâu làm đẹp hơn làng nghề này. Ấy là vì làng quê này giữ nguyên những kỹ thuật thêu cổ, từ hàng trăm năm trước mà không đâu có được.

Như nhiều người sinh ra ở Đông Cứu, Vũ Văn Giỏi theo nghề của cha ông. Nhưng anh chỉ mê những đường kim sợi chỉ, khi biết nghề thêu hóa ra là cả một kho tàng. Rất nhiều kỹ thuật thêu khó, người thợ thường thất bại nếu thiếu kiên trì. Song khi chinh phục được rồi, lại là cả một niềm hạnh phúc. Ham mê cho nên anh sớm thành thợ giỏi, như chính cái tên của anh. Cây kim trong tay Vũ Văn Giỏi như có ma thuật, thêu lên những phượng múa rồng bay. Nhờ tiếng tăm ấy, có một Việt kiều tìm đến Vũ Văn Giỏi đề nghị giúp phục chế trang phục cung đình. Trước đây, anh chỉ nghe nói các cụ làng mình từng vào Huế thêu áo cho hoàng gia. Nhưng nghề đã thất truyền. Biết là khó, nhưng không thể lường trước được là từng sợi chỉ, mũi kim khi thêu long bào, hay trang phục các ông hoàng, bà chúa lại phức tạp đến thế. So với áo cung đình, áo thờ, áo chầu chẳng thấm vào đâu. Nhưng chính điều ấy lại kích thích khát vọng chinh phục của anh. Và khi ông khách Việt kiều ngừng đặt hàng áo hoàng cung, Vũ Văn Giỏi đã tự tìm con đường riêng cho mình.

Không làm những việc kỳ lạ, hẳn sẽ chẳng có cơ hội thành kỳ tài. Vũ Văn Giỏi là người như thế. Những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế còn khó khăn, anh lại dành cả năm chỉ để… thêu một chiếc áo. Đã thế, áo làm ra mà chẳng ai mua. Không ít người khuyên can nhưng anh cứ làm. Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi nhiều lần vào Huế để tìm hiểu mẫu, gặp các nghệ nhân cao niên để học hỏi. Mỗi người chỉ nắm được một mảnh kiến thức. Anh tổng hợp, chắp nối, mày mò thử nghiệm. Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi chia sẻ: “Trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Bất kể họa tiết nào, khi đưa kim cũng phải đưa theo hướng nhất định. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều. Trong khi áo hoàng hậu là se một chiều. Riêng áo long bào của vua, mỗi gam mầu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng khoảng 200 mầu chỉ thêu. Chọn chỉ thêu cũng phức tạp. Chúng tôi thường phải chế các loại thuốc nhuộm sao cho gần giống với mẫu xưa nhất”. Đấy là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó. Trong nhà anh có nhiều trang phục rồng phượng tinh xảo. Song, nó lại là đồ… bỏ đi. Không phải thêu không đẹp, cái chính là thêu không đúng “lề lối” của áo dành cho vua chúa. Tổng cộng anh đã phải bỏ tới… 20 bộ, mỗi bộ, một nhóm thợ do anh chỉ huy phải thêu nhiều tháng ròng. Đau xót, nhưng phải chấp nhận mất “học phí” mới có ngày tìm lại được tinh hoa. Trong những bộ trang phục Vũ Văn Giỏi từng thực hiện, bộ long bào phục chế theo nguyên mẫu long bào Vua Đồng Khánh xứng đáng là một kỷ lục. Anh cùng nhóm tám người thợ làm liên tục mỗi ngày từ tám đến mười tiếng, và phải làm trong 15 tháng mới hoàn thành. Từ một “anh thợ thêu”, Vũ Văn Giỏi trở thành “pho từ điển sống” về trang phục cung đình. Ngoài triều Nguyễn, anh còn tìm cách phục chế trang phục các triều Lý, Trần, Lê. Anh cũng thành thạo phong cách trang trí rồng mây, họa tiết hoa văn của từng thời kỳ. Bởi để phục chế được, đích thân anh phải mày mò nghiên cứu qua sách vở, qua các họa tiết hoa văn cổ trên gỗ, trên đá…

Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp khôi phục kỹ thuật thêu cung đình, “áo vua” vẫn khó bán như xưa. Bởi phục chế một chiếc long bào, số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Vũ Văn Giỏi vẫn lấy ngắn nuôi dài, bằng nhận hợp đồng làm các mặt hàng khác. Những năm tháng lủi thủi với cây kim, mũi chỉ mong khôi phục nghệ thuật thêu cung đình đã qua. Giờ anh đã có những học trò theo nghề. Năm 2016 là năm đặc biệt với nghề thêu Đông Cứu. UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa nghề thêu phục chế Đông Cứu vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Cá nhân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, sau khi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú năm 2013, tiếp tục được trao tặng danh hiệu cao quý nhất dành cho một nghệ nhân - Nghệ nhân Nhân dân. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói, may mắn đã mỉm cười với nghệ thuật thêu cung đình khi có một người tâm huyết như Vũ Văn Giỏi. Càng may mắn hơn, khi ở độ tuổi 47, anh còn nhiều thời gian cống hiến cho nghề thêu.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31364302-tinh-hoa-nghe-theu.html