Tinh hoa nghề đan cỏ tế Phú Túc và hành trình đưa sản phẩm sang trời Tây

Từ lâu, có những loại cỏ đã được người dân tìm thấy và sơ chế để sản xuất các công cụ lao động hay những vật dụng thường ngày đầy tỉ mẩn. Nếu miền Trung, miền Nam nổi tiếng với cỏ bàng thì cách thủ đô Hà Nội không xa, lại có một làng nghề nức tiếng gần xa với loại cỏ tế bình dị - làng đan cỏ tế Lưu Thượng, xã Phú Túc.

Lịch sử lâu đời

Cũng như bất kỳ làng nghề nào của Việt Nam, sự phát triển của Phú Túc cũng như một bản nhạc có đủ các nốt thăng, nốt trầm và dấu lặng. Nghề đan cỏ tế đã xuất hiện ở Phúc Túc từ rất sớm. Tương truyền vào năm 1683, bà Nguyễn Thảo Lâm là người đầu tiên đưa cây cỏ tế về nơi đây, bỏ ra nhiều công sức, mày mò nghiên cứu cách thức chế biến và biến cỏ tế thành nguyên liệu quan trọng cho việc sản xuất các đồ dùng thủ công hàng ngày, phục vụ cho cuộc sống và sinh hoạt.

Nét độc đáo từ những vật dụng bình dị gần gũi

Mặc dầu vậy, trong rất nhiều năm liền, dấu ấn của cây cỏ tế thực sự chưa có gì đặc sắc, nổi bật chủ yếu chỉ là nguyên liệu để sản xuất các vật dụng đơn giản phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian dài hàng trăm năm như vậy, cỏ tế đã dần khẳng định được vị thế của mình, trở thành một yếu tố quan trọng cho hình thành và phát triển một nghề: Nghề đan cỏ tế.

Đến nay, khi đã trở thành một làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng, người làng Lưu Thượng vẫn truyền ngôn nhau câu ca dao với tâm hồn lạc quan và yêu đời:

“Hỡi ai đi ngược về xuôi

Có về Giầu Tế với tôi thì về

Giầu Tế có cây bồ đề

Có ao tắm mát, có nghề đi buôn” (buôn guột)

Guột (có tên gọi khác là cỏ tế) thường mọc ở các vùng núi cao, trung du, miền núi phía Bắc, là loại cây thuộc họ dương xỉ. Cây cỏ tế về Phú Túc chính là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử phát triển làng quê này từ thế kỷ 17 đến nay. Phú Túc - từ một xã nghèo, thuần nông, người dân chỉ biết canh tác một năm hai vụ lúa, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà đời sống vẫn nghèo khổ, đã có những đổi thay đáng kể. Cây cỏ tế là nguyên liệu sản xuất, đồng thời cũng mang theo nó cả một phương thức sản xuất mới, để Phú Túc trở thành một làng nghề truyền thống với doanh thu đến nay ngót trăm tỷ mỗi năm.

Sản phẩm kết tinh tài năng Việt

Để tạo ra một sản phẩm đạt yêu cầu thì trước tiên ở khâu chọn nguyên liệu, cỏ tế chất lượng phải có màu sắc đẹp, có độ dẻo, dai phù hợp với các mặt hàng. Thông thường, cỏ cần phải được phơi ít nhất 03 nắng to liên tục mới đạt chất lượng, cả về độ bền và màu sắc. Tùy từng loại hàng hóa và mục đích sử dụng mà cây cỏ tế được để nguyên hay chẻ ra làm 2, 3 hay 4 phần, phân loại theo màu sắc, kích cỡ, chất lượng, sau đó, cỏ tế được dùng để đan, tạo hình cho các sản phẩm.

Những sản phẩm được hình thành từ cây dại qua bàn tay của người Phú Túc

Thành phẩm được hun sấy bằng diêm sinh. Sau đó được nhúng qua dầu keo để tăng độ bền cho sản phẩm. Nhúng dầu keo xong, sản phẩm sẽ được phơi hoặc sấy khô rồi tiếp tục nhúng dầu lần 2, hoặc có thể đến lần 3 tùy yêu cầu với các sản phẩm. Các sản phẩm được để khô kiệt rồi đóng kiện và xuất khẩu.

Bằng bàn tay tài hoa và khéo léo của người dân nơi đây những cây cỏ tế đã trở thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, chinh phục được bao khách hàng trong nước và quốc tế. Những sản phẩm như lẵng đựng hoa quả, khay, hộp đựng quần áo, tráp đựng son phấn, hàng lưu niệm, con giống… thực sự đã làm bao du khách phải ngỡ ngàng. Có một cái gì đó thật bình dị, dân dã mà vẫn rất hiện đại toát lên từ chính những cây cỏ hoang dại ấy.

Những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo

Người dân Phú Túc không chỉ sử dụng nguyên liệu truyền thống là cỏ tế mà bằng sự tìm tòi, sáng tạo, cũng như để giảm giá thành sản phẩm người thợ còn kết hợp cỏ tế với các nguyên liệu khác như cói, bẹ ngô, mây, tre, bèo tây (lục bình), bẹ chuối, cỏ lăn…

Đưa cỏ tế xuất ngoại

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh, nghề sản xuất hàng thủ công xuất khẩu từ cây cỏ tế chỉ thực sự thịnh hành và phát triển mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chiều sâu bắt đầu từ những năm 1990, do yêu cầu cấp thiết của phát triển nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại xã Phú Túc. Đến năm 1998, cây cỏ tế bắt đầu được dùng để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, thông qua việc cung cấp các sản phẩm cho Công ty xuất nhập khẩu Mây tre Việt Nam.

Nghề đan cỏ tế giúp nâng cao mức sống cho người dân

Mỗi ngày xưởng sản xuất của gia đình anh Thịnh tạo ra hàng nghìn sản phẩm, tạo được nhiều công ăn việc làm cho mọi người. Từ những loại cây cỏ dại bình dị, những sản phẩm dần được hình thành với nhiều kiểu dáng khác nhau, phục vụ nhu cầu của khách hàng khắp nơi trên cả nước. Cỏ tế qua bàn tay của những người thợ không còn là những cây cỏ vô tri mà chúng đã được thổi hồn tâm huyết để trở thành những sản phẩm tuy đơn giản nhưng được nhiều người ưa chuộng vì nguyên liệu tự nhiên.

Những năm 1995 - 2000 là thời kỳ hoàng kim của nghề đan cỏ tế, mỗi khi có những đơn hàng mẫu mã khó, Công ty Mây tre đan Việt Nam lại mời những nghệ nhân có bàn tay vàng trong làng ra thiết kế lại mẫu rồi dạy cho người dân địa phương. Nhờ khả năng nắm bắt được thị hiếu khách hàng, các sản phẩm trở nên đa dạng hơn, nhiều sản phẩm trang trí, con giống đã ra đời.

Hiện nay, với ưu điểm nguyên liệu sản xuất là tự nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp và giá thành rẻ, những thùng hàng cỏ tế không chỉ được đến tay các khách hàng trong nước mà còn được xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Trung Đông,...Các sản phẩm thủ công xuất khẩu được đặt hàng nhiều trong những tháng cuối năm là cây thông Noel và ngôi nhà Noel.

Làng nghề đan cỏ tế đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước

Bằng sự nhiệt huyết, lòng đam mê sáng tạo, nghệ nhân Nguyễn Văn Thịnh đã gặt hái được nhiều thành công trong việc kế thừa và phát triển nghề đúc đồng truyền thống: Năm 2014, Nguyễn Văn Thịnh được Ban chấp hành TW hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng bằng “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”; với 12 năm làm đại diện trưởng ban giám khảo của cuộc thi "Bàn tay vàng"; được đánh giá là một nghệ nhân lành nghề của làng đã đứng ra thành lập Tổ hợp sản xuất Phú Thịnh, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của làng nghề.

Đứng trước sự cạnh tranh với các sản phẩm thủ công quốc tế, nghệ nhân Thịnh trăn trở: “Để thành công trong nghề làm sản phẩm từ cây guột tế, điều cần thiết không chỉ là kỹ năng chuyên môn mà còn là niềm đam mê sâu sắc và tình yêu thương đối với nguyên liệu. Những người thợ giỏi nhất không chỉ là những người làm nghề, mà còn là những nghệ nhân trải qua mỗi sợi cây guột với trái tim của mình, để tạo ra những tác phẩm thủ công độc đáo và tinh tế”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tinh-hoa-nghe-dan-co-te-phu-tuc-va-hanh-trinh-dua-sp-sang-troi-tay-a647054.html