Tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp

Ngày 17-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP và BCĐ 389 Quốc gia, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024 của BCĐ.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 389 tỉnh, cùng các thành viên BCĐ 138, BCĐ 389 của tỉnh.

Theo các báo cáo tại Hội nghị, tình hình phạm tội trên các lĩnh vực và hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023 vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trên một số lĩnh vực.

Về tình hình phòng, chống tội phạm, năm 2023, cả nước xảy ra 58.086 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 0,07% so với năm 2022), điều tra, khám phá 44.733 vụ, đạt tỷ lệ 77%; phát hiện, xử lý 4.452 vụ phạm tội về kinh tế (ít hơn 22,71% so với năm 2022); phát hiện, xử lý 27.333 vụ/42.977 đối tượng về ma túy (nhiều hơn 5,79% về số vụ, 8,92% về số đối tượng so với năm 2022).

Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã thụ lý, giải quyết 9.150 vụ/18.902 đối tượng (tăng 35 vụ, giảm 852 đối tượng so với năm 2022) liên quan đến ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; mua bán người; xuất nhập cảnh trái phép...

Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách Nhà nước 14.570 tỷ đồng (tăng 14,97% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).

Sau khi nghe đại diện các bộ, ngành, địa phương tham luận về các nội dung liên quan, kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Tình hình phạm tội ở một số lĩnh vực ngày càng đáng lo ngại; có những vụ việc được phát hiện với số lượng, quy mô rất lớn; tội phạm về công nghệ cao cũng ngày càng gia tăng...

Theo dự báo, tình hình kinh tế - chính trị thế giới năm 2024 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn sự gia tăng của các loại tội phạm. Do đó, bên cạnh việc thực hiện tốt các giải pháp đã được 2 BCĐ đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đề xuất thay đổi các quy định không còn phù hợp; làm tốt công tác phối hợp; đẩy mạnh phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để hạn chế tối đa tình trạng người dân bị lôi kéo, lợi dụng mà không biết.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý: Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên, cũng như có giải pháp để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực có thể xảy ra đối với cấp dưới; chủ động và có trách nhiệm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, tránh tình trạng vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà không muốn triển khai thực hiện…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202401/tinh-hinh-toi-pham-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-van-dien-bien-phuc-tap-3801125/