Tình hình Sudan: Thêm nước chuẩn bị sơ tán công dân, tín hiệu đình chiến xuất hiện?

Ấn Độ và Mỹ đã tích cực chuẩn bị các phương án để di dời công dân khỏi Sudan, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa hai bên.

Giao tranh tại Sudan giữa Quân đội và lực lượng RSF đang diễn biến ngày một phức tạp. (Nguồn: AP)

Ngày 20/4, phát biểu trên kênh truyền hình al-Jazeera (Saudi Arabia), chỉ huy Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), Tướng Mohamed Hamdan Dagalo tuyên bố ông sẵn sàng đình chiến trong dịp lễ của người Hồi giáo, sau nhiều ngày đụng độ giữa lực lượng bán quân sự này và quân đội Sudan. Tuy nhiên, ông nêu rõ sẽ không ngồi vào bàn đàm phám với lãnh đạo quân đội Sudan Abdel-Fattah al-Burhan, người ông gọi là “tội phạm”.

* Trong khi đó, phát biểu cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết New Delhi đang liên lạc với nhiều quốc gia và các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm đảm bảo an toàn cho các công dân Ấn Độ tại Sudan và sẵn sàng sơ tán: “Phái bộ của chúng tôi ở Khartoum đã liên lạc với cộng đồng người Ấn Độ ở đó thông qua nhiều kênh, bao gồm cả chính thức và không chính thức”.

Theo quan chức ngoại giao Ấn Độ, kế hoạch sơ tán sẽ phụ thuộc vào tình hình Sudan, vốn vẫn vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, ông Bagchi không nêu rõ số lượng công dân hiện nay ở đất nước Đông Bắc Phi.

* Cũng trong ngày 20/4, một quan chức Mỹ giấu tên ngày 20/4 tiết lộ Bộ Quốc phòng nước này đang chuẩn bị tăng cường số lượng lớn binh sĩ đến căn cứ của quân đội nước này ở Djibouti trong trường hợp phải triển khai cuộc sơ tán cuối cùng khỏi Sudan: “Chúng tôi sẽ triển lực lượng tăng cường ở các khu vực gần đó nhằm phục vụ những mục đích mang tính đề phòng liên quan đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn và có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sơ tán các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Sudan”.

Trước đó, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản hôm 18/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đoàn xe ngoại giao nước này tại Sudan đã trúng đạn từ những tay súng có liên hệ với RSF thực hiện. Ông đã lên án vụ tấn công này và bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về môi trường an ninh tổng thể tại Sudan, bởi tình trạng này không chỉ tác động tiêu cực tới dân thường mà còn ảnh hưởng tới các nhà ngoại giao và đội ngũ nhân viên cứu trợ.

* Liên quan đến vấn đề Sudan, ngày 20/4, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khi đang dừng chân tại New York (Mỹ) trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ Latinh. Phát biểu với hãng thông tấn ANI (Ấn Độ), ông khẳng định: “Chúng tôi đã có một cuộc gặp hữu ích. Phần lớn thời gian cuộc gặp là thảo luận về tình hình Sudan. Chúng tôi cũng thảo luận về Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và xung đột Ukraine, nhưng về cơ bản là về Sudan”.

Nhà ngoại giao Ấn Độ nhận định: “Liên hợp quốc đang cố gắng thiết lập lệnh ngừng bắn tại Sudan. Đó thực sự là mục tiêu quan trọng bởi vào lúc này, nếu không có lệnh ngừng bắn và các hành lang, mọi người thực sự không thể thoát ra ngoài. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này vì có nhiều người Ấn Độ ở đó. Ông cho rằng trọng tâm là đạt được các quy trình ngoại giao để đạt được kết quả mong muốn, xây dựng các lệnh ngừng bắn được tuân thủ, từ đó thiết lập các hành lang đi lại. Ngoại trưởng Jaishankar nhấn mạnh: “Hiện Nhóm của chúng tôi ở Delhi liên tục liên lạc với các công dân Ấn Độ ở Sudan, tư vấn cho họ. Tôi hy vọng rằng những nỗ lực sẽ sớm mang lại kết quả”.

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốcAntonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn ở Sudan trong ít nhất 3 ngày để đánh dấu lễ Eid-ul-Fitr, sự kiện quan trọng với người Hồi giáo, vốn chiếm tới 97% dân số của đất nước Đông Bắc Phi. Ông nhấn mạnh lệnh ngừng bắn sẽ cho phép những người bị mắc kẹt trong các khu vực giao tranh có thể sơ tán và tìm kiếm các dịch vụ y tế.

* Trong một tin khác, Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/4 cho biết Tổng thống nước này Tayyip Recep Erdogan đã điện đàm riêng rẽ với Tướng Abdel Fattah al-Burhan, Chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan kiêm Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Sudan, và Tướng Mohamed Hamdan Dagalo - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ quyền chuyển tiếp Sudan đồng thời là chỉ huy Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).

Trong hai cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng nước này ngay từ đầu luôn ủng hộ một cách chân thành quá trình chuyển tiếp ở Sudan. Ankara sẽ tiếp tục sát cánh cùng với đất nước Sudan anh em trong giai đoạn hiện nay và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ dưới mọi hình thức cho Sudan, bao gồm có vai trò làm trung gian cho các sáng kiến hòa bình giữa các bên. Ông hối thúc lãnh đạo Sudan cố gắng bảo vệ sự an toan, tài sản của công dân và tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ ở quốc gia Đông Bắc Phi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo lực giữa giữa các lực lượng trung thành với lãnh đạo quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và cấp phó của ông là Tướng Mohamed Hamdan Daglo - chỉ huy RSF, bùng phát từ ngày 15/4, đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 3.000 người khác bị thương. Một số cuộc giao tranh khốc liệt đã xảy ra tại thủ đô Khartoum, thành phố có 5 triệu dân sinh sống, và hầu hết trong số họ bị mặc kẹt trong nhà mà không có điện, lượng thực và nước uống.

Trước đó cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 10.000-20.000 người Sudan đã tìm cách sơ tán sang Cộng hòa Chad láng giềng nhằm tránh giao tranh ở vùng Darfur trong những ngày qua. Theo UNHCR, đây là một con số “đáng báo động”.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt ngày 21/4 cho biết theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan, có một công dân mang quốc tịch Việt Nam và Australia đang cư trú ở Khartoum, 16 công dân khác là thuyền viên đang trên một tàu ở cảng gần Sudan. Các công dân Việt Nam hiện vẫn an toàn. Tuy nhiên Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và có biện pháp bảo hộ cần thiết.

(theo ANI/AFP/Reuters/TTXVN)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-sudan-them-nuoc-chuan-bi-so-tan-cong-dan-tin-hieu-dinh-chien-xuat-hien-224319.html