Tình hình Niger ngày càng nóng bỏng

Hai nước láng giềng của Niger là Mali và Burkina Faso cho rằng sự can thiệp từ nước ngoài vào quốc gia này là lời tuyên chiến.

Đại tá Abdoulaye Maiga, Bộ trưởng quản lý lãnh thổ và phân cấp của Mali. (Ảnh: AP)

Đại tá Abdoulaye Maiga, Bộ trưởng quản lý lãnh thổ và phân cấp của Mali. (Ảnh: AP)

Trong thông cáo chung đầu tiên ngày 31/7, các chính phủ quân sự ở Mali và Burkina Faso cảnh báo phương Tây và các quốc gia châu Phi khác không được can thiệp vào Niger.

Theo đó, Bamako và Ouagadougou sẽ coi bất kỳ động thái nào như vậy là một cuộc tấn công vào đất nước họ.

“Bất kỳ sự can thiệp quân sự nào chống lại Niger sẽ dẫn đến một lời tuyên chiến chống lại Burkina Faso và Mali” - điểm thứ 4 của thông cáo chung cho biết.

Một phát ngôn viên của quân đội Burkinabe đã cố ý lặp lại 3 lần điều này trong một buổi phát sóng trên truyền hình nhà nước.

Trong trường hợp có sự can thiệp như vậy, 2 nước sẽ rút khỏi Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và “áp dụng các biện pháp tự vệ để hỗ trợ các lực lượng vũ trang và người dân Niger” - theo tuyên bố.

Hai chính phủ trên cho biết, một cuộc can thiệp quân sự chống lại Niger “có thể gây bất ổn cho toàn bộ khu vực, giống như sự can thiệp đơn phương của NATO vào Libya, vốn là nguồn gốc của sự mở rộng chủ nghĩa khủng bố ở Sahel và Tây Phi”.

Pháp hiện có 1.500 quân và một căn cứ UAV ở Niger, trong khi Mỹ có 1.100 quân và 2 căn cứ UAV, theo Financial Times.

Các binh sĩ Niger, do Tướng Abdourahamane Tchiani chỉ huy, đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào 26/7.

Ngày 28/7, Liên minh châu Phi đã lên án cuộc đảo chính và cho chính quyền quân sự ở Niamey 15 ngày để từ chức hoặc đối mặt với “các biện pháp trừng phạt”.

Tại cuộc họp khẩn cấp ở Abuja, Nigeria, ECOWAS đưa ra tối hậu thư của mình vào 30/8. Họ nói rằng sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự hiến pháp ở Cộng hòa Niger”, gồm việc sử dụng vũ lực, nếu ông Bazoum không được phục chức trong vòng một tuần.

Mali và Burkina Faso đã lên án các biện pháp trừng phạt mà ECOWAS công bố hôm 29/7 là “bất hợp pháp và vô nhân đạo”. Họ cũng bày tỏ “tình đoàn kết anh em” với người dân Niger, “những người đã quyết định nắm lấy vận mệnh của mình và đảm nhận trước lịch sử toàn bộ chủ quyền của họ” - theo thông cáo chung.

Chính phủ quân sự của 2 thuộc địa cũ của Pháp đã tìm cách cắt đứt quan hệ với Paris và xây dựng lại nhà nước của họ với sự hỗ trợ của Nga.

Moscow đã lên án cuộc đảo chính ở Niger là một "hành động vi hiến" và Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi tất cả các bên kiềm chế sử dụng vũ lực.

Hôm 30/7, chính phủ của Tướng Tchiani tuyên bố sẽ đình chỉ xuất khẩu uranium và vàng sang Pháp, trước sự hoan nghênh của một số người dân địa phương.

“Chúng tôi có uranium, kim cương, vàng, dầu và chúng tôi sống như những nô lệ? Chúng tôi không cần người Pháp giữ an toàn cho chúng tôi” - một người biểu tình ủng hộ chính phủ nói với cổng thông tin địa phương Wazobia Reporters.

Niger là nhà sản xuất uranium lớn thứ 7 thế giới, chiếm 4% sản lượng toàn cầu. Một công ty Pháp kiểm soát khoảng 2/3 sản lượng của nước này.

Theo RT

Hải Yến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-hinh-niger-ngay-cang-nong-bong-post648997.html