Tính đường dài để cà phê Việt chiếm lĩnh thị trường châu Phi

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang châu Phi với tăng trưởng luôn đạt mức khá cao qua các năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay con số xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu khổng lồ của thị trường này và để tăng kim ngạch, Việt Nam cần tính đến bài toán đường dài.

Nhiều đối tác châu Phi muốn nhập khẩu cà phê Việt Nam. Ảnh: TL

Thuộc top 5 thị trường cung ứng chính cà phê cho cả châu Phi

Theo đánh giá của Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), châu Phi là thị trường có nhu cầu lớn đối với mặt hàng cà phê, với mức chi lên tới hơn 750 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này. Vài năm trở lại đây, nhiều thị trường xuất khẩu cà phê truyền thống của Việt Nam bị suy giảm do ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu thì châu Phi nổi lên là điểm sáng.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,62 triệu tấn cà phê, thu về trên 4,2 tỷ USD. Chuyên gia dự báo, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỷ USD trong năm 2024. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Hiện cà phê là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này với kim ngạch tăng trưởng mạnh qua các năm. Đồng thời, Việt Nam cũng là 1 trong 5 thị trường cung ứng chính cà phê cho châu Phi với một số thương hiệu cà phê chế biến đã có tên tuổi, được người tiêu dùng khu vực này ưa chuộng như Trung Nguyên, King Coffee…

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, hiện nay, nước ta đang xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường lớn như Algeria, Ai Cập, Morocco, Tunisia, Nam Phi, Bắc Phi... Trong đó, điển hình là Algeria với kim ngạch xuất khẩu đạt 27,3 triệu USD trong tháng 1/2024 (với khối lượng tương ứng là 9.587 tấn), gấp 5,35 lần về kim ngạch và 3,43 lần về lượng so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng năm 2023, xuất khẩu cà phê sang thị trường này cũng chứng kiến mức tăng trưởng hai con số, tới 88%, từ 85,1 triệu USD lên 180,2 triệu USD, lượng cà phê xuất khẩu cũng tăng 62% lên 69.061 tấn.

Các sản phẩm cà phê Việt Nam được giới thiệu tại thủ đô Algiers ngày 2/3 vừa qua. Ảnh: TL

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết thêm, Algeria là quốc gia không trồng cà phê, nên phải nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu trong nước. Cà phê cũng là đồ uống ưa chuộng nhất của người dân nơi đây.

Với dân số hơn 46 triệu người, mỗi năm, quốc gia Bắc Phi này nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại với trị giá khoảng 300 triệu USD. Người tiêu dùng châu Phi nói chung và Algeria nói riêng rất ưa chuộng cà phê Việt Nam, có cảm nhận tốt và đánh giá cao hương vị cũng như chất lượng sản phẩm.

Tính đường dài để chiếm lĩnh thị trường

Đáng giá về tiềm năng xuất khẩu cà phê sang châu Phi, bên cạnh các yếu tố nội tại về nhu cầu và thị hiếu của thị trường, các chuyên gia chỉ ra rất nhiều thuận lợi. Điển hình, khác với sự nghiêm ngặt về tiêu chí của thị trường EU, Mỹ hay một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường châu Phi đòi hỏi chuẩn mực vệ sinh, chất lượng không cao bằng. Đó là cơ hội để cà phê Việt dễ dàng bước chân chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này.

Bên cạnh đó, Vụ thị trường châu Á - châu Phi nhận định, Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) sẽ tạo cơ hội rất lớn để cà phê Việt tiếp cận với nhiều thị trường châu Phi với nhiều ưu đãi để gia tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho hay, sẽ tổ chức Phiên tư vấn xuất nhập khẩu trực tuyến với thị trường Algeria ngày 27/3 tới trực tuyến trên nền tảng Zoom nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường châu Phí nói chung, Algeria nói riêng đối với các mặt hàng nông sản, nguyên liệu thô.

Đến giữa tháng 4/2024, Thương vụ sẽ tổ chức cho một số nhà nhập khẩu vào Việt Nam gặp gỡ, kết nối đối tác sản xuất cà phê hòa tan, cà phê nguyên chất.

Thời gian qua, nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường châu Phi, Bộ Công thương đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số thị trường tiềm năng như Algeria, Ai Cập, Morocco, Bắc Phi, Nam Phi... để nâng dần sản lượng cà phê chế biến xuất khẩu, từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho các thương hiệu cà phê chế biến của Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá, đến nay con số xuất khẩu cà phê sang châu Phi vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu khổng lồ của thị trường này cũng như so với tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê bình quân hàng năm của Việt Nam ra toàn thế giới.

Một trong những lý do khiến kim ngạch xuất khẩu cà phê sang châu Phi chưa tương xứng với tiềm năng là do sự thiếu thốn về thông tin và hiểu biết về thị trường, đối tác, những quy định pháp luật, tập quán kinh doanh…

Bên cạnh đó, “để xuất khẩu cà phê sang châu Phi, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như việc vận chuyển và bảo quản sản phẩm, các loại cước phí logistic, lưu kho…”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp Việt còn e ngại khi đề cập đến thị trường châu Phi vì tình trạng lừa đảo xảy ra rất nhiều ở các nước châu Phi. Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp Việt đã bị tổn thất khi giao dịch với bạn hàng ở Algeria, Ma rốc… bằng nhiều hình thức lừa đảo như đối tượng dễ đồng ý mua hàng Việt Nam với giá cao, đề nghị doanh nghiệp Việt Nam gửi tiền để lo thủ tục, hoặc đối tượng chào bán hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với giá thấp, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc và mất tích ngay sau khi nhận được tiền từ doanh nghiệp Việt Nam.

Trước tình hình đó, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản nói chung, cà phê nói riêng vào thị trường còn giàu tiềm năng này, theo các chuyên gia kinh tế, cần tính đến một lộ trình dài hơi. Các bộ, ngành chức năng cần “dọn đường” cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Song song với đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần xác định bước chân vào thị trường châu Phi bằng con đường chính ngạch. Chỉ có như vậy, xuất khẩu sang châu Phi mới hiệu quả, bền vững, tránh được rủi ro.

Về vấn đề này, đại diện cho doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, bộ ngành chức năng và Đại sứ quán tại các nước châu Phi cần tạo điều kiện hơn nữa bằng các chính sách thông thoáng và hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng con đường chính ngạch.

Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, nhu cầu về hàng hóa, chất lượng, giá cả sản phẩm... Đặc biệt là phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu... của từng thị trường cho địa phương và doanh nghiệp./.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tinh-duong-dai-de-ca-phe-viet-chiem-linh-thi-truong-chau-phi-146138.html