Tình cha ngọt ngào động viên con trong ngày thi cuối

Động viên con bằng cách vỗ vai hay đập tay khích lệ... là cử chỉ 'ngọt ngào' mà những người cha dành cho con trong ngày thi cuối cùng.

Anh Đàm Vĩnh (trú tại Hương Mạc, TP Từ Sơn) động viên con.

Mong con đỡ vất vả

Không hay tâm sự với con như các bà mẹ nhưng cha luôn âm thầm thể hiện tình cảm bằng nhiều cách khác như: vỗ vai, ôm hoặc đập tay.... để động viên, khích lệ con trước và sau khi hoàn thành môn thi.

Đưa con đến điểm thi Trường THPT Lý Thái Tổ (thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) từ 6h30, thay lời muốn nói, anh Võ Văn Hân (trú tại phường Đình Bảng, Từ Sơn) vỗ vai để động viên con. Anh nhìn theo đến khi con bước vào khu vực phòng thi mới ra về, sau đó nhẹ nhàng mở túi áo lấy vỉ thuốc ra uống.

“Mấy hôm nay ốm xin nghỉ ở nhà nhưng tôi vẫn cố gắng đưa con đi thi cho yên tâm. Đây là lần thứ 2 đưa con đi thi, tôi rất tự tin vào khả năng của con. Chỉ mong con cố gắng học tốt, thi tốt để không vất vả như bố mẹ…” - anh Hân tâm sự.

Anh Võ Văn Hân (trú tại phường Đình Bảng, Từ Sơn) tranh thủ uống thuốc, sau khi đưa con đến điểm thi.

Làm thợ hồ trên Hà Nội, thường xuyên đi sớm về khuya nên anh Hân ít khi trò chuyện với con. Những ngày sát kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, anh Hân cố gắng ở nhà nhiều hơn, trò chuyện để khích lệ con.

“Biết con thi cử áp lực, tôi làm hết công việc nhà để con có thời gian nghỉ ngơi. Không ép con phải đạt điểm cao, đỗ trường điểm, tôi mong con cố gắng hết sức. Sau kì thi, tôi đưa cháu đi du lịch để giải tỏa căng thẳng, áp lực...”, anh Hân chia sẻ.

Ngày thi cuối, bóng lưng của những người cha chờ và đón con ở điểm thi nhiều hơn. Mỗi người một tâm trạng, ai cũng mong con mình có thể làm bài thi tốt, hoàn thành kỳ thi với kết quả cao.

Kỳ thi nào cũng đồng hành cùng con

Còn anh Đàm Vĩnh (trú tại Hương Mạc, TP Từ Sơn) cho biết, hai hôm nay đều dậy sớm đưa con đi thi.

“Con không đòi hỏi bố phải đưa đi hay chờ con cổng trường, nhưng tôi vẫn muốn đợi để con vững bước, an tâm thi. Từ nhỏ đến lớn, kỳ thi nào tôi cũng đưa con đi. Tôi không đặt nặng áp lực, con đỗ trường nào cũng được, miễn là con cố gắng hết mình…”, anh Vĩnh bộc bạch.

Đón con sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp, anh Vĩnh ôm con để động viên.

Còn ông Nguyễn Xuân Trường (trú tại Đình Bảng, Từ Sơn) luôn túc trực gần khu vực cổng trường thi. Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông trường vẫn đảm nhận “trọng trách” đưa cháu đi thi.

Vui vì cháu hoàn thành tốt bài thi tổ hợp sáng nay, ông Trường chậm rãi kể, gia đình ít người, chỉ có 2 đứa cháu nội, bất kể kỳ thi nào đều đưa các cháu đi.

“Đưa cháu đến điểm thi đúng giờ tôi mới yên tâm. Hai hôm nay tôi đều chờ ở trường cho đến khi cháu bắt đầu làm bài được 30 phút mới dám về. Chờ để xem cháu có cần gì, thiếu gì, thì đáp ứng kịp thời.

Rất vui sáng nay cháu hoàn thành tốt bài thi tổ hợp. Mong cháu làm tốt bài thi cuối chiều nay, đạt được nguyện vọng đã đặt ra. Gia đình, kỳ vọng vào cháu rất nhiều. Nếu thi tốt, sẽ thưởng quà hoặc đưa cháu đi du lịch...”, ông Trường chia sẻ.

Sẵn sàng cho bài thi cuối

Kết thúc bài thi tổ hợp, nhiều thí sinh tại điểm thi trường THPT Lý Thái Tổ (TP Từ Sơn) thở phào khi hoàn thành bài thi và đánh giá đề cơ bản, có sự phân hóa cao.

Trong vòng tay đón của phụ huynh, thí sinh bày tỏ quyết tâm hoàn thành tốt môn thi cuối cùng chiều nay. Em Nguyễn Ngọc Diệp, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết, em thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) bài thi các môn có sự phân hóa rõ rệt, dễ kiếm điểm từ 6 đến 7.

“Đề Hóa dễ hơn đề Lý, còn Sinh em làm khá tốt. Bài tổ hợp năm nay có sự phân hóa rõ rệt, kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12...”, Diệp nói

Thí sinh điểm thi trường THPT Lý Thái Tổ sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp.

Cũng làm bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, em Nguyễn Quỳnh Nhi - Trường THPT Lý Thái Tổ chia sẻ, tự tin làm được khoảng 8 điểm môn Lý. “Các dạng bài sát với đề minh họa đã ra. Em thấy đề Sinh dễ hơn đề năm ngoái. Còn Hóa em làm không tốt lắm, chắc đạt khoảng 7 điểm. Với bài tổ hợp năm nay, em nghĩ các bạn xét tốt nghiệp dễ dàng đạt 6 đến 7 điểm. Tuy nhiên để đạt điểm 9 phải giải quyết được những câu hỏi nâng cao...", Nhi chia sẻ.

Còn Ngô Phương Anh, Trường THPT Lý Thái Tổ nhận định, bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD) vừa sức. “Kiến thức bài tổ hợp Khoa học xã hội tập trung ở lớp 12. Môn Địa lý dễ thở nhất, em có thể sử dụng Atlat làm các câu hỏi nhanh chóng. Lịch sử có vài câu cuối mang tính phân loại cao nên em không chắc chắn lắm. Em sẵn sàng cho môn thi cuối chiều nay...”, Phương Anh cho hay.

Trưa 29/6, Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết, với bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD) có tổng 10.663 thí sinh dự thi, trong đó tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi là 8444 thí sinh. Với bài thi Khoa học tự nhiên (Lí, Hóa, Sinh) tổng số thí sinh là 5986, trong đó tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi là 5894 thí sinh.

Các điểm thi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có giám thị, thí sinh nào vi phạm quy chế thi. Trong sáng 29/6, bài thi tổ hợp của kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Đăng Chung - Hồng Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-cha-ngot-ngao-dong-vien-con-trong-ngay-thi-cuoi-post644921.html