Tình bạn Minh Vương, Thanh Tuấn chung một nỗi niềm về sân khấu

Hai ông đều là kép chánh, được khán giả mộ điệu và giới chuyên môn công nhận là hai danh ca của sân khấu cải lương.

NSND Thanh Tuấn và NSND Minh Vương trong chương trình Nghệ sĩ và sàn diễn HTV

NSND Minh Vương kể, khi ông đi vớt lăng quăng cho cá lia thia ăn ở chân cầu chữ Y, thấy có lớp dạy ca cổ do thầy Bảy Trạch phụ trách.

Ông đứng bên ngoài xem rồi sau đó về xin cha mẹ cho theo học. Lúc vào học được vài ngày thì có một thanh niên cùng tuổi với ông cũng xin thầy được thọ giáo, đó chính là NSND Thanh Tuấn.

"Cả hai chúng tôi cùng tuổi, cùng học chung thầy, khi biết có cuộc thi "Khôi Nguyên vọng cổ", thầy đã chọn cả hai dự thi, nhưng Thanh Tuấn lúc đó xin thầy cho thi đợt sau. Khi cả hai thành danh, chúng tôi cùng về Công ty Kim Chung, mỗi người nắm giữ một đoàn với vai trò kép chánh. Năm 1978, khi Nhà hát Trần Hữu Trang mời về công tác, chúng tôi ở chung đoàn, có quá nhiều kỷ niệm giữa hai chúng tôi" – NSND Minh Vương chia sẻ.

NSND Thanh Tuấn và NSND Minh Vương

Với NSND Thanh Tuấn, ông nhắc đến người bạn thân bằng sự ngưỡng mộ: "Ông Vưng – tôi quen gọi theo tên thật của Minh Vương là Nguyễn Văn Vưng, luôn hăng say tập luyện. Chịu khó và biết lắng nghe những góp ý chân thành. Khi Minh Vương nổi tiếng với vai Nguyễn Trãi trong vở "Rạng Ngọc Côn Sơn", sau đó tôi cũng đã diễn vai này và được khán giả yêu mến. Hai chúng tôi còn có chung tâm nguyện, đó là gầy dựng Sân khấu Vàng để xây nhà tình thương trao tặng đồng bào nghèo" – danh ca Thanh Tuấn cho biết.

NSND Thanh Tuấn và NSND Minh Vương

NSND Minh Vương cùng chung tâm niệm với người bạn đồng môn, đó là sân khấu cải lương phải bứt khỏi những "rào cản". "Đứng ở góc độ người nghệ sĩ, tôi nhìn thấy sân khấu cải lương còn nhiều khó khăn. Trước hết đó là sự quản lý mang tính ổn định. Hiện nay tình trạng phân tán lực lượng đã không mang lại hiệu ứng cho cải lương. Kế đến phải chỉnh đốn từ khâu kịch bản. Sàn diễn đang thiếu những cây bút gắn bó với đoàn hát, hay nói đúng hơn là các đoàn không đủ hấp lực để tác giả gắn mình vào tập thể. Cải lương trong năm 2024 phải bứt khỏi những "rào cản" này để thoát khỏi khó khăn. Nghĩa là tác giả viết theo kiểu đo ni đóng giày, để sàn diễn có nhiều vở hay, nghệ sĩ có nhiều vai hay hơn nữa" – NSND Minh Vương nói.

Dự báo của hai ông trong năm 2024 là sân khấu cải lương sẽ có thêm nhiều vở nâng cao tính thẩm mỹ, nhận thức của giới trẻ về đời sống cộng đồng.

Riêng với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trong năm 2024 sẽ trẻ hóa lực lượng diễn viên, đi vào những vở diễn mang tính thể nghiệm mà từ sau thành công của một số vở: "Khách sạn Hào Hoa", "Bên cầu dệt lụa", "Hiu hiu gió bấc"… đã đạt được.

Cả hai ông đều được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND năm 2019. Điều vinh dự hơn là hai nghệ sĩ cùng được mời tham gia hội đồng nghệ thuật của cuộc thi "Bông lúa vàng", "Chuông vàng vọng cổ".

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tinh-ban-minh-vuong-thanh-tuan-chung-mot-noi-niem-ve-san-khau-196240223094606839.htm