Tin tức Đời sống 4/4: Béo phì thách thức sức khỏe cộng đồng

Cập nhật tin tức đời sống ngày 4/4: Bệnh cúm ở người cao tuổi dễ chuyển nặng; Hà Nội gia tăng trẻ em mắc ho gà...

Bệnh cúm ở người cao tuổi dễ chuyển nặng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hàng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800.000 người mắc cúm, gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.

Thông tin từ Bệnh viện Lão khoa trung ương, từ sau Tết đến nay, do thời tiết thay đổi liên tục, nóng lạnh thất thường, số lượng người bệnh nhập viện tăng khoảng 150% so với trước đó. Theo TS.BS Trần Quang Thắng - Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) lý giải, thời tiết thay đổi là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ. Người cao tuổi với chức năng đề kháng bị suy giảm, trong điều kiện thời tiết này thường dễ mắc nhiễm trùng, đặc biệt là cúm mùa và các loại vi khuẩn đường hô hấp như phế cầu. Khi các tác nhân này gây bệnh sẽ làm phức tạp các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính…, làm cho các bệnh lý này dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, cũng như đe dọa đến tính mạng người cao tuổi.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cũng đang điều trị cho hơn 10 ca mắc bệnh cúm A trong tình trạng nặng, đáng lo ngại khi có 2 trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực là người cao tuổi.

Mặc dù ở hầu hết trường hợp, cúm mùa thường có biểu hiện nhẹ và tự khỏi sau 1-2 tuần. Tuy vậy, bệnh nặng hơn thường gặp ở người cao tuổi và những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.

Bệnh nhân mắc cúm mùa được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Lão khoa trung ương.

TS.BS Phạm Như Hùng - Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên quan giữa bệnh lý tim mạch và cúm mùa. Tử vong do tim mạch và cúm mùa có đỉnh cùng thời gian với nhau. Bệnh nhân bị cúm có nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng gấp 6 lần so với không bị cúm. Một nghiên cứu ở Mỹ năm 2020 cũng cho thấy trên 300.000 bệnh nhân nhập viện do cúm thì có 11,5% bệnh nhân có biến chứng tim mạch nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy 31% những bệnh nhân này cần chăm sóc tim mạch đặc biệt và 7% tử vong.

Đối với người cao tuổi, nhiều trường hợp ban đầu chỉ là triệu chứng cúm thông thường như sốt, đau nhức, ho, ngạt mũi. Tuy nhiên, sau đó, bệnh tiến triển nặng rất nhanh, khi nhập viện đã khó thở, đau tức ngực, mê man.

Thậm chí, một số trường hợp bị viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp. Viêm phổi ở người lớn tuổi ít khởi phát đột ngột mà thường âm ỉ, đôi khi không có biểu hiện rõ ràng. Đa số trường hợp chỉ sốt, kèm theo chảy mũi, ho, dễ nhầm lẫn với cảm lạnh trong mùa mưa rét.

Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể xuất hiện những biểu hiện khó thở, tím tái, lơ mơ thậm chí là suy hô hấp dẫn đến tử vong. Theo thống kê, cứ 4 ca tử vong do cúm thì có 3 ca là người trên 65 tuổi.

BSCKII Dương Quốc Bảo - Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa Đống Đa, Hà Nội) khuyến cáo, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm mùa là vô cùng cần thiết, nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng cúm mùa là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus cúm, ngăn ngừa nhiễm bệnh. Mọi người nên tiêm vaccine cúm để kịp thời bảo vệ cơ thể. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine gồm trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính như tim phổi, thận, tiểu đường…

Bên cạnh đó, rửa tay là cách đơn giản nhưng hiệu quả để loại bỏ virus gây bệnh. Nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; trước/sau khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi chăm sóc người bệnh.

Người cao tuổi cần chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như vitamin C, kẽm giúp tăng sức đề kháng. Nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh hoạt động mạnh làm cơ thể mệt mỏi hơn. Đặc biệt, không nên tự ý mua thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế tin cậy.

Hà Nội gia tăng trẻ em mắc ho gà

Tuần qua, Hà Nội thêm 7 trường hợp ho gà, ở 5 quận, huyện, gồm: Cầu Giấy, Đông Anh, Hà Đông, Nam Từ Liêm và Phúc Thọ.

Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc ho gà tiếp tục xuất hiện rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Cụ thể, bệnh nhân là trẻ dưới 3 tháng tuổi (tỷ lệ hơn 65%); chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ gần 72%.

Ho gà là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây nên. Ở giai đoạn sớm, bệnh có biểu hiện giống cảm lạnh thông thường, ho nhẹ kéo dài 1-2 tuần. Sau đó, bệnh tiến triển với các triệu chứng ho thành từng cơn. Trẻ thường ho rũ rượi, không thể kìm hãm kèm theo tiếng thở rít như tiếng gà đi kèm nôn nói, mệt mỏi. Các cơn ho mạnh và có thể lặp đi lặp lại, thường kéo dài 6-7 tuần. Trường hợp bệnh không được kiểm soát tốt, trẻ dễ tử vong do tắc đường thở, mất nước.

Ho gà gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ như viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng cơ hội… Ngay cả khi đã được điều trị khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài khiến trẻ mất sức thậm chí dễ dẫn đến các biến chứng cơ học như sa trực tràng, lồng ruột.

Theo giới chuyên gia, bình thường trẻ em trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ, tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.

Béo phì thách thức sức khỏe cộng đồng

Theo GS Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội: Song song với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, sức khỏe con người đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển này, những vấn đề thách thức mới đối với ngành Y tế và toàn bộ người dân Việt Nam cũng xuất hiện, và béo phì là một trong số đó.

Trước đây béo phì gần như chỉ là câu chuyện đáng quan tâm ở những gia đình sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM với tỷ lệ khoảng 5% trẻ nhỏ. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, ở những địa phương nói trên, con số này đã lên tới 40%. Tức là gần một nửa trẻ em tại Hà Nội và TPHCM đang thừa cân, béo phì.

Ở các địa phương khác, số trẻ thừa cân béo phì cũng đang gia tăng nhanh. Đối với người trưởng thành, tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng hơn 2 lần so với 10 năm trước. Tình trạng này thực sự đáng báo động, bởi đi cùng với sự gia tăng của tỷ lệ thừa cân béo phì là các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý về tim mạch, ung thư. Đặc biệt, các nghiên cứu đã chứng minh 70% trẻ em béo phì cũng sẽ có nguy cơ béo phì khi trưởng thành.

Mặc dù vậy, bức tranh toàn cảnh về thừa cân béo phì ở nước ta vẫn có không ít điểm sáng. Bằng chứng là vài năm trở lại đây, người dân đã quan tâm về tình trạng thừa cân béo phì của con em và chính bản thân mình hơn trước rất nhiều. Thậm chí, tại đô thị, người ta ngày càng “sợ” béo hơn.

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, dù ngày càng “sợ” béo, ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề cân nặng, nhưng thay vì sử dụng các phương pháp dinh dưỡng và vận động an toàn và hợp lý thì không ít người lại tìm đến những biện pháp ăn kiêng, giảm cân không khoa học.

PGS.TS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường (Viện Dinh dưỡng quốc gia) nêu thực trạng: Một thực tế mà chúng tôi đã gặp khá nhiều, đó là khi bố mẹ nhìn con thừa cân, dù lo lắng nhưng không ít phụ huynh vẫn cho con ăn thoải mái. Có những trẻ thừa 10 - 20kg, nhưng bố mẹ vẫn thấy con mình bình thường. Đến khi vào đại học, các em mới thấy lo lắng và tham khảo phương pháp trên mạng để giảm cân. Đương nhiên, khi sử dụng biện pháp không theo khoa học chính thống, không được theo dõi trước và sau khi áp dụng, trẻ có thể gặp hậu quả. Hiện nay, có nhiều hội nhóm, trào lưu để giảm cân.

PGS Nhung phân tích: Thực tế, kể cả người trưởng thành hiện nay cũng chưa có được đánh giá về lâu dài là liệu những chế độ ăn như vậy ngoài tác dụng giảm cân thì có để lại hậu quả gì không. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2016 nói rằng, chế độ ăn có lượng carbonhydrat (chất đường bột) dưới 40% hoặc trên 70% đều tăng nguy cơ tử vong. Với trẻ em, não sử dụng 25% tổng chất đường bột trong cơ thể. Những chuyển hóa do chế độ ăn không cân bằng, lâu dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Trong khi đó, Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo, thuốc giảm cân là một thứ có nguy cơ bị lạm dụng. Thuốc cũng có những chất không an toàn cho trẻ nếu không được kiểm soát tốt. Việc kiểm soát, cấp phép các thuốc này cũng phải được cân nhắc kỹ. Hiện, thuốc giảm cân có nhiều cơ chế khác nhau. Một số loại có thể được sử dụng để làm chán ăn. Trong khi số khác gây tiêu chảy, hoặc có thành phần nguy hiểm, gây nguy hại cho sức khỏe.

Thực tế, theo các bác sĩ, trẻ dễ giảm cân hơn người lớn rất nhiều. Trẻ thừa cân béo phì là do ăn quá so với nhu cầu khuyến nghị. Do đó, chỉ cần cho trẻ ăn đúng tháp dinh dưỡng, theo nhu cầu khuyến nghị, mức độ hoạt động thể lực, ăn cân đối giữa các bữa, thay gạo trắng bằng gạo lứt… tăng hoạt động thể lực, là có thể giúp trẻ giảm cân. Khi áp dụng bền vững, trẻ sẽ giảm cân từ từ và duy trì trong nhiều năm.

Để giảm cân, bố mẹ phải cho trẻ ăn theo suất, đúng năng lượng, đúng bữa. Đồng thời, không cho trẻ ăn thêm các thực phẩm khác, không uống sữa trước khi đi ngủ. Không để đồ ăn nhiều trong tủ lạnh. Đặc biệt, ở trẻ vị thành niên, thức khuya cũng tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Nhiều trẻ thức khuya thường xuyên ăn mì tôm, uống nước ngọt. Khi đó, năng lượng vào đêm được dự trữ thành mỡ, tăng nguy cơ thừa cân béo phì.

T.M (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-4-4-beo-phi-thach-thuc-suc-khoe-cong-dong-a657479.html