Tin Thị trường: UAE siết chặt các giao dịch đối với công ty Nga

UAE siết chặt giao dịch tại ngân hàng đối với các công ty Nga; Ấn Độ trở thành nhà cung cấp sản phẩm tinh chế lớn thứ hai của EU...

UAE siết chặt giao dịch tại ngân hàng đối với các công ty Nga

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nơi trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Nga sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã tăng cường kiểm tra và thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các công ty thuộc xứ Bạch Dương trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực lên UAE.

Các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn gần đây nói với Bloomberg rằng, các công ty Nga, ban đầu được hưởng các giao dịch kinh doanh và chuyển tiền dễ dàng ở UAE, đặc biệt là ở Dubai, hiện đang phải đối diện với các quy định chặt chẽ hơn.

UAE hiện đang tìm cách thoát khỏi cái gọi là "danh sách xám" về tội phạm tài chính của Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF). Do đó, quốc gia vùng Vịnh này không muốn dính líu đến những rủi ro liên quan đến lệnh trừng phạt, bao gồm các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các doanh nghiệp Nga, chuyển tiền và ngành năng lượng.

Theo nguồn tin của Bloomberg, các giao dịch tại ngân hàng đang trở nên khó khăn hơn đối với các công ty Nga ở UAE, trong đó số lần giao dịch bị các ngân hàng UAE từ chối cũng tăng lên.

Việc siết chặt quy định đối với các công ty Nga ở UAE diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang xem xét tăng cường thực thi lệnh trừng phạt đối với những thực thể tìm cách lách giới hạn giá đối với dầu của Nga.

Tuần trước, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba công ty hàng hải có trụ sở tại UAE và ba tàu thuộc sở hữu của các công ty này vì vận chuyển dầu của Nga được bán trên mức giá trần.

Ba công ty vận tải lớn của Hy Lạp hiện đã tạm dừng vận chuyển dầu thô của Nga do nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ tăng cao.

Ấn Độ trở thành nhà cung cấp sản phẩm tinh chế lớn thứ hai của EU

Theo thống kê chính thức của Eurostat, Ấn Độ đã trở thành nhà cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế lớn thứ hai của Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2023, chỉ sau Ả Rập Xê-út.

EU đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Ấn Độ từ tháng 1 - 9/2023, con số này cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và gấp ba lần so với năm 2021.

Như vậy, khối lượng sản phẩm xăng dầu tinh chế của năm nay đã đưa Ấn Độ từ vị trí thứ sáu vào năm 2022 lên vị trí hàng đầu vào năm 2023, trong đó Pháp, Hà Lan và Ý là ba nhà nhập khẩu lớn nhất, tiếp theo là Croatia, Latvia, Romania và Đức.

Ấn Độ, quốc gia lọc dầu lớn thứ hai châu Á chỉ sau Trung Quốc, nhập khẩu khoảng 40% lượng dầu thô mà nước này lọc từ Nga, với khối lượng tăng theo cấp số nhân do dầu thô của Nga có giá rẻ sau các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trên thực tế, dầu thô của Nga vẫn tiếp tục thâm nhập thị trường châu Âu theo những cách khác nhau. Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), nhà máy lọc dầu Neftochim Burgas ở Biển Đen của Bulgaria đã nhập khẩu hơn 4,95 triệu tấn dầu thô của Nga trong 10 tháng đầu năm nay.

Bulgaria được miễn trừ lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của EU nhằm đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Theo CREA, Bulgaria là nước nhập khẩu dầu thô bằng đường biển lớn thứ tư của Nga, sau Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Eurostat, khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, niken, Iran, thép và phân bón chiếm 2/3 lượng nhập khẩu "ngoài EU" từ Nga. Ngoài ra, cơ quan thống kê chính thức lưu ý rằng từ quý III năm 2021 đến quý III năm 2023, tỷ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga "ngoài EU" đã giảm 27%.

Nhập khẩu dầu mỏ ngoài EU đã chứng kiến thị phần của Nga giảm 25%.

Các doanh nghiệp Séc nhập khẩu khí đốt từ Nga vào tháng 10

Theo Bộ trưởng Thương mại Séc Jozef Sikela, các doanh nghiệp nước này khuyến nghị chính phủ cho phép nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.

Ông Jozef Sikela cho hay, báo cáo hàng tháng của Cơ quan quản lý năng lượng Séc cho thấy, một số công ty đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Nga vào tháng 10.

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Séc khẳng định: "Nước này không cần thiết phải nhập khí đốt từ Moscow và không gặp vấn đề gì trong việc tích lũy nguồn cung khí đốt cho mùa Đông".

Cụ thể, khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 1,2% tổng lượng khí đốt cung cấp cho cả nước Séc từ tháng 1 đến tháng 10.

Trước đó, ông Jozef Sikela tuyên bố, Séc không nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2023 vì nước này đã đa dạng hóa nguồn cung. Séc đã mua khí đốt từ Na Uy và nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển qua các cảng Tây Âu.

"Nguồn cung khí đốt của Nga cho Liên minh châu Âu (EU) đang là mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Một số quốc gia hiện không thể thiếu nguồn cung khí đốt Nga. Về phía Séc, chúng tôi đã cố gắng loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga", quan chức Séc nói thêm.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-uae-siet-chat-cac-giao-dich-doi-voi-cong-ty-nga-700415.html