Tin thế giới ngày 22/8: Thái Lan có Thủ tướng mới, Venezuela bắt quan chức đối lập, Pháp chuyển tên lửa tầm xa tới Ukraine

Nga phá hủy tàu Ukraine do Mỹ chế tạo, Hàn Quốc bắt giữ công dân Trung Quốc, Mỹ thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm, Ukraine tuyên bố phản công giành bước tiến lớn...là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua

Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại trụ sở đảng Pheu Thai ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 21/8. (Nguồn: Reuters)

Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại trụ sở đảng Pheu Thai ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hôm 21/8. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Âu

*Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thăm Ukraine: Hãng thông tấn Anadolu dẫn các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Ngoại trưởng Hakan Fidan sẽ thăm Ukraine vào ngày 25/8 tới. Chuyến thăm này diễn ra một tuần sau khi Ukraine thông báo mở "một hành lang nhân đạo" tạm thời ở Biển Đen để giải phóng các tàu chở hàng bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự.

Trong khi đó, tờ Yeni Safak dẫn các nguồn tin thuộc chính quyền Ankara cho hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ thăm Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, cũng như thảo luận về thỏa thuận ngũ cốc. Theo tờ này, chuyến thăm của Tổng thống Erdogan tới Nga đóng vai trò quan trọng nhằm đạt được thỏa thuận liên quan tới tương lai của thỏa thuận ngũ cốc. (Sputniknews)

*Pháp cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine: Ngày 22/8, Đại sứ Ukraine tại Pháp Vadym Omelchenko cho hay chính quyền Paris đã cung cấp cho Kiev toàn bộ lô thử nghiệm tên lửa không đối đất tầm xa SCALP và sẽ còn tiếp tục cung cấp. Ông Omelchenko cho rằng Pháp “đang làm rất tốt” với tốc độ chuyển giao những tên lửa này cho Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, Pháp dự định cung cấp cho Ukraine 50 tên lửa SCALP, loại tên lửa này sẽ được điều chỉnh để sử dụng cho các máy bay kiểu Liên Xô. Ngày 6/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận Kiev đã nhận tên lửa SCALP từ Paris.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đánh giá quyết định của Paris cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev là một bước đi có chủ ý nhằm leo thang xung đột ở Ukraine. (Reuters)

*Ukraine tuyên bố chiến dịch phản công giành bước tiến lớn: Giới chức Ukraine ngày 22/8 thông báo quân đội nước này đã tiến vào ngôi làng chiến lược Robotyne, miền Đông Nam Ukraine. Đây có thể được xem là bước tiến đáng kể trong chiến dịch phản công của Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho hay binh lính nước này đang tổ chức công tác sơ tán dân thường sau khi tiến vào làng Robotyne nhưng vẫn đang bị lực lượng Nga tấn công.

Robotyne cách thị trấn tiền tuyến Orikhiv thuộc vùng Zaporizhzhia 10 km về phía Nam. Viện Nghiên cứu Chiến tranh - một viện nghiên cứu của Mỹ - đánh giá cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào làng Robotyne "có ý nghĩa về mặt chiến thuật". Theo viện này, bước tiến vào khu vực trên có thể tạo điều kiện cho lực lượng Ukraine bắt đầu hoạt động vượt ra khỏi các khu vực mà mật độ mìn của Nga dày đặc nhất.

Trước đó, Điện Kremlin cho biết trong hội đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 23/7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết “Phía Ukraine có phản công nhưng đã thất bại". (Reuters)

*Nga phá hủy tàu quân sự Ukraine do Mỹ chế tạo: Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngày 22/8 lực lượng nước này đã phá hủy một tàu cao tốc quân sự của Ukraine do Mỹ chế tạo gần Đảo Rắn ở Biển Đen.

Đảo Rắn nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Đến ngày 30/6/2022, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rút quân khỏi hòn đảo này sau khi hứng chịu pháo kích của quân đội Ukraine. Theo Moscow, bước đi này là cử chỉ mang tính thiện chí để chứng minh Nga không can thiệp vào những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm điều phối hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine thông qua đường biển.

Đảo Rắn trở thành biểu tượng cho sự kháng cự của Ukraine trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022, khi các sĩ quan Nga trên soái hạm Moscow của Hạm đội Biển Đen yêu cầu lính Ukraine đồn trú trên đảo “đầu hàng hoặc chết”. (Sputnik News)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Thái Lan Thủ tướng mới: Ngày 22/8, Quốc hội Thái Lan đã phê chuẩn ứng cử viên Srettha Thavisin thuộc đảng Pheu Thai làm tân Thủ tướng của nước này, chấm dứt ba tháng bế tắc chính trị. Hơn 374 nghị sỹ và thượng nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ ông Srettha - số phiếu chiếm đa số tuyệt đối ở cả hai viện.

Ông Srettha sẽ kế nhiệm ông Prayuth Chan-ocha, nắm quyền từ năm 2014, sau khi chính phủ của đảng Pheu Thai bị lật đổ trong một cuộc đảo chính trước đó.

Ông Srettha là cựu giám đốc điều hành của công ty phát triển bất động sản Sansiri ở Thái Lan. Tuy ông Srettha không phải là thành viên được bầu của Quốc hội, nhưng Hiến pháp Thái Lan cho phép những người không phải là thành viên Quốc hội trở thành thủ tướng.

Phiên họp Quốc hội hôm 22/3 bắt đầu ngay sau khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về Thái Lan. Đảng Pheu Thai, do ông Thaksin thành lập và hiện là nhóm lớn thứ hai ở Hạ viện, đã hợp tác với 10 đảng khác.

Theo quy định, một ứng cử viên thủ tướng muốn thành công cần có ít nhất 374 phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu chung giữa Hạ viện và Thượng viện.

Liên minh do đảng Pheu Thai đứng đầu kiểm soát 314 trong số 500 ghế ở Hạ viện, tuy chưa đạt đến ngưỡng đó, nhưng ông Srettha đã nhận được thêm sự ủng hộ từ các Thượng nghị sĩ và cuối cùng đã trở thành tân thủ tướng của Thái Lan. (AFP)

*Hàn Quốc bắt giữ công dân Trung Quốc xâm nhập trái phép: Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc ngày 22/8 thông báo đã bắt giữ một công dân Trung Quốc cố tình đi vào Hàn Quốc sau khi đi du lịch bằng mô tô nước từ Trung Quốc - một hành trình dài hơn 300 km.

Đối tượng trên băng qua biển Hoàng Hải trên chiếc mô tô nước phân khối 1.800 cc từ tỉnh Sơn Đông, sử dụng ống nhòm và la bàn để định hướng và kéo theo 5 thùng nhiên liệu. Khi chiếc mô tô nước của đối tượng này bị mắc kẹt trong bãi bùn do thủy triều rút gần bến du thuyền của thành phố cảng miền Tây Incheon của Hàn Quốc, anh ta đã gọi cứu hộ.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết thêm người đàn ông mà họ chưa xác định được danh tính đã bị bắt sau khi anh ta cố đi vào thủ đô Seoul. Giới chức Hàn Quốc khẳng định không thấy có dấu hiệu người đàn ông này là gián điệp.

Trong khi đó, theo nhà vận động Lee Dae-seon của tổ chức phi chính phủ (NGO) Dialogue China có trụ sở tại Hàn Quốc, người đàn ông trên là nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc có tên Kwon Pyong. (AFP)

*Đấu súng với phiến quân, 6 binh sỹ Pakistan thiệt mạng: Ngày 22/8, phiến quân Taliban đã phục kích đoàn xe quân sự tại một địa điểm ở khu vực Waziristan thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa gần biên giới phía Tây Bắc Afghanistan. Cuộc phục kích dẫn đến đấu súng dữ dội giữa phiến quân và lực lượng chính phủ khiến ít nhất 6 binh sĩ thiệt mạng.

Sau vụ việc, Quân đội Pakistan đã tiến hành chiến dịch truy tìm những kẻ tấn công trong khu vực này. Trong khi đó, ông Mohammad Khurasani, phát ngôn viên của nhóm phiến quân Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP) đã thừa nhận thực hiện vụ tấn công.

Các vụ tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ do các nhóm phiến quân ở Pakistan thực hiện thường xuyên nổ ra, nhất là từ khi Chính phủ Pakistan triển khai dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC) từ năm 2013. (Dawn)

*Tàu nghiên cứu Trung Quốc muốn cập cảng Sri Lanka: Ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Sri Lanka Priyanga Wickramasinghe cho biết Trung Quốc đã đề nghị cho phép tàu nghiên cứu Thực nghiệm 6 (Shi Yan 6) cập cảng nước này nhưng chưa ấn định ngày cụ thể. Yêu cầu này đang được phía Colombo xử lý.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN gọi Thực nghiệm 6 là "tàu nghiên cứu khoa học" với 60 thành viên thủy thủ đoàn thực hiện các thử nghiệm hải dương học, địa chất biển và sinh thái biển.

Năm ngoái, Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về việc tàu nghiên cứu Viễn Vọng 5 (Yuan Wang 5) của Trung Quốc, được cho là có khả năng theo dõi vệ tinh và tên lửa xuyên lục địa, ghé cảng Hambantota của Sri Lanka. New Delhi lên tiếng lo ngại rằng tàu Viễn Vọng 5 sẽ được sử dụng để do thám các hoạt động của nước này. (Hindustantimes)

*Tổng Thư ký ASEAN cam kết ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới tại Campuchia: Tờ Khmer Times ngày 22/8 đưa tin, sau khi Tiến sĩ Hun Manet được Quốc hội Campuchia thông qua làm Thủ tướng, đứng đầu Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ VII, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn tuyên bố sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và không ngừng ủng hộ Campuchia dưới sự lãnh đạo của ông Hun Manet.

Tổng Thư ký Kao Kim Hourn bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Manet, ASEAN và Campuchia sẽ tiếp tục hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, vì lợi ích của nhân dân Campuchia cũng như của người dân trong cộng đồng ASEAN.

Theo ông Kao Kim Hourn, Ban Thư ký ASEAN sẵn sàng hợp tác chặt chẽ và không ngừng ủng hộ Campuchia cũng như các quốc gia thành viên khác trong ASEAN nhằm đạt được “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025”. Tổng Thư ký Kao Kim Hourn mong được chào đón tân Thủ tướng Campuchia tới Jakarta tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan vào tháng tới. (Khmer Times)

*Bộ trưởng Thương mại Mỹ thăm Trung Quốc: Giới chức Trung Quốc và Mỹ ngày 22/8 xác nhận Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 27-30/8 tới.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ:"Bộ trưởng Raimondo mong muốn tiến hành các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng".

Bà Raimondo sẽ thăm cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào. Theo giới chức Mỹ, chuyến thăm dựa trên thỏa thuận giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden ở Bali hồi năm ngoái “nhằm tăng cường liên lạc giữa hai nước về một loạt vấn đề”.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Raimondo diễn ra sau một loạt chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc của các quan chức cấp cao Mỹ, nhằm tìm cách xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh. (AFP)

Trung Đông – Châu Phi

*Algeria từ chối cho Pháp sử dụng không phận tấn công Niger: Đài phát thanh quốc gia Algeria tối 21/8 đưa tin, nước này từ chối yêu cầu của Pháp sử dụng không phận của Algeria để thực hiện chiến dịch quân sự ở Niger. Algeria phản đối mọi hành động can thiệp quân sự từ nước ngoài tại Niger, trong khi ủng hộ biện pháp ngoại giao để khôi phục trật tự hiến pháp.

Algeria liên tục khẳng định nước này phản đối mọi hành vi can thiệp quân sự từ bên ngoài tại khu vực Sahel do lo ngại hậu quả như làn sóng người di cư vào lãnh thổ nước này.

Pháp bố trí khoảng 1.500 quân ở Niger, thực hiện công tác đồn trú từ trước khi cuộc đảo chính nổ ra hồi tháng trước. Không rõ chiến dịch quân sự mà Algeria đề cập tới là gì, nhưng giới chức Pháp từng tuyên bố nước này sẽ can thiệp quân sự để lật đổ chính quyền quân sự tại Niger. (AFP)

*Israel muốn mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây: Bộ trưởng Tài chính Israel, Bezalel Smotrich cho biết Israel sẽ đẩy mạnh kế hoạch phát triển các khu định cư ở Bờ Tây và cấp phép cho hàng chục khu định cư bất hợp pháp khác nhằm trả đũa các vụ bạo lực gia tăng với người Palestine.

Trong một văn bản mà kênh truyền hình Channel 12 có được, ông Smotrich dự kiến sẽ trình bày dự định tại cuộc họp Nội các Israel tuần này, đồng thời kêu gọi các thành viên chính phủ sớm thông qua.

Là Chủ tịch đảng Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo cực hữu, chính trị gia Smotrich đang tận dụng vị trí Bộ trưởng Tài chính để thúc đẩy kế hoạch hợp pháp hóa 155 khu định cư bất hợp pháp của người Do Thái trên khắp Bờ Tây. Các khu định cư này được xây trên lãnh thổ của người Palestine và thậm chí không được cấp phép bởi chính quyền Israel. (The Times of Israel)

*Iran ra mắt UAV quân sự thế hệ mới: Truyền thông Iran ngày 22/8 đưa tin quân đội nước này đã phát triển thành công máy bay không người lái quân sự mang tên "Mohajer-10", với tầm bay xa hơn, lâu hơn và mang được nhiều vũ khí hơn.

Thiết bị mới nhất được ra mắt tại triển lãm thành tựu công nghiệp quốc phòng, với sự chứng kiến của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Với bình chứa nhiên liệu dung lượng 450 lít, Mohajer-10 có khả năng bay liên tục 24 giờ trên độ cao 7.300 mét, bán kính hoạt động 2 km và đạt tốc độ tối đa 210 km/h. Tải trọng 300 kg hàng hóa cho phép máy bay mang theo nhiều loại đạn dược, vũ khí và các hệ thống tác chiến điện tử và tình báo.

Trong hoàn cảnh bị nước ngoài cấm vận, những năm gần đây các chuyên gia và kỹ sư quân sự Iran đã đạt được nhiều thành tựu về năng lực sản xuất các loại trang thiết bị vũ khí nội địa để cung cấp quân đội. Một trong những thành tựu nổi bật là các thế máy bay không người lái lớp Mohajer, chủ yếu phục vụ mục đích do thám, tình báo. (MEO)

*Liên minh châu Phi đình chỉ sự tham gia của Niger: Trong tuyên bố ngày 22/8, Liên minh châu Phi (AU) đã quyết định đình chỉ Niger tham gia mọi hoạt động sau khi xảy ra vụ đảo chính quân sự ở quốc gia Tây Phi này hôm 26/7 vừa qua, đồng thời tái khẳng định lời kêu gọi những kẻ đứng đầu vụ đảo chính trả tự do cho Tổng thống được dân bầu Mohamed Bazoum và trở về doanh trại.

Hội đồng An ninh và Hòa bình AU ghi nhận quyết định của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) liên quan đến việc thành lập một lực lượng dự bị để chuẩn bị cho hành động can thiệp quân sự, đồng thời đề nghị Ủy ban AU đánh giá tác động của việc triển khai lực lượng trên đối với lĩnh vực kinh tế, xã hội và an ninh Niger.

Ngoài ra, AU kêu gọi tất cả các nước thành viên và cộng đồng quốc tế chấm dứt mọi hành động có thể hợp pháp hóa chính quyền quân sự ở Niger, đồng thời tuyên bố khối này phản đối mạnh mẽ hành động can thiệp từ mọi tác nhân hay quốc gia bên ngoài châu Phi. (Reuters)

Châu Mỹ

*Venezuela yêu cầu bắt quan chức đối lập vì tội phản quốc: Bộ Công an Venezuela ngày 21/8 đã yêu cầu lệnh bắt giữ cựu đô trưởng đối lập Antonio Ledezma (2008-2015) vì tội phản quốc, âm mưu và xúi giục tội phạm.

Trong một cuộc họp báo cùng ngày, Tổng chưởng lý Venezuela Tarek William Saab cho biết Ledezma từng bị truy tố tội âm mưu và tham gia một kế hoạch đảo chính có tên là “La salida” (Lối thoát) và bị quản thúc tại gia từ năm 2015. Ledezma đã trốn khỏi đất nước và cư trú tại Tây Ban Nha từ năm 2017.

Tổng chưởng lý Venezuela kêu gọi Tây Ban Nha tôn trọng luật pháp quốc tế và dẫn độ Ledezma.

Kế hoạch “La salida” được phát triển từ năm 2014 nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Kế hoạch này là nguồn cơn gây ra nhiều cuộc biểu tình bạo lực khiến 43 người chết và hàng trăm người bị thương. (TTXVN)

*Mỹ thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm ARRW: Người phát ngôn Không quân Mỹ thông báo lực lượng này đã tiến hành vụ thử đầu tiên Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay (ARRW) tốc độ siêu vượt âm kể từ sau vụ thử thất bại hồi tháng 3.

Không quân Mỹ cho biết họ đã thu được những nhận thức mới có giá trị về khả năng của tên lửa. Thông báo cho biết thêm: "Mặc dù chúng tôi không thảo luận về các mục tiêu thử nghiệm cụ thể, nhưng vụ thử nghiệm này đã thu được dữ liệu độc đáo, có giá trị và nhằm mục đích thúc đẩy một loạt chương trình như ARRW và HACM. Chúng tôi cũng xác nhận và cải thiện khả năng thử nghiệm cũng như đánh giá của mình để tiếp tục phát triển các hệ thống siêu vượt âm tiên tiến". (Reuters)

*Nhóm G7 khó tác động tới quyết định của BRICS: Giáo sư Đại học Tokyo Kazuto Suzuki đánh giá Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và BRICS trên thực tế có thể chung sống cùng nhau hoặc trong thế đối đầu, nhưng G7 hầu như không thể làm gì để tác động tới các quyết định của các nước thành viên BRICS. Chuyên gia Sukuki giải thích: "BRICS không được tập hợp dựa trên các chuẩn mực và giá trị mà vì mục tiêu chung là bảo đảm độc lập. Do đó, BRICS có thể phản đối các chuẩn mực và giá trị do các nước thành viên G7 thực thi, nhưng điều đó tùy thuộc vào các nước BRICS. (TASS)

Thế Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-ngay-228-thai-lan-co-thu-tuong-moi-venezuela-bat-quan-chuc-doi-lap-phap-chuyen-ten-lua-tam-xa-toi-ukraine-239311.html