Tin thế giới 6/6: Ukraine, Nga cáo buộc nhau về vụ vỡ đập Kakhovka, Hàn Quốc tố máy bay Trung Quốc, Nga vào ADIZ, Kyrgyzstan phá âm mưu đảo chính

Nhật hoàng Naruhito sắp thăm chính thức Indonesia, Ukraine cảnh báo về một thảm họa hạt nhân mới, Đức-Ấn Độ đạt được thỏa thuận chế tạo tàu ngầm, Thổ Nhĩ Kỳ tăng phí qua Biển Đen... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Nước tràn qua phần thân đập Nova Kakhovka bị vỡ. (Nguồn: Maxer/Reuters).

Nga-Ukraine

* Nga thông báo phá hủy 8 xe tăng Leopard: Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này đã phá hủy 28 xe tăng, trong đó có 8 chiếc Leopard và xe tăng 3 bánh lốp AMX-10RC của Pháp, khi đẩy lùi một cuộc tấn công mới của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) ở hướng Nam Donetsk. Trong cuộc tấn công này, hơn 1.500 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng.

Theo bộ trên, cùng ngày, các lực lượng Ukraine tiếp tục tấn công, nhưng bị chặn lại mà không đạt được các mục tiêu theo kế hoạch. Các đơn vị của VSU tham gia tấn công "đã thiệt hại đáng kể". Ngoài 28 xe tăng, 109 xe chiến đấu bọc thép cũng bị phá hủy.

Một ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết sáng 4/6, các đơn vị Ukraine đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào 5 khu vực của mặt trận theo hướng Nam Donetsk.

Tuy nhiên, bình luận trên kênh Telegram về thông báo trên của Bộ Quốc phòng Nga, người sáng lập công ty an ninh tư nhân Wagner Evgeny Prigozhin cho rằng, những con số tổn thất được thông báo trên là phóng đại, không đúng với thực tế. (TTXVN)

* Ukraine, Nga tiếp tục cáo buộc lẫn nhau về vụ phá đập Kakhovka: Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6/6 cho biết, việc phá hủy đập Nova Kakhovka trong khu vực do Nga kiểm soát ở miền Nam Ukraine là một nỗ lực của Moscow nhằm "tăng mức độ nguy hiểm" trong chiến dịch quân sự và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một thảm họa hạt nhân.

Trong khi đó, Thống đốc vùng Kherson ở Ukraine do Nga bổ nhiệm Vladimir Saldo nói rằng, Kiev đã tấn công đập Nova Kakhovka để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những gì ông nói là thất bại của cuộc phản công ở miền Đông Ukraine.

Hãng TASS trước đó dẫn một nguồn tin của Cơ quan tình trạng khẩn cấp cho rằng Ukraine đã tấn công khu vực bằng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp. (AFP)

* NATO lên án vụ phá hủy đập Kakhovka ở miền Nam Ukraine: Ngày 6/6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, việc phá hủy đập Nova Kakhovka ở miền Nam Ukraine cho thấy sự tàn khốc trong xung đột Nga-Ukraine.

Cho đến nay, Moscow luôn bác bỏ việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong chiến dịch tại Ukraine. (Reuters).

* Trung Quốc, Pháp nhất trí thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Ukraine

Ngày 5/6, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Bonne điện đàm cho biết sẽ tiếp tục cố gắng đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước đã trao đổi quan điểm về xung đột ở Ukraine và nhất trí "tạo điều kiện để xúc tiến một dàn xếp chính trị".

Cuộc điện đàm diễn ra chỉ vài ngày sau khi đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu Lý Huy kết thúc chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình. Phát biểu họp báo ngày 2/6, ông Lý Huy cho biết, Bắc Kinh đang cân nhắc một sứ mệnh khác trong khi thừa nhận những khó khăn trong đàm phán hòa bình. (SCMP)

Châu Á

* Myanmar yêu cầu Thái Lan cắt điện tại 2 thị trấn vùng biên, nơi làm ăn của các doanh nhân Trung Quốc: Các nguồn tin chính thức của Thái Lan ngày 6/6 cho biết, Cơ quan quản lý điện cấp tỉnh (PEA) của Thái Lan đã cắt nguồn cung điện qua sông Moei tới 2 thị trấn biên giới tại Myanmar, nơi các nhóm doanh nhân Trung Quốc đang thực hiện những vụ đầu tư phi pháp khổng lồ.

Phát biểu tại Tòa nhà Chính phủ ngày 6/6, Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anupong Paojinda cho biết, PEA đã cắt điện tới 2 thị trấn biên giới theo yêu cầu của Chính phủ Myanmar, sau khi hợp đồng cung cấp điện giữa Thái Lan và Myanmar hết hạn.

Hai thị trấn biên giới nói trên là Shwe Kokko và Ban Le Le Ko, đều ở bang Karen của Myanmar. Các doanh nhân Trung Quốc được cho là đã đầu tư vài tỷ USD vào sòng bạc, khu phức hợp giải trí và khu nhà ở tại cả Shwe Kokko và Le Le Ko. (TTXVN)

* Hàn Quốc tuyên bố máy bay Trung Quốc, Nga bay vào vùng nhận diện phòng không: Quân đội Hàn Quốc cho biết, 4 máy bay Trung Quốc và 4 máy bay Nga vào khu vực nhận diện phòng không của Hàn Quốc (ADIZ) mà không thông báo trước.

Tuy nhiên, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng thông tin, các máy bay này không xâm phạm không phận của Hàn Quốc. Không quân Hàn Quốc đã cho xuất kích các máy bay chiến đấu ngay sau khi các máy bay của Trung Quốc và Nga đi vào AIDZ của Hàn Quốc. (Yonhap)

* Nhật hoàng Naruhito sắp thăm chính thức Indonesia: Ngày 5/6, phát biểu tại Tuần lễ Doanh nghiệp ASEAN-Nhật Bản 2023 tại Tokyo, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) sẽ tiếp đón Nhật hoàng Naruhito trong vài tuần tới.

Trước đó, hãng thông tấn Kyodo đưa tin, chuyến thăm chính thức của Nhật hoàng Naruhito tới Indonesia sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 6/2023 trong chuyến công du chính thức đầu tiên kể từ ông khi lên ngôi vào năm 2019.

Tại cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Tổng thống Jokowi đã bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán sửa đổi Hiệp định Đối tác kinh tế Indonesia-Nhật Bản (IJEPA) có thể hoàn tất vào tháng 9 tới.

Năm 2019, Indonesia-Nhật Bản đã hoàn tất đánh giá chung về IJEPA. Hai nước đang làm việc để giải quyết các giao thức sửa đổi thỏa thuận này như phần tiếp theo của đánh giá chung. (Tribunews)

Trung Á

* Kyrgyzstan bắt giữ hơn 30 đối tượng âm mưu đảo chính: Hội đồng an ninh quốc gia Kyrgyzstan cho biết, ngày 5/6, các cơ quan an ninh nước này bắt giữ hơn 30 đối tượng bị tình nghi đang chuẩn bị cho một cuộc đảo chính.

Người phát ngôn Hội đồng trên thông báo: “Những người lên kế hoạch tổ chức các cuộc bạo loạn lớn và các sự kiện chống phá nhằm chiếm đoạt quyền lực bằng bạo lực đã bị bắt giữ”.

Ông cho biết, nhóm chủ mưu bao gồm hơn 100 người, hơn 30 người trong số này đã bị giam giữ và thú nhận tội danh. (Sputniknews)

Châu Âu

* EU trừng phạt 9 quan chức Nga vì bỏ tù nhân vật đối lập: Liên minh châu Âu (EU) hôm 5/6 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 quan chức Nga liên quan đến việc bỏ tù nhà phê bình Vladimir Kara-Murza.

Trong số những người bị trừng phạt có Thứ trưởng Tư pháp, một số thẩm phán và các thành viên khác của cơ quan tư pháp Nga, cũng như một quan chức cấp cao của nhà tù "chịu trách nhiệm về cách đối xử tồi tệ khiến sức khỏe của Kara-Murza suy giảm đáng kể". Những người này bị phong tỏa tài sản và bị cấm đến hoặc quá cảnh các nước EU. (TTXVN)

* Đức, Ấn Độ sắp đạt được thỏa thuận chế tạo tàu ngầm: Ngày 6/6, truyền thông Ấn Độ đưa tin, các công ty của Đức và Ấn Độ đang tiến gần đến thỏa thuận chế tạo tàu ngầm ở Ấn Độ trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đang ở thăm New Delhi.

Các nguồn thạo tin cho biết, chi nhánh hàng hải của tập đoàn Thyssenkrupp AG của Đức và công ty TNHH đóng tàu Mazagon Dock của Ấn Độ có khả năng sẽ cùng đấu thầu một dự án ước tính trị giá 5,2 tỷ USD để đóng 6 tàu ngầm cho hải quân Ấn Độ.

Cũng trong ngày 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Đức Boris Pistorius đã gặp nhau ở thủ đô New Delhi. (TTXVN)

* Quốc hội Lithuania bác bỏ kế hoạch bầu cử trước thời hạn: Ngày 6/6, Quốc hội Lithuania đã bác bỏ đề xuất của đảng Liên minh tổ quốc cầm quyền về việc tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Thủ tướng nước này Ingrida Simonyte cho biết, chính phủ của bà sẽ đệ đơn từ chức nếu Quốc hội không đồng ý tổ chức tổng tuyển cử. (Reuters)

* Nga: EU đang tự hại mình khi áp đặt trừng phạt Moscow: Phát biểu tại một phiên thảo luận đánh giá chính sách thương mại của EU tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 5/6, phái đoàn Nga tại WTO tuyên bố, EU đang tự làm hại mình bằng cách áp đặt trừng phạt chống Moscow.

Trong số những hậu quả trực tiếp của các biện pháp trừng phạt chống Moscow, phái đoàn Nga đề cập "sự gián đoạn trong thương mại thế giới do các hành động của EU gây ra, bao gồm giá cả hàng hóa tăng mạnh, lạm phát gia tăng và sự bất ổn ngày càng tăng". (TASS)

* Nga thành lập lực lượng không quân mới đối phó với NATO: Tờ Izvestia ngày 6/6 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một quân đoàn mới gồm lực lượng không quân và phòng không sẽ được triển khai ở hướng Tây.

Thành phần không quân sẽ bao gồm các trung đoàn máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, cũng như các đơn vị thuộc lực lượng phòng không và kỹ thuật vô tuyến điện. Cơ cấu không quân mới về mặt tổ chức sẽ bao gồm một số trung đoàn máy bay chiến đấu, một trung đoàn máy bay ném bom và một lữ đoàn hàng không lục quân. (Izvestia/Sputnik)

* Thổ Nhĩ Kỳ tăng phí thông hành qua Biển Đen: Bộ Giao thông vận tải Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/6 thông báo, kể từ ngày 1/7, nước này sẽ tăng phí đi qua các eo biển trên Biển Đen mà không ghé cảng thêm 8,3%, từ mức 4,08 USD lên 4,42 USD/tấn trọng tải ròng của tàu buôn.

Lần tăng chi phí thông hành trước đó diễn ra ngày 7/10/2022, khi mức phí tăng kỷ lục gấp 5 lần (từ 0,8 USD/tấn kể từ năm 1936 lên 3,28 USD/tấn). Dự kiến năm 2023, các mức phí mới sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiếm được khoảng 900 triệu USD. (TTXVN)

Châu Mỹ

* Thủ tướng Cuba thăm chính thức Liên bang Nga: Ngày 6/6, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz đã bắt đầu chuyến công du chính thức tới Nga.

Trên Twitter, ông Cruz phát biểu: "Chúng tôi đã tới Nga trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức để mở rộng và tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước, được duy trì liên tục từ năm 1960". Thủ tướng Cuba cũng đăng tải một bức ảnh về Điện Kremlin với lời tựa: "Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 6-17/6".

Đại sứ Cuba tại Nga Julio Antonio Garmendia Pena trước đó cho biết, người đứng đầu Chính phủ Cuba sẽ tham dự Hội đồng những người đứng đầu chính phủ của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) tại Sochi vào ngày 7-9/6 và Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg. (Sputniknews)

* Mỹ nỗ lực quản lý mối quan hệ với Trung Quốc: Ngày 6/6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết, Mỹ đang “nỗ lực” để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc.

Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh, ông Kritenbrink nói: “Chúng tôi đang nỗ lực để quản lý mối quan hệ với Trung Quốc tốt nhất có thể”. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Iran công bố tên lửa siêu thanh đầu tiên: Hãng thông tấn chính thức IRNA đưa tin, ngày 6/6, Iran đã công bố tên lửa đạn đạo siêu thanh đầu tiên của nước này, mang tên Fattah - động thái có thể làm dấy lên quan ngại của phương Tây về các khả năng tên lửa của Tehran.

IRNA cũng đồng thời đăng tải những hình ảnh của sự kiện này, với sự tham gia của Tổng thống Iran Ebrahim Rahisi và các tướng lĩnh cấp cao từ Lực lượng vệ binh cách mạnh Hồi giáo Iran (IRGC).

Tên lửa siêu thanh Fattah có thể bay nhanh gấp ít nhất năm lần tốc độ của âm thanh và trên một quỹ đạo phức tạp, khiến chúng khó bị đánh chặn. (AFP)

* Tổng thống Ai Cập và Israel điện đàm về vụ nổ súng tại biên giới: Ngày 6/6, Tổng thống Ai Cập Abdelfattah al-Sisi và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã điện đàm để thảo luận về vụ xả súng hiếm hoi ở biên giới hai nước ngày 3/6 vừa qua, khiến 3 binh sĩ Israel và một sỹ quan an ninh Ai Cập thiệt mạng

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Netanyahu cho biết: "Tổng thống Ai Cập Sisi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc về sự cố ở biên giới Ai Cập. Thủ tướng Netanyahu cảm ơn Tổng thống Ai Cập, cũng như cam kết tiến hành một cuộc điều tra chung và toàn diện về vụ việc".

Thông báo nêu rõ, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp điều tra vụ việc, đồng thời cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác vì hòa bình và an ninh. (Reuters)

* Israel lần đầu tham gia cuộc tập trận "Sư tử châu Phi": Ngày 5/6, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết đã cử lực lượng tham gia cuộc tập trận "Sư tử châu Phi" do Mỹ chỉ huy, được tổ chức tại Morocco và các quốc gia châu Phi lân cận. Đây là cuộc tập trận chung hằng năm giữa Mỹ với Morocco. Sự kiện lần này diễn ra từ ngày 13/5 đến ngày 18/6, với sự tham gia của khoảng 8.000 quân nhân từ 18 quốc gia.

Mười hai binh sĩ thuộc đơn vị trinh sát của Lữ đoàn Golani sẽ tham gia hai tuần cuối cùng của cuộc tập trận trên. Đây là lần đầu tiên IDF cử lực lượng tham gia cuộc tập trận này. (TTXVN)

Châu Đại Dương

* Australia cung cấp xe bọc thép Hawkei cho Ukraine: Tờ Sydney Morning Herald ngày 6/6 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Australia có kế hoạch cung cấp cho Ukraine các phương tiện bảo vệ hạng nhẹ Hawkei trong gói viện trợ quân sự mới.

Theo nguồn tin, thỏa thuận chính thức giữa Canberra và Kiev vẫn chưa được ký kết, nhưng các bên đã đạt được thỏa thuận. Nguồn cung dự kiến sẽ được công bố trước chuyến đi của Thủ tướng Australia Anthony Albanese dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lithuania vào tháng 7 tới.

Trước đó cùng ngày, Australian Financial Review đưa tin, Canberra cân nhắc cung cấp 41 máy bay chiến đấu F/A 18-Hornet hết hạn sử dụng cho Kiev thay vì đưa chúng đi thanh lý. (The Sydney Morning Herald)

Thế Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-66-ukraine-nga-cao-buoc-nhau-ve-vu-vo-dap-kakhovka-han-quoc-to-may-bay-trung-quoc-nga-vao-adiz-kyrgyzstan-pha-am-muu-dao-chinh-229943.html