Tin thế giới 29/9: UAV tấn công trạm biến áp ở Kursk, Tổng thống Nga gặp Tư lệnh miền Đông Libya

Ông Putin gặp lãnh đạo Wagner, Australia dừng sử dụng trực thăng gây tai nạn, chiến lược quốc phòng của Czech coi Nga là nguy cơ chính… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Quân đội Australia ngừng sử dụng trực thăng MRH-90 Taipan sau tai nạn hồi tháng 7 vừa qua. (Nguồn: Australia Aviation)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* UAV Ukraine tấn công trạm biến áp ở Kursk, phòng không Nga hoạt động liên tục: Ngày 29/9, viết trên Telegram, Thống đốc khu vực Kursk (Nga), ông Roman Starovoyt cho biết, tại Belaya, cách biên giới chưa đầy 25 km, “một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã thả 2 thiết bị nổ xuống một trạm biến áp. Một máy biến áp bốc cháy. Năm khu dân cư và một bệnh viện bị cắt điện. Đội cứu hỏa nhanh chóng đến hiện trường".

Trước đó, cùng ngày, TASS (Nga) dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này cho biết chỉ sau một đêm, phòng không Nga đã bắn hạ 10 UAV Ukraine ở Kursk và một chiếc tại Kaluga. Tuyên bố nêu rõ: “Qua đêm tới sáng 29/9, nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm tấn công bằng UAV vào các cơ sở trên lãnh thổ Nga đã bị ngăn chặn. Cụ thể, phòng không Nga đã tiêu diệt 11 UAV của Ukraine: 10 UAV trên vùng Kursk, với một chiếc trong số đó phía trên vùng Kaluga”. (AFP/Reuters/Sputnik)

* Ông Putin gặp chỉ huy cấp cao Wagner: Ngày 29/9, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Putin đã gặp ông Andrey Troshev, cựu chỉ huy tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, thảo luận về cách sử dụng các đơn vị chiến đấu tình nguyện trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Andrey Troshev, đại tá người Nga đã nghỉ hưu, là thành viên sáng lập và Giám đốc điều hành của tập đoàn Wagner.

Trước đó, hồi tháng 7, báo Kommersant (Nga) đưa tin, chính ông Putin đã đề xuất với các thành viên lực lượng Wagner về việc chọn ông Troshev thay thế ông Yevgeny Prigozhin để trở thành người đứng đầu tập đoàn này. (Reuters)

* Anh trừng phạt quan chức ở khu vực Ukraine do Nga kiểm soát: Ngày 29/9, London áp đặt phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với các quan chức ở Zaporizhzhia và Kherson, cũng như Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và bán đảo Crimea, các khu vực Nga đã giành quyền kiểm soát trước và trong xung đột tại Ukraine. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nêu rõ: “Anh sẽ không bao giờ công nhận những yêu sách (chủ quyền) của Nga đối với các vùng lãnh thổ của Ukraine - gồm bán đảo Crimea, tỉnh Zaporizhzhia, Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Luhansk và tỉnh Kherson”.

Anh cũng bổ sung Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Nga Alexander Kurenkov và Thư ký Ủy ban bầu cử trung ương Nga Natalya Alekseevna Budarina vào danh sách trừng phạt nêu trên. (Reuters)

Mỹ-Trung

* Quan chức ngoại giao Trung, Mỹ thảo luận “thẳng thắn”: Ngày 27/9 tại Washington D.C (Mỹ), Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông về quan hệ song phương, Triều Tiên, Myanmar và an ninh hàng hải. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tiết lộ hai bên đã có cuộc tham vấn “thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng về các vấn đề khu vực như một phần trong nỗ lực không ngừng để duy trì các kênh liên lạc cởi mở”.

Ông Kritenbrink nhấn mạnh “tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, kiên cường và an toàn cũng như duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Quan chức này cũng nói với ông Tôn rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là rất quan trọng.

Bất chấp những tranh chấp về một số vấn đề, việc quan chức Mỹ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao như vậy cho thấy họ đang tăng cường chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11, có thể bên lề một cuộc gặp đa phương ở San Francisco (Mỹ).

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng ý với Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính tại New York (Mỹ) để duy trì đường dây liên lạc cởi mở và tổ chức “các cuộc gặp cấp cao những tuần tới”. Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 28/9, Ngoại trưởng Vương Nghị có thể thăm Washington vào tháng 10. (Kyodo)

Đông Nam Á

* Trung Quốc tập trận ở một số khu vực trên Biển Đông: Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo hàng hải liên quan tới các cuộc tập trận theo kế hoạch ở một số khu vực trên Biển Đông. Cục An toàn hàng hải Quảng Đông cho biết cảnh báo sẽ được thực hiện từ 6h-11h30 sáng, và từ 18h-21h30 trong ngày 28/9.

Đài truyền hình nhà nước CCTV (Trung Quốc) đưa tin: “Các cuộc tập trận sẽ được triển khai ở một số vùng của Biển Đông và việc đi lại ở các khu vực này bị cấm”. Tuy nhiên, bản tin không nói chi tiết về địa điểm diễn ra các cuộc tập trận.

Trong một thông báo riêng sáng sớm 28/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin một số máy bay ném bom của Không quân Chiến khu miền Nam thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức tập trận đêm 27/9. Thông báo không nêu chi tiết chính xác nơi diễn ra tập trận. (Al-Jaazera)

Nam Thái Bình Dương

* Australia ngừng sử dụng trực thăng Taipan: Ngày 29/9, quân đội Australia tuyên bố sẽ từ bỏ phi đội trực thăng MRH-90 Taipan trước thời hạn đề ra là cuối năm 2024.

Trước đó, hồi tháng 7, một máy bay trực thăng này đã lao xuống biển trong tập trận Talisman Sabr ngoài khơi Quần đảo Whitsunday, khiến 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Chính phủ Australia cho biết họ đang triển khai phi đội mới gồm 40 máy bay trực thăng UH-60M Black Hawk, 3 trong số đó đã bắt đầu bay vào tháng này. (ABC)

Nam Á

* Đại sứ quán Afghanistan ở Ấn Độ đình chỉ hoạt động: Ngày 29/9, ba quan chức Đại sứ quán Afghanistan tại Ấn Độ cho biết cơ quan ngoại giao này đã đình chỉ toàn bộ hoạt động sau khi ít nhất 5 nhà ngoại giao, trong đó có Đại sứ cùng các quan chức ngoại giao cấp cao khác, tới châu Âu và Mỹ để xin tị nạn. Chính phủ Ấn Độ hiện sẽ tiếp quản khu phức hợp ngoại giao với tư cách trông coi.

Hiện các quan chức chính quyền Taliban ở Kabul chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Ấn Độ không công nhận chính quyền Taliban và đã đóng cửa Đại sứ quán ở Kabul sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát vào năm 2021. Tuy nhiên, New Delhi lại cho phép Đại sứ và nhân viên phái bộ do chính phủ được phương Tây hậu thuẫn của Tổng thống Afghanistan bị lật đổ Ashraf Ghani bổ nhiệm cấp thị thực và xử lý các vấn đề thương mại. Ấn Độ là một trong hàng chục quốc gia bổ nhiệm phái bộ ngoại giao nhỏ ở Kabul nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, viện trợ nhân đạo và hỗ trợ y tế. Thương mại song phương năm 2019-2020 đạt 1,5 tỷ USD, song đã giảm mạnh sau khi chính quyền Taliban lên nắm quyền.

Trong tháng này, hàng trăm sinh viên Afghanistan ở Ấn Độ, dù hết thị thực, đã tuần hành ở New Delhi để kêu gọi nước này gia hạn thời gian lưu trú. (TTXVN)

* Lại nổ lớn ở Pakistan: Ngày 29/9, một quả bom đã phát nổ trong nhà thờ Hồi giáo ở quận Hangu, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, khiến một số người bị thương. Vụ nổ xảy ra khi có khoảng 30-40 người đang cầu nguyện, khiến nhà thờ đổ sập sau đó. Công tác giải cứu người bị mắc kẹt đang được tiến hành.

Hiện chưa có cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công.

Trước đó cùng ngày, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ở quận Mastung, tỉnh Balochistan của Pakistan, gần nơi tổ chức mừng ngày sinh của nhà tiên tri Mohammed, khiến ít nhất 52 người thiệt mạng, hơn 50 người khác bị thương. (Reuters/Tân Hoa xã)

Đông Bắc Á

* Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Mỹ sớm hội đàm: Ngày 29/9, phát biểu họp báo khi phác thảo chuyến đi dự kiến đến Mỹ ngày 3-6/10, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết ông sẽ có cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Lloyd Austin tại Washington D.C vào ngày 4/10. “Tôi muốn xây dựng mối quan hệ tin cậy vững chắc với ông Austin và thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhật Bản và Mỹ”, ông nói.

Là một nghị sĩ thân Đài Loan (Trung Quốc), ông Kihara đã đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng trong cuộc cải tổ nội các của Thủ tướng Kishida Fumio hôm 13/9. Ông từng làm Cố vấn an ninh quốc gia đặc biệt cho các cựu Thủ tướng Abe Shinzo và Suga Yoshihide. (Kyodo)

* Hàn Quốc: Lãnh đạo phe đối lập chính đề xuất gặp Tổng thống: Ngày 29/9, Chủ tịch Đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc, ông Lee Jae Myung đã đề xuất tổ chức gặp trực tiếp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để thảo luận các vấn đề liên quan đến sinh kế của người dân.

Trên Facebook cá nhân, ông Lee viết: “Tôi mong Tổng thống sẽ gặp người đứng đầu phe đối lập mà không có bất kỳ ràng buộc nào và thảo luận thẳng thắn về sinh kế của người dân cũng như các vấn đề nhà nước để có thể nhanh chóng thực hiện”. Lãnh đạo phe đối lập bày tỏ mong đợi Tổng thống Yoon sẽ thực hiện quyết định “hướng tới tương lai”.

Trước đó hai ngày, tòa án khu vực Trung Seoul đã bác lệnh bắt giam ông với cáo buộc tham nhũng. Kể từ khi nhậm chức chủ tịch DP tháng 8/2022, ông Lee đã nhiều lần đề xuất gặp ông Yoon, song không thành. (TTXVN)

Trung Á

* Azerbaijan bắt giữ cựu chỉ huy lực lượng ly khai người Armenia: Ngày 29/9, hãng TASS (Nga) đưa tin quân đội Azerbaijan đã bắt giữ ông Levon Mnatsakanyan, chỉ huy lực lượng Cộng hòa Artsakh tự xưng từ năm 2015 đến năm 2018. Theo cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (LHQ), gần 90.000 người dân tộc Armenia đã di chuyển khỏi khu vực Nagorno-Karabakh từ khi Azerbaijan chiếm lại khu vực trên trong một chiến dịch quân sự chớp nhoáng hồi tuần trước.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố tương lai của phái bộ gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh sẽ được quyết định bởi Nga và Azerbaijan: “Vì phái bộ hiện đang ở trên lãnh thổ Azerbaijan, đây sẽ là chủ đề thảo luận của chúng tôi với Baku”. (AFP/Reuters)

Châu Âu

* Khả năng Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu: Tối ngày 28/9, trong cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao của các công ty dầu khí Nga, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nước này có thể áp dụng hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu ra nước ngoài nếu lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn không giúp hạ giá xăng và dầu diesel vốn đang liên tục tăng cao. Theo ông, lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel ban đầu đã khiến giá các mặt hàng này giảm trên sàn giao dịch.

Điện Kremlin và Bộ Năng lượng Nga cho biết lệnh cấm ngày 21/9 sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi thị trường nhiên liệu trong nước ổn định. Bất kỳ hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu nào cũng có thể được áp dụng sau khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ. Hạn ngạch này sẽ tương tự hạn chế buôn bán phân bón xuyên biên giới.

Ông Novak nói: “Việc tăng giá là không thể chấp nhận được. Nếu tình hình không thay đổi, chúng ta sẽ phải thực hiện các biện pháp quản lý nghiêm ngặt, giống như những biện pháp đang được thực hiện trên thị trường phân bón”. Ông cũng đề nghị các nhà sản xuất dầu xem xét biện pháp cấp bách để giảm giá nhiên liệu tại cửa hàng xăng dầu của các nhà sản xuất và công ty độc lập. (Reuters)

* Chiến lược quốc phòng mới của Czech coi Nga là mối đe dọa chính: Ngày 29/9, báo Seznam Zprávy (Czech) đưa tin chiến lược phòng thủ mới của nước này cho rằng Nga là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia.

Tài liệu của Bộ Quốc phòng phác thảo các điều khoản chính của chiến lược phòng thủ mới của Czech, có đoạn: “Khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự vào Czech hoặc bất kỳ quốc gia NATO và EU nào là cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Về lâu dài, Nga sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Czech và các đồng minh... Nhiệm vụ chính của chính sách quốc phòng Czech là chuẩn bị cho một cuộc chiến phòng thủ lâu dài với cường độ cao, với đối thủ có công nghệ tiên tiến được trang bị vũ khí hạt nhân”.

Trước mối đe dọa này, tài liệu kêu gọi thành lập các lực lượng vũ trang được trang bị và huấn luyện tốt, đồng thời chuẩn bị lãnh thổ Czech để có thể luân chuyển một số lượng lớn quân đồng minh. Chiến lược mới cũng lưu ý rằng việc phòng thủ của Czech không thể chỉ được đảm bảo bởi quân nhân chuyên nghiệp.

Hiện tài liệu này đã được Hội đồng an ninh Czech phê duyệt và dự kiến sẽ có một cuộc bỏ phiếu trong chính phủ nước này tháng 10 tới.

Trước đó, hôm 27/9, Prague đã phê duyệt ngân sách quốc phòng cho năm 2024, lần đầu tiên sẽ đạt 2% GDP (6,8 tỷ USD), phù hợp với tiêu chuẩn tối thiểu của NATO. (Sputnik)

Trung Đông-Châu Phi

* Ông Putin hội đàm với Tư lệnh quân đội miền Đông Libya: Ngày 28/9, trong một tuyên bố trên trang Facebook, quân đội miền Đông Libya khẳng định rằng Tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh của lực lượng này, “đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu”. Theo truyền thông Libya, đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Haftar và ông Putin từ năm 2019.

TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng xác nhận cuộc gặp trên và cho biết nội dung thảo luận đề cập “tình hình Libya và toàn bộ khu vực”.

Nhiều năm qua, chính quyền Nga đã gia tăng sự hiện diện ở châu Phi, cam kết tăng cường xuất khẩu ngũ cốc, cung cấp vũ khí và hợp tác năng lượng. (TASS)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-299-uav-tan-cong-tram-bien-ap-o-kursk-tong-thong-nga-gap-tu-lenh-mien-dong-libya-244212.html