Tin thế giới 17/3: Slovakia nhất trí gửi MiG-29 tới Ukraine, Nga nói gì?

Chủ tịch Trung Quốc lên kế hoạch thăm Nga, Nhật Bản mở đường dây nóng quốc phòng với các nước ASEAN… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Slovakia sẽ gửi các máy bay chiến đấu MiG-29 không sử dụng tới Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Slovakia sẽ gửi các máy bay chiến đấu MiG-29 không sử dụng tới Ukraine. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Slovakia nhất trí gửi MiG-29 tới Ukraine, Nga nói gì? Ngày 17/3, phát biểu sau khi Slovakia khẳng định sẽ gửi máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Trong tiến trình chiến dịch quân sự đặc biệt, tất cả các thiết bị này sẽ bị phá hủy. Có vẻ như tất cả các quốc gia này đều tham gia vào việc xử lý các thiết bị cũ không cần thiết”.

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết nước này đã đồng ý gửi máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine nhằm hỗ trợ cho Kiev. Phi đội gồm 11 máy bay này đã “nghỉ hưu” vào mùa Hè năm ngoái và hầu hết những máy bay này không còn trong tình trạng hoạt động. Ông Eduard Heger từng cho biết Bratislava sẽ sớm đưa ra quyết định gửi MiG-29 mà không cần sự đồng ý của Quốc hội, khẳng định chính phủ có đủ thẩm quyền để chuyển giao thiết bị không sử dụng. (Reuters)

Nga-Mỹ

* Nga trao thưởng cho phi công chặn UAV Mỹ ở Biển Đen: Ngày 17/3, Bộ Quốc phòng Nga ra thông báo nêu rõ: “Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã trao phần thưởng cho 2 phi công của máy bay tiêm kích Su-27, những người đã ngăn chặn máy bay không người lái (UAV) MQ-9 của Mỹ xâm phạm khu vực phong tỏa được thiết lập trong chiến dịch tại Ukraine”.

Về phần mình, phát biểu ngày 16/3, Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh: “Họ (Nga) có thể công bố hay nói bất cứ điều gì họ muốn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay và hoạt động theo luật pháp quốc tế”. Ông cũng khẳng định các máy bay của Mỹ, kể cả chiếc UAV MQ-9 Reaper bị rơi xuống Biển Đen hồi đầu tuần, đã “hoạt động trong không phận quốc tế một cách hợp pháp”. (Reuters/TASS)

Nga-Trung

* Chủ tịch Trung Quốc lên kế hoạch thăm Nga: Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga ngày 20-22/3 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trao đổi quan điểm về vấn đề quốc tế, khu vực với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người phát ngôn Uông Văn Bân nhấn mạnh mục tiêu của chuyến thăm là làm sâu sắc hơn nữa niềm tin song phương.

Về phần mình, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow ngày 20/3 và tổ chức hội đàm thêm ngày 21/3. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra tuyên bố với báo chí. (Reuters)

Đông Nam Á

* Singapore tìm cách thúc đẩy kế hoạch hòa bình cho Myanmar: Ngày 16/3, phát biểu sau cuộc gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng nước này Lý Hiển Long đã lấy làm tiếc về tiến triển chậm trong kế hoạch hòa bình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu về Myanmar. Đề cập đến kế hoạch hòa bình mà lãnh đạo quân sự Myanmar đã nhất trí với ASEAN, nhà lãnh đạo Singapore nêu rõ: “Singapore sẽ tiếp tục làm việc với Indonesia và các thành viên ASEAN, cộng với các đối tác của ASEAN như Liên hợp Quốc, để thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ kế hoạch đồng thuận 5 điểm”. (THNK)

* Nhật Bản mở đường dây nóng quốc phòng với ASEAN: Jiji Press (Nhật Bản) ngày 16/3 đã thông tin về hội nghị thứ trưởng quốc phòng ASEAN-Nhật Bản ở Tokyo. Hội nghị này có sự tham dự của Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Masami Oka và người đồng cấp đến từ 9 nước thành viên ASEAN. Tại đây, hai bên đã nhất trí bắt đầu mở một đường dây nóng quốc phòng. Qua đó, xứ sở hoa anh đào sẽ trở thành nước đầu tiên thiết lập đường dây nóng như vậy với ASEAN.

Jiji Press dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn có quan hệ an ninh chặt chẽ với ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Năm 2017, ASEAN từng thiết lập đường dây nóng quốc phòng thường trực giữa các nước thành viên và đang kêu gọi các nước không phải thành viên ASEAN tham gia vào đường dây nóng này. (Jiji Press)

Nam Á

* Mỹ cung cấp 895 triệu USD vũ khí dẫn đường cho Australia: Theo đài ABC (Australia) ngày 17/3, Canberra có thể mua tới 220 tên lửa Tomahawk và thiết bị hỗ trợ trị giá 895 triệu USD từ Washington như một phần của thỏa thuận được ký kết theo Hiệp ước an ninh AUKUS. Ban đầu, các tên lửa và thiết bị này sẽ được trang bị cho các tàu khu trục lớp Hobart của Hải quân Hoàng gia Australia và lắp đặt trên tàu ngầm lớp Virginia mua lại từ Washington thập kỷ tới.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: “Vị trí chiến lược của cường quốc chính trị và kinh tế này góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định kinh tế trong khu vực. Điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là hỗ trợ đồng minh phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thương vụ này sẽ cải thiện khả năng “tương tác” của Australia với các lực lượng Anh và Mỹ, cũng như “đóng góp vào các sứ mệnh cùng quan tâm”.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Công nghiệp Quốc phòng Australia Pat Conroy cho biết: “Chúng ta đối mặt với bất ổn chiến lược lớn nhất kể từ năm 1945. Chúng ta đang đối mặt với cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và một chính phủ có trách nhiệm đang giải quyết vấn đề đó bằng cách đầu tư vào khả năng tốt nhất có thể. Đây cũng là cách chúng tôi thúc đẩy hòa bình và ổn định”. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Bộ trưởng Giáo dục Đức lên kế hoạch thăm Đài Loan (Trung Quốc): Một người phát ngôn của Bộ trưởng Giáo dục Đức ngày 17/3 cho biết bà Bettina Stark-Watzinger sẽ thăm Đài Loan vào đầu tuần tới. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đức đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc, quốc gia cho đến nay vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với hàng hóa của Đức. (Reuters)

* Tổng thống Hàn Quốc muốn hướng tới tương lai tốt đẹp hơn với Nhật Bản: Phát biểu tại Nhật Bản ngày 17/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết ông sẽ “can đảm hơn một chút” để kết bạn tốt và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn với Nhật Bản. Trước đó, một nguồn thạo tin cho biết sau thượng đỉnh ngày 16/3, ông cùng Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio đã gặp nhau tại một nhà hàng nổi tiếng ở Tokyo. Tại đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol rằng ông muốn đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Đáp lại, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai nước cải thiện và có một cuộc gặp tương tự với ông Yoon khi ông tới thăm Hàn Quốc. (Reuters/Yonhap)

* Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản cân nhắc trước khi xả nước thải từ Fukushima: Ngày 17/3, các nghị sĩ Nhật Bản cho biết Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã kêu gọi Tokyo có phân tích khoa học trước khi xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Đề xuất trên được ông đưa ra khi gặp cựu Thủ tướng nước này Suga Yoshihide, người sắp trở thành lãnh đạo nhóm các nhà lập pháp liên đảng thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đáp lại, ông Suga cho biết Tokyo đã “tiến hành kế hoạch” xả nước thải đã qua xử lý cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo đó, liên quan đến nước thải đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima, IAEA đã đánh giá an toàn đối với kế hoạch xả thải để bảo đảm hoạt động này tuân theo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, không gây hại cho sức khỏe cộng đồng và môi trường. (Kyodo)

* Nhật Bản công bố lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên: Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, những cá nhân bị nêu tên lần này gồm ông Jon Il Ho, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Đạn dược; ông Kim Su Gil, cựu Cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên và ông Yu Jin, cựu Cục trưởng Cục Công nghiệp Đạn dược. Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm mọi hình thức giao dịch và đóng băng tất cả tài sản tại Nhật Bản của những người này. (Sputnik)

* Mỹ ủng hộ nỗ lực cải thiện quan hệ Hàn-Nhật: Ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Cho Hyun Dong, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thể hiện “sự ủng hộ mạnh mẽ” với “quyết tâm và sự lãnh đạo của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vì sự phát triển theo định hướng tương lai của mối quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản”.

Ngoài ra, bà Sherman cũng “đánh giá cao” nỗ lực của hai nước để “cải thiện quan hệ song phương trong cuộc điện đàm này. Đại diện Washington và Seoul cũng nhất trí rằng chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Mỹ nhân dịp đánh dấu 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh Seoul-Washington, là một “cơ hội lịch sử” để thúc đẩy mối quan hệ đồng minh này. (Yonhap)

Châu Âu

* Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Pháp lạc quan về ngân hàng châu Âu: Ngày 17/3, Chủ tịch Ngân hàng Ngân hàng Trung ương Pháp kiêm thành viên Hội đồng Thống đốc của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Francois Villeroy de Galhau nêu rõ: “Các ngân hàng của châu Âu không ở trong tình trạng tương tự như một số ngân hàng Mỹ vì một lý do rất đơn giản: Họ không phải tuân theo các quy tắc tương tự…Theo tôi, chúng tôi đã phát đi một tín hiệu về niềm tin vững mạnh và có tác dụng kép. Đó là phản ánh cả niềm tin về chiến lược chống lạm phát và niềm tin vào sự đoàn kết của các ngân hàng châu Âu và Pháp”.

Trước đó, giới chức tài chính Mỹ, Thụy Sỹ và châu Âu đã khẳng định sẽ không có hiện tượng dẫn đến khủng khoảng kinh tế năm 2008 sau khi ngân hàng Lehman Brothers vỡ nợ, song từng đó vẫn chưa đủ để trấn an giới đầu tư. (AFP/Reuters)

* Anh và Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác về không gian: Theo phía Anh, thỏa thuận không gian ký kết với Nhật Bản ngày 17/3 sẽ tạo điều kiện hợp tác không gian song phương trong tương lai bao gồm chia sẻ thông tin không gian, hợp tác đào tạo và trao đổi nhân sự. Tướng Mike Wigston, Tham mưu trưởng Không lực hoàng gia Anh (RAF) nhấn mạnh Vương quốc Anh và Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ cùng nhau và chia sẻ các giá trị và lợi ích chiến lược chung. (Reuters)

Châu Mỹ

* Thêm công dân Mỹ bị bắt cóc tại Mexico: Ngày 16/3, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) thông báo một công dân nước này vừa bị bắt cóc tại bang miền Trung của Mexico. Theo FBI, bà María del Carmen López, 64 tuổi, quốc tịch Mỹ, vừa bị bắt cóc tại nhà riêng tại thị trấn Peblo Nuevo thuộc bang Colima. Các nhà chức trách Mỹ treo thưởng 20.000 USD cho người cung cấp thông tin về nạn nhân. Trước đó, hôm 3/3, 4 công dân Mỹ cũng đã bị bắt cóc tại thành phố Matamoros, Mexico, sát biên giới với Mỹ. Khi các lực lượng chức năng tìm thấy 4 nạn nhân này hôm 7/3, 2 người đã thiệt mạng. Băng đảng ma túy Gulf Cartel tại vùng Đông Bắc Mexico đã nhận trách nhiệm về vụ bắt cóc và giao nộp 5 thành viên của mình.

Mới đây, FBI cũng đã thông báo về việc 3 phụ nữ quốc tịch Mỹ bị mất tích. Những người này sang Mexico kinh doanh quần áo từ ngày 28/2, tuy nhiên người thân của 3 người phụ nữ này đã không thể liên lạc với họ ít lâu sau đó. Theo số liệu không chính thức, đến thời điểm nhiện tại, hơn 100.000 người đã mất tích tại Mexico mà chưa được tìm thấy hay làm rõ về nguyên nhân liên quan. (TTXVN)

Trung Đông-Châu Phi

* Iran sẽ sớm cử đại sứ tới UAE: Ngày 16/3, hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Ali Bagheri Kani cho biết Tehran sẽ sớm cử đại sứ tới Abu Dhabi. Theo đó, Iran đã bổ nhiệm Đại sứ tại UAE và tiến trình điều động đang đi đến những giai đoạn cuối cùng.

Cùng ngày, Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Cố vấn An ninh Quốc gia Sheikh Tahnoun bin Zayed Al Nahyan đã tiếp đón Thư ký Hội đồng Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani. Hai bên đã thảo luận về “quan hệ song phương và cơ hội thúc đẩy mối quan hệ theo hướng phục vụ lợi ích chung của cả hai nước”. Ông Shamkhani đánh giá chuyến thăm là “sự khởi đầu ý nghĩa để hai nước bước vào giai đoạn mới về quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh”.

Năm 2016, Abu Dhabi hạ cấp quan hệ với Tehran sau khi Saudi Arabia cắt quan hệ ngoại giao với Iran để phản đối biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran sau khi Riyadh tử hình giáo sĩ Hồi giáo dòng Shi’ite Nimr al-Nimr. Song tới tháng 9/2022, UAE đã khôi phục vị trí Đại sứ tại Iran. (Tân Hoa xã)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-173-slovakia-nhat-tri-gui-mig-29-toi-ukraine-nga-noi-gi-220211.html