Tin thế giới 14/12: Nga bi quan về khả năng Ukraine vào EU, xung đột Israel-Hamas bước sang giai đoạn mới?

Tổng thống Ukraine thăm lực lượng Mỹ ở châu Âu, Ankara muốn làm trung gin đàm phán cho Moscow và Kiev…là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Tổng thống Ukraine trong chuyến thăm lực lượng đồn trú của Mỹ tại Đức. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Ukraine trong chuyến thăm lực lượng đồn trú của Mỹ tại Đức. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga: Ukraine có thể mất nhiều thập niên để gia nhập EU: Ngày 15/12, Điện Kremlin cho rằng việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) là viễn cảnh rất xa vời và sáng kiến của Brussels chỉ là biểu hiện của sự ủng hộ về mặt chính trị đối với Kiev.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phân tích rằng cả Ukraine và Moldova, một nước Cộng hòa khác thuộc Liên Xô trước đây đang tìm cách gia nhập EU, đều không phù hợp với các tiêu chí khắt khe của EU. Theo ông, việc kết nạp Kiev có thể gây bất ổn cho khối này. (Reuters)

* Tổng thống Ukraine bất ngờ thăm quân Mỹ đồn trú châu Âu: Chiều ngày 14/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bất ngờ thăm Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, có trụ sở tại thành phố Wiesbaden, bang Hessen, Đức.

Viết trên mạng xã hội X, ông cho biết đã thực hiện chuyến thăm sau chuyến thăm Na Uy. Tổng thống Zelensky “một lần nữa bị thuyết phục về chất lượng tuyệt vời của viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine”, đồng thời khẳng định thực sự cần các khoản viện trợ này để có thể chiến thắng trước Nga. Nhà lãnh đạo này kỳ vọng “Quốc hội Mỹ sẽ sớm có quyết định quan trọng” để tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Chuyến thăm ngắn này trùng thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, đề cập việc đàm phán gia nhập EU đối với Ukraine. Tối cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố Hội đồng đã quyết định bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ muốn nối lại đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine: Ngày 15/12, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Engin Ozer cho biết trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin đầu năm 2024, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể đề xuất Moscow nối lại đàm phán với Kiev, với vai trò trung gian của Ankara. Ông Ozer nói: “Tổng thống Erdogan quyết tâm đảm nhận vai trò hòa giải trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. Nhà phân tích này cũng chỉ ra rằng Ankara muốn mời Nga quay lại đàm phán với Kiev ở Istanbul.

Trước đó, ông Alper Elicin, người phụ trách chuyên mục của báo Medya Günlüğü (Thổ Nhĩ Kỳ), nhận định phương Tây chấp nhận việc Ukraine bị chia cắt và trở thành quốc gia vùng đệm. Theo nhà báo này, Mỹ và EU tin rằng họ đã đầu tư một khoản rất có lời và quân đội Nga sẽ không thể lấy lại được sức mạnh như trước trong ít nhất 5 năm và đạt tiềm năng kinh tế và quân sự như trước. (RIA Novosti)

Israel-Hamas

* Israel trao thưởng cho các thông tin về thủ lĩnh Hamas: Ngày 14/12, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã phát tờ rơi khắp Gaza. Theo truyền đơn nêu trên, lực lượng này sẽ thưởng 400.000 USD cho người cung cấp thông tin về thủ lĩnh Hamas ở Gaza Yahya Sinwar, 300.000 USD cho thông tin về anh trai của ông là Muhammad Sinwar. Phần thưởng thấp hơn, trị giá 200.000 USD, sẽ được IDF trao cho những người cung cấp thông tin về vị trí của Rafa Salama, chỉ huy Lữ đoàn Khan Yunis; 100.000 USD sẽ được giành cho người giúp tìm ra vị trí của Mohammed Deif, người đứng đầu cánh quân sự của Hamas. (Times of Israel)

* Mỹ tiếp tục kêu gọi Israel bảo vệ dân thường tại Gaza: Ngày 14/12, Tổng thống nước này Joe Biden tuyên bố: “Tôi muốn họ tập trung vào cách cứu mạng sống dân thường, không phải là ngừng truy lùng Hamas mà hãy cẩn thận hơn”.

Trong khi đó, điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh “sự ủng hộ lâu dài” với Israel ở Dải Gaza, đồng thời nhắc rằng cần bảo vệ dân thường và viện trợ nhân đạo. (Times of Israel)

* Mỹ: Xung đột Dải Gaza chuyển sang giai đoạn mới: Ngày 15/12, Cố vấn An ninh Quốc gia nước này Jake Sullivan cho biết tình hình Dải Gaza sẽ chuyển sang một giai đoạn mới tập trung mục tiêu chính xác vào ban lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hamas và các hoạt động được hỗ trợ tình báo. Tuy nhiên, ông không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm thay đổi cường độ trong cuộc chiến tranh này. Phát biểu h ở Tel Aviv, ông chỉ nói: “Các điều kiện và thời gian cho việc đó hiển nhiên là chủ đề của cuộc thảo luận giữa tôi và Thủ tướng Israel Netanyahu”.

Đáng lưu ý, ông nêu rõ: “Chúng tôi không cho rằng việc Israel kiểm soát Gaza, tái chiếm Gaza thời gian dài là hợp lý hoặc đúng đắn đối với Israel”, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về tương lai hậu chiến của vùng lãnh thổ này. (Reuters)

* Israel bắt giữ hơn 4.400 người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem: Ngày 14/12, Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn Tổ chức Tù nhân Palestine thông báo Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã bắt giữ hơn 4.400 người Palestine ở Bờ Tây và Đông Jerusalem từ ngày 7/10. Hàng trăm người Palestine đã bị giam giữ tại thành phố Jenin trong vài ngày qua, nhưng hầu hết họ đã được thả sau khi thẩm vấn.

Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine cho biết kể từ ngày 12/12, Israel đã phát động một chiến dịch quân sự tại trại tị nạn Jenin ở phía bắc Bờ Tây, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng kể từ ngày 12/12. Ngoài ra, 288 người Palestine đã thiệt mạng, hơn 3.100 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của lực lượng Israel và những người định cư ở Bờ Tây kể từ ngày 7/10. (Anadolu)

* Thổ Nhĩ Kỳ lên án các cuộc tấn công của Israel vào Jenin: Ngày 15/12, viết trên mạng xã hội X, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Oncu Kecel nêu rõ: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động của binh lính Israel, những người đã xông vào trại tị nạn Jenin và thiếu tôn trọng sự tôn nghiêm ở nơi thờ tụng khi bước vào nhà thờ Hồi giáo”. Trước đó, hoạt động quân sự của IDF ở khu vực này đã khiến một thanh niên tử vong ở bệnh viện. Đồng thời, người Do Thái được cho là đọc những cầu nguyện của họ tại một nhà thờ Hồi giáo ở Jenin. (Reuters)

Đông Nam Á

* Indonesia bổ nhiệm người đứng đầu Biệt đội chống khủng bố: Ngày 14/12, Thiếu tướng Sentot Prasetyo đã được bổ nhiệm làm Chỉ huy Biệt đội chống khủng bố (Densus 88) thuộc Cảnh sát quốc gia Indonesia, trong bối cảnh lực lượng này đang gia tăng các nỗ lực chống lại các mạng lưới khủng bố. Ông Sentot, người từng là Phó chỉ huy Densus 88 – đã được bổ nhiệm thay thế Tướng Marthinus Hukom, người sẽ làm Giám đốc Cơ quan phòng chống ma túy quốc gia (BNN).

Cũng trong ngày 14/12, Densus cho biết đã bắt giữ 9 nghi phạm khủng bố trong các chiến dịch phối hợp được tiến hành trên khắp tỉnh Trung Java. Theo người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia, ông Ahmad Ramadhan, các đối tượng này đã bị bắt giữ tại Sukoharjo, Sragen, Klaten và Boyolali, với cáo buộc có liên hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng Jemaah Islamiyah. Cơ quan chức năng cũng đã thu giữ được một số tang vật bao gồm súng, đạn và cung nỏ. Tuy nhiên, họ không tiết lộ chi tiết cụ thể hoặc danh tính các đối tượng bị bắt giữ. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc ban hành dự thảo kế hoạch khẩn cấp về bảo mật dữ liệu: Ngày 15/12, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố dự thảo kế hoạch khẩn cấp chi tiết nêu rõ cách chính phủ nên đánh giá và ứng phó với các sự cố bảo mật dữ liệu. Kế hoạch này nêu bật mối lo ngại của Bắc Kinh về khả năng xảy ra rò rỉ dữ liệu quy mô lớn và tấn công mạng trong phạm vi trong nước, giữa lúc cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng với Mỹ và đồng minh. (Reuters)

* Hàn Quốc phản đối Trung-Nga xâm nhập KADIZ: Ngày 15/12, Vụ trưởng Vụ Chính sách quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Lee Seung-bom đã bày tỏ lấy làm tiếc về máy bay chiến đấu Nga và Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) ở vùng biển Nhật Bản mà không báo trước.

Thông cáo nêu rõ: “Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc với phía Trung Quốc và Nga về việc máy bay quân sự hai nước này bay vào khu vực nhạy cảm sát không phận của chúng tôi mà không báo trước”. Bộ này cũng kêu gọi Trung-Nga thực hiện có biện pháp thích hợp để tránh tái diễn vụ việc, lưu ý rằng một chuyến bay như vậy có thể gây ra căng thẳng khu vực.

Trước đó, hôm 14/12, hai máy bay quân sự của Trung Quốc và 4 máy bay quân sự của Nga đã tiến vào KADIZ trong thời gian ngắn, khiến Không quân Hàn Quốc phải điều máy bay tiêm kích đến nơi này. Song 6 máy bay này không xâm phạm không phận của Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Nga tuyên bố hai bên đã tiến hành một chuyến bay trinh sát chung theo kế hoạch hợp tác hàng năm, đồng thời khẳng định chuyến bay phù hợp với luật pháp quốc tế. (Yonhap)

Châu Âu

* Nga cảnh báo hậu quả của thỏa thuận Phần Lan-Mỹ: Ngày 15/12, phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga sẽ coi sự xuất hiện cơ sở hạ tầng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần biên giới là mối đe dọa.

Ông Peskov nói: “Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng. Chúng tôi chỉ có thể lấy làm tiếc về điều này”. Quan chức này cũng lưu ý: “Chúng tôi có quan hệ tuyệt vời với Phần Lan. Không ai đe dọa ai, không có vấn đề hay phàn nàn nào u. Không ai xâm phạm lợi ích của ai, tôn trọng lẫn nhau. Song khi Phần Lan là thành viên NATO và cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đã xuất hiện bên trong lãnh thổ Phần Lan, điều này sẽ làm dấy lên mối đe dọa rõ ràng đối với chúng tôi”.

Phần Lan trở thành thành viên mới nhất của NATO trong năm nay. Dự kiến, nước này sẽ ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ vào ngày 18/12. (Reuters)

* Các nước EU sẽ cấm nhập khẩu kim cương Nga: Bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels mới đây, một người phát ngôn của Chủ tịch EC xác nhận các nước EU đã nhất trí một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga. Ngoài buôn bán kim cương, xuất khẩu dầu của Nga sang các nước thứ 3 cũng sẽ gặp khó khăn hơn.

Gói trừng phạt này dự kiến bao gồm lệnh cấm nhập khẩu kim cương từ Nga và thắt chặt mức trần giá xuất khẩu dầu của Nga sang các nước thứ 3. Các hạn chế thương mại và biện pháp trừng phạt chống lại các cá nhân và tổ chức ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng đang được lên kế hoạch. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được chính thức hóa bằng văn bản trong ngày 15/12 theo giờ châu Âu.

Nga được coi là nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới. Năm 2021, công ty khai thác kim cương nhà nước Alrosa có doanh thu 332 tỷ ruble (3,41 tỷ euro).

Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, EU cũng đang có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt khác nhắm vào hơn 100 cá nhân và tổ chức ủng hộ hoạt động quân sự Nga. Theo đó, những cá nhân, tổ chức này sẽ không thể xử lý được tài sản hiện có ở EU nữa. Những ai làm việc trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và công nghệ thông tin của Nga, cũng có thể bị cấm nhập cảnh vào EU.

Trong một tin liên quan, ngày 15/12, chính quyền Anh đã áp đặt “lệnh cấm quan hệ ngân hàng đại lý và xử lý thanh toán” đối với nhà cho vay Novikombank. Ngoài ra, ngân hàng này cũng bị phong tỏa tài sản. Theo Anh, Novikombank “có dính líu đến việc thu được lợi ích hoặc hỗ trợ Chính phủ Nga”. (Reuters/TTXVN)

* Tài xế xe tải Slovakia chấm dứt phong tỏa biên giới với Ukraine: Ngày 15/12, Hiệp hội vận tải Slovakia (UNAS) và Cơ quan biên giới quốc gia Ukraine cho biết các tài xế xe tải Slovakia đã chấm dứt phong tỏa cửa khẩu vận chuyển hàng hóa đường bộ duy nhất giữa hai nước.

Trong thông báo, UNAS xác nhận đã bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa từ 21h ngày 14/12 theo giờ địa phương, nhấn mạnh UNAS thực hiện điều này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của các lực lượng an ninh Slovakia. UNAS tôn trọng lời kêu gọi đó vì các lực lượng này đã tôn trọng quyền biểu tình của các tài xế xe tải. Về phần mình, Cơ quan biên giới quốc gia Ukraine cho biết khoảng 60 xe tải đã qua cửa khẩu Uzhhorod để đến Ukraine và 1.065 xe khác đang chờ thông quan điện tử.

Ngày 11/12, các hãng vận tải Slovakia đã chặn việc lưu thông của xe tải Ukraine và yêu cầu EU tái lập các hạn chế tiếp cận đối với các công ty vận tải đường bộ Ukraine. Theo họ, Ukraine đang phá giá cước phí vận tải. (TTXVN)

Châu Mỹ

* Guyana, Venezuela nhất trí tránh leo thang xung đột: Ngày 14/12, Thủ tướng St. Vincent và Grenadines Ralph Gonsalves cho biết Guyana và Venezuela đã nhất trí tránh bất kỳ sự leo thang xung đột nào trong bối cảnh căng thẳng gia tăng gần đây tại khu vực biên giới tranh chấp và giàu dầu mỏ giữa hai nước này.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro và người đồng cấp Guyana Irfaan Ali đã gặp nhau để thảo luận nhằm “giảm leo thang” căng thẳng. Song theo giới phân tích, động thái này khó làm giảm leo thang căng thẳng hiệu quả trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài và ngày càng nóng giữa hai bên.

Tranh chấp vùng lãnh thổ Essequibo giữa Venezuela và Guyana đã kéo dài suốt hơn 100 năm qua. Căng thẳng liên quan vùng lãnh thổ này gia tăng kể từ khi Caracas tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này mới đây, trong đó 95% cử tri ủng hộ việc thành lập “bang Guayana Esequiba” thuộc Venezuela. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Niger: Chính quyền quân sự đồng ý quay lại chế độ dân sự: Ngày 15/12, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia Niger, Ngoại trưởng Togo Robert Dussey cho biết ông đã đạt được thỏa thuận “về nội dung và thời gian diễn ra quá trình chuyển đổi” với Thủ tướng do chính quyền Niger bổ nhiệm Ali Mahaman Lamine Zeine và Ngoại trưởng Bakary Yaou Sangare.

Nhà ngoại giao này nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng trình bày kế hoạch… với nguyên thủ quốc gia trung gian và Ủy ban Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS)”.

Hôm 14/12, ECOWAS đã đình chỉ Niger khỏi các cơ quan ra quyết định của tổ chức này từ ngày 10/12, cho tới khi trật tự Hiến pháp được thiết lập lại. (AFP)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1412-nga-bi-quan-ve-kha-nang-ukraine-vao-eu-xung-dot-israel-hamas-buoc-sang-giai-doan-moi-254035.html