Tin thế giới 10/4: Ukraine tuyên bố có kế hoạch phản công mới; Mỹ lo ngại một vũ khí Nga; Israel sẽ đáp trả nếu Iran tấn công

Ukraine đã có kế hoạch phản công mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói Israel sai lầm, Nga trục xuất gần 1.000 người nước ngoài, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm Washington... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tên lửa hạng nặng Delta IV làm nhiệm vụ cuối cùng, đưa vệ tinh do thám quân sự Mỹ lên quỹ đạo, ngày 9/4. (Nguồn: Reuters)

Nga-Ukraine

* Ukraine có kế hoạch phản công mới: Ngày 10/4, RT đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, mặc dù lực lượng nước này hiện đang bị đẩy lùi trên mặt trận, song ông hy vọng sẽ lật ngược tình thế.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho hay: “Nga có nhân lực đông hơn, nhiều vũ khí hơn. Nhưng phương Tây có hệ thống vũ khí hiện đại. Nếu chúng tôi nhận được giấy phép (sản xuất) từ các đối tác của mình thì vấn đề không phải là số lượng quân nhân. Đó là về chất lượng của vũ khí".

Theo nhà lãnh đạo, Kiev đã có kế hoạch cho một cuộc phản công mới, song điều đó phụ thuộc vào việc Mỹ nối lại hỗ trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu và việc phương Tây hỗ trợ Ukraine tăng cường sản xuất quân sự trong nước.

* Ukraine kỳ vọng Ấn Độ đóng vai trò dẫn đầu trong hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sỹ, theo lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.

Ông Kuleba thông báo, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và hy vọng New Delhi sẽ đảm nhận một trong những vai trò chủ chốt tại đây. (Sputnik)

* Tổng thống Zelensky mời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Ukraine, đồng thời bày tỏ sẵn sàng lắng nghe những đề xuất của ông Trump về cuộc xung đột.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn nhận lời mời nhưng chưa cam kết thực hiện chuyến đi. (Politico)

* Tổng thống Ukraine thị sát phòng tuyến quân sự ở Kharkov vào ngày 9/4 và đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ quân sự để bảo vệ thành phố lớn thứ 2 của nước này trước các cuộc tấn công ngày càng gia tăng.

Ông cảm ơn người dân và các doanh nghiệp đã vượt qua mối đe dọa, trụ lại và duy trì cuộc sống trong thành phố cách Nga 30km này. (Reuters)

* Mỹ bán thiết bị phòng không cho Ukraine: Ngày 9/4, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, nước này sẽ bán cho Ukraine thiết bị trị giá 138 triệu USD để bảo trì và nâng cấp hệ thống phòng không Hawk nhằm giúp chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Nga. (Reuters)

Châu Âu

* Thủ đô Moscow trục xuất hơn 800 người nước ngoài: Sau khi tiến hành hơn 10.000 cuộc kiểm tra tình hình người nhập cư tăng cường sau vụ khủng bố ngày 22/3, ngày 10/3, Sở Nội vụ thành phố Moscow thông báo quyết định trục xuất 836 người nước ngoài.

Ngoài 836 người nêu trên, cảnh sát Moscow còn xác minh được 22 cá nhân đang bị truy nã, khởi tố 192 vụ án hình sự. (TASS)

* Moldova-Pháp tăng cường hợp tác quốc phòng: Ngày 10/4, chính phủ Moldova cho biết đã thông qua dự thảo luật phê chuẩn thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Pháp, được ký kết hồi tháng 3 vừa qua.

Thỏa thuận này nhằm mục đích mở rộng hợp tác dựa trên văn kiện năm 1998, mở ra cơ hội tương tác trong các lĩnh vực như đào tạo nhân sự, tham gia các nhiệm vụ quốc tế, kiểm soát không phận, trao đổi công nghệ và các lĩnh vực khác. (Radio Moldova)

* Anh sẽ tiếp tục bán vũ khí cho Israel, theo lời Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 9/4.

Quyết định này của chính phủ bất chấp áp lực ngày càng lớn từ chính giới và nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền về việc đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Israel, sau cái chết của 3 công dân Anh trong cuộc tấn công của quốc gia Trung Đông vào tổ chức cứu trợ World Central Kitchen.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Anh cho biết, London “quan ngại sâu sắc” về khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo ở Gaza, đồng thời kêu gọi Israel biến các cam kết về viện trợ “thành hiện thực”. (Telegraph)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm Mỹ từ ngày 9/4 và sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden trong ngày 10/4 (giờ địa phương) nhằm nhất trí về một sự nâng cấp lớn trong liên minh quốc phòng giữa hai bên.

Ông cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines tại Washington trong ngày 11/4 (giờ địa phương).

* Cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc đã chính thức diễn ra từ 6h-18h ngày 10/4 (giờ địa phương), tại 14.259 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, nhằm chọn ra 300 đại biểu.

Theo kết quả cuộc thăm dò do đài truyền hình cáp JTBC thực hiện, đảng Dân chủ (DP) đối lập chính và đảng liên kết là Thống nhất Dân chủ được cho là sẽ giành được tổng số 168-193 ghế trong Quốc hội gồm 300 thành viên.

Trong khi đó, đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền và đảng Tương lai nhân dân liên kết có khả năng chỉ giành được 87-111 ghế. (Yonhap)

* Hàn-Trung Quốc-Nhật Bản xúc tiến hội nghị thượng đỉnh ba bên, vốn bị trì hoãn lâu nay, vào khoảng ngày 26-27/5, theo tin đưa từ báo Yomiuri Shimbun số ra ngày 10/4.

Theo nguồn tin, ba nước đã bước vào các phiên tham vấn cuối cùng liên quan việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ thăm Seoul để hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Yoon Suk Yeol. (Yonhap)

* Mỹ-Anh-Australia cân nhắc bổ sung đối tác trong việc phát triển các dự án năng lực tiên tiến của Hiệp ước an ninh giữa 3 nước (AUKUS), với các lựa chọn tiềm năng gồm Hàn Quốc, Canada và New Zealand, theo lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ngày 9/4.

Quan chức Mỹ cho hay, ngoài Nhật Bản, các đối tác trên có thể mang lại những thế mạnh đặc biệt cho Trụ cột II, tuy nhiên, việc bổ sung sẽ chỉ được tiến hành với sự đồng thuận hoàn toàn và "thông qua quá trình tham vấn dự kiến mất vài tháng". (Yonhap)

* Ấn Độ muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với láng giềng, nhưng "nếu ai đó cố làm tổn thương lòng tự trọng của chúng tôi, New Delhi ngày nay có đủ sức mạnh để đáp trả", theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đưa ra ngày 9/4.

Đề cập việc gần đây, Trung Quốc đã 'đổi tên' các địa điểm ở Arunachal Pradesh và đăng chúng trên trang web của nước này, ông Singh tuyên bố, điều này "sẽ không đạt được kết quả gì... Trung Quốc không nên phạm sai lầm này” bởi "những bước đi như vậy sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ song phương".

Cho biết ngôi làng gần biên giới đang phát triển một cách nhanh chóng để bảo vệ đất nước, Bộ trưởng Singh khẳng định: "Bây giờ không ai có thể chiếm đất của Ấn Độ... Những ngôi làng này không chỉ có tầm quan trọng về mặt chiến lược mà những người dân sống ở đó cũng là tài sản chiến lược của chúng tôi". (PTI)

Trung Đông-châu Phi

* Israel sẽ đáp trả nếu bị Iran tấn công từ lãnh thổ nước Cộng hòa Hồi giáo, theo lời Ngoại trưởng Israel Israel Katz tuyên bố ngày 10/4.

Trước đó một ngày, kênh truyền hình Channel 12 của Israel dẫn nguồn tin từ các quan chức quân sự nước này nhận định, hành động đáp trả của Tehran đối với cuộc không kích vào tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở Damascus sẽ không xảy ra cho đến sau kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kết thúc vào ngày 12/4.

Các nguồn tin cũng cho rằng, cuộc tấn công của Iran sẽ nhắm vào các khí tài quân sự hay chiến lược chứ không phải các địa điểm dân sự.

Cùng ngày, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cảnh báo Israel “sẽ bị trừng phạt” vì cuộc không kích ở Damascus khiến 7 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng, trong đó có 2 tướng lĩnh.(AFP)

* Mỹ phản đối cách tiếp cận của Thủ tướng Israel đối với cuộc chiến ở Gaza: Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, cách tiếp cận của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với cuộc chiến ở Dải Gaza là "sai lầm".

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định "không đồng ý với cách tiếp cận" của ông Netanyahu, đồng thời nhấn mạnh lời kêu gọi một lệnh ngừng bắn trong 6-8 tuần và cho phép viện trợ thực phẩm và thuốc men vào Dải Gaza mà không bị bất kỳ hạn chế nào. (Reuters)

* Nguy cơ leo thang ở biên giới Lebanon-Israel rất hiện hữu, theo nhận định của Chỉ huy Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại miền Nam Lebanon (UNIFIL) Aroldo Lazaro ngày 10/4.

Trong tuyên bố, ông Lazaro nhấn mạnh, UNIFIL kêu gọi các bên chấm dứt hành động thù địch, tiến tới lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột này. (AFP)

* Nga phá hủy 5 căn cứ quân sự của phiến quân ở Syria ở tỉnh Homs, theo thông báo của Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải các bên đối lập ở Syria thuộc Bộ Quốc phòng Nga Yury Popov. Các cuộc không kích do lực lượng không gian vũ trụ Nga tiến hành. (TASS)

* Mỹ phá hủy tên lửa của Houthi nhắm vào tàu thương mại trên Vịnh Aden, có khả năng nhắm vào tàu MV Yorktown ngày 9/4.

Trên mạng xã hội X, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, không có báo cáo về thương tích hoặc thiệt hại nào đối với các tàu của Mỹ, liên quân hoặc tàu thương mại trong vụ việc này.

* Sri Lanka thiết lập quan hệ ngoại giao với CH Chad: Ngày 9/4, Ban Thông tin chính phủ Sri Lanka tuyên bố, Nội các của nước này đã phê chuẩn việc thiết lập quan hệ ngoại giao với CH Chad như một phần trong động thái tăng cường quan hệ với khu vực châu Phi. (THX)

* Hàng nghìn người Sudan phải rời bỏ nhà cửa mỗi ngày do xung đột: Ngày 9/4, người phát ngôn của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Olga Sarrado Mur cho biết, một năm kể từ khi xung đột ở Sudan nổ ra, hàng nghìn người tuyệt vọng vẫn đang chạy trốn khỏi đất nước này mỗi ngày.

Đến nay, hơn 8,5 triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi giao tranh nổ ra, trong đó gần 1,8 triệu người đã phải chạy qua biên giới sang nước khác. Những người trốn chạy chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đang đến những khu vực hẻo lánh bên kia biên giới “với rất ít tài sản hoặc không có gì. (AFP)

Châu Mỹ

* Mỹ lo ngại vũ khí siêu thanh Nga: Tuyên bố chung của Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall, Giám đốc Điều hành không gian Mỹ Chance Saltzman và Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Allvin nêu rõ, việc Nga nâng cấp vũ khí chiến lược, đặc biệt là vũ khí siêu thanh và các loại vũ khí thế hệ tiếp theo khác, đe dọa an ninh nước Mỹ.

Tuyên bố chung lưu ý, Nga đang phát triển và triển khai một loạt hệ thống đối phó không gian bao gồm vũ khí chống vệ tinh phóng từ mặt đất, trên không và trên quỹ đạo, vũ khí laser, hệ thống tác chiến điện tử và năng lực mạng có thể đe dọa các tài sản quân sự và vũ trụ lưỡng dụng.

Theo đó, yêu cầu ngân sách của chính quyền Washington - 188,1 tỷ USD cho năm tài chính tiếp theo, bắt đầu vào tháng 10/2024, bao gồm việc hiện đại hóa các chương trình răn đe hạt nhân - được thúc đẩy bởi "mối đe dọa nghiêm trọng từ Nga". (TASS)

* Mỹ kêu gọi Trung Quốc, Nga hợp tác thúc đẩy niềm tin, ngăn chặn xung đột trong không gian vũ trụ, theo lời người đứng đầu Bộ chỉ huy không gian của Lầu Năm Góc Stephen Whiting.

Bình luận về khả năng xảy ra xung đột trong không gian với các đối thủ cạnh tranh của Mỹ là Nga và Trung Quốc, ông Stephen Whiting nói: "Tất cả chúng ta cần phải hành động phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế, một cách có trách nhiệm và an toàn trên quỹ đạo".

Theo ông Whiting, Mỹ "không muốn xung đột bắt đầu hoặc mở rộng trong không gian vũ trụ". (Sputnik)

* Mỹ phóng vệ tinh do thám quân sự lên quỹ đạo bằng tên lửa hạng nặng Delta IV vào ngày 9/4, do Lực lượng Không gian Mỹ và liên doanh Boeing-Lockheed tiến hành.

Đây là vụ phóng thứ 16 và là sứ mệnh cuối cùng của dòng tên lửa được chế tạo từ đầu những năm 1960 này. (Reuters)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-104-ukraine-tuyen-bo-co-ke-hoach-phan-cong-moi-my-lo-ngai-mot-vu-khi-nga-israel-se-dap-tra-neu-iran-tan-cong-267368.html