Tin thế giới 10/4: Nga đổi chiến thuật ở Bakhmut, sắp tung kế hoạch lớn? Trung Quốc ra 'cảnh báo nghiêm trọng' về Đài Loan

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc tập trận quanh hòn đảo Đài Loan, tình hình căng thẳng ở Đông Jerusalem, vụ rò rỉ tài liệu quân sự mật của Mỹ... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Ukraine khẳng định vẫn kiểm soát được tình hình Bakhmut dù khó khăn. (Nguồn: Independent)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga thay đổi chiến thuật tấn công ở thành phố Bakhmut, miền Đông Ukraine, theo lời Chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết ngày 10/4.

Ông Syrskyi nêu rõ, đối phương "đã chuyển sang cái gọi là chiến thuật tiêu thổ. Binh sĩ Nga đang phá hủy các tòa nhà và cứ điểm bằng không kích và pháo kích".

Vị chỉ huy này nhấn mạnh, Ukraine tiếp tục bảo vệ thành phố Bakhmut và vẫn có thể kiểm soát tình hình dù khó khăn.

Theo tướng Ukraine, phía Nga đang triển khai lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị tấn công đường không để hỗ trợ chiến dịch ở thành phố này. (Reuters)

* Ukraine sắp nhận được các hệ thống phòng không hiện đại của phương Tây, Cố vấn của Bộ Tư lệnh Không quân Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) Yuriy Ignat cho biết ngày 9/4.

Ông Ignat nói: “Cần cung cấp thêm thiết bị phòng không cho Kiev. Đó là các hệ thống mà chúng ta được hứa sẽ cung cấp như NASAMS, Iris-T, cũng như Patriot và SAMP/T, những hệ thống này sẽ được đưa vào Ukraine trong tương lai gần”.

Ngoài ra, cố vấn quân sự Ukraine nhắc lại rằng, Kiev muốn phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, vốn đã bị Washington từ chối. (TASS)

* Tổng thống Ukraine có thể thăm Đức vào tháng 5, báo Bild am Sonntag dẫn các nguồn tin trong chính quyền Ukraine.

Theo các nguồn tin, ông Zelensky có thể tới thành phố Aachen ở miền Tây nước Đức vào ngày 14/5 để dự lễ trao giải Charlemagne Prize với danh nghĩa cá nhân.

Tuy nhiên, theo tờ báo, tình hình của khu vực xung đột có thể ảnh hưởng tới chuyến thăm. Trong trường hợp đó, ông Zelensky có thể phát biểu trước những người tham dự buổi lễ này qua đường truyền video.

Charlemagne Prize là giải thưởng do chính quyền thành phố Aachen trao tặng thường niên kể từ năm 1950. Giải thưởng ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tổ chức thúc đẩy tiến trình hội nhập châu Âu.

Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc)

* Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan, ra "cảnh báo nghiêm trọng": Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, ngày 10/4, nước này đã triển khai một số máy bay đa năng quanh eo biển Đài Loan, cũng như ở phía Bắc và Nam của đảo Đài Loan để tiếp tục các cuộc tập trận.

Quân đội Trung Quốc cũng tiến hành thị sát các cuộc tập trận trên biển, trên không, đồng thời tàu sân bay Sơn Đông tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu quanh hòn đảo này.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết, các cuộc tập trận này là một biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: "Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng đối với bất kỳ nỗ lực thông đồng nào giữa các lực lượng ly khai kêu gọi 'Đài Loan độc lập' và các thế lực bên ngoài nhằm tạo ra một hành động khiêu khích".

Ông Vương nhấn mạnh, việc tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc "là sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế và là chuẩn mực cơ bản được thừa nhận rộng rãi của quan hệ quốc tế". (Reuters, TASS)

* Liên minh châu Âu (EU) không “theo đuôi” Mỹ-Trung trong vấn đề Đài Loan, theo lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài trả lời phỏng vấn báo chí được đăng tải ngày 9/4.

Tổng thống Macron bày tỏ: “Điều tồi tệ nhất có thể nghĩ đến là chúng ta-các quốc gia châu Âu-phải trở thành những kẻ theo đuôi, tự chấp nhận nhịp điệu của Mỹ và phản ứng của Trung Quốc”.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, cần hiểu rõ điểm nào mà các quan điểm của EU có chiến lược châu Âu và "không mong muốn rơi vào logic đối đầu giữa các khối”, nhấn mạnh rằng, châu Âu “không nên để rơi vào một thế giới hỗn loạn và những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”. (AFP)

Châu Âu

* Nga tính toán kế hoạch lớn "đại tu" lực lượng phòng không sau khi thu được những kinh nghiệm mới trong xung đột ở Ukraine, theo lời Phó Tổng tư lệnh Lực lượng không quân vũ trụ (VKS) Nga Andrey Demin.

Trả lời phỏng vấn với báo Sao Đỏ ngày 10/4, Trung tướng Demin cho hay, lực lượng phòng không Nga đã gặp phải một số thách thức khi đối mặt với các cuộc tấn công của Ukraine.

Đến nay, Nga đã bổ sung hơn 50 trạm radar di động và máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm A-50 tuần tra 24/24 giờ trong khi các cơ sở tên lửa và phòng không ở những khu vực giáp Ukraine đã được củng cố.

Tại các khu vực Ukraine do Nga kiểm soát, Moscow đã thành lập các đơn vị phòng không để bảo vệ những cơ sở quan trọng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất hệ thống chống máy bay không người lái RLK-MC.

Ông Demin nhấn mạnh, những cải cách "đã được lên kế hoạch và sẽ được thực hiện. Mục đích của những thay đổi sắp tới là nhằm phát triển lực lượng vũ trang, tăng cường hệ thống phòng không của Liên bang Nga".

Bên cạnh đó, theo tướng không quân Nga, nước này cũng đang nghiên cứu vấn đề tăng cường năng lực phòng thủ để bảo vệ biên giới phía Tây Bắc khi Phần Lan - nước có đường biên chung dài hơn 1.300 km với Nga - đã gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/4. (Reuters)

* Nga ghi nhận vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh trong ngày 9/4 tại khu vực xung đột Nagorny-Karabakh, tuy nhiên, vụ việc không gây ra bất cứ thương vong nào.

Bản tin thường kỳ về các hoạt động gìn giữ hòa bình của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga có đoạn: “Vụ vi phạm lệnh ngừng bắn xảy ra ở huyện Martuni. Các nhân viên gìn giữ hòa bình của Nga tiếp tục giám sát 24/24 đối với hoạt động thực thi lệnh ngừng bắn tại 30 chốt kiểm soát”.

Hiện nay, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang tiến hành công tác xác minh vụ vi phạm. (TASS)

* Belarus muốn Nga bảo đảm tuyệt đối về an ninh: Ngày 10/4, hãng thông tấn nhà nước Belarus BelTA cho biết, Tổng thống nước này Alexander Lukashenko đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong một cuộc gặp không báo trước tại Minsk.

Theo nguồn tin trên, trong cuộc gặp, Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh, Minsk cần đảm bảo, rằng Nga sẽ bảo vệ Belarus "như chính lãnh thổ của mình" trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công từ bên ngoài.

Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình Belarus 1 hôm 8/4, Đại sứ nước này tại Nga Dmitry Krutoy cũng tuyên bố, Minsk cần được bảo đảm an ninh 100%.

Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 9/4, Kênh truyền hình Bộ Quốc phòng Belarus (VoenTV) dẫn lời quan chức của cơ quan này cảnh báo, các mối đe dọa trên không ở gần biên giới đang có chiều hướng gia tăng.

Theo người đứng đầu lực lượng kỹ thuật vô tuyến thuộc Quân chủng phòng không Belarus Alexander Vorobyov, các máy bay trinh sát chiến lược của Mỹ như RC-135, E-8C bắt đầu hoạt động gần biên giới nước này.

Ngoài ra, máy bay chiến lược U-2S, các máy bay sử dụng công nghệ tàng hình F-22 và F-35 cũng xuất hiện “ở lãnh thổ lân cận” Belarus.

* Biểu tình phản đối chính phủ tại Gruzia: Ngày 9/4, hàng nghìn người ủng hộ phe đối lập đã tham gia cuộc biểu tình do Phong trào quốc gia thống nhất của Tổng thống đang ngồi tù Mikheil Saakashvili tổ chức tại thủ đô Tbilisi của Gruzia.

Những người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Gruzia, vẫy cờ nước này, Ukraine và EU, giương cao biểu ngữ lớn có nội dung “Vì tương lai châu Âu”.

Chính phủ của đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc của phe đối lập, trong đó có bí mật hợp tác với Điện Kremlin và khiến đất nước chệch hướng khỏi con đường trở thành thành viên EU - một mục tiêu vốn được ghi trong hiến pháp và được 80% dân số ủng hộ. (Euractiv)

Đông Jerusalem

* Căng thẳng leo thang ở đền Al-Aqsa: Hôm 5/4, cảnh sát Israel đột kích vào khu vực đền Al-Aqsa (người Do Thái gọi là Núi Đền), đồng thời bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán hàng trăm người Palestine đang hành lễ bên trong và bắt giữ 350 người trong số họ.

Sau diễn biến này, các phe phái của Palestine tuyên bố họ sẽ tiến hành các cuộc tấn công trả đũa.

Ngày 6/4, ít nhất 34 quả rocket đã được bắn về phía Israel từ miền Nam Lebanon. Nhà nước Do Thái cáo buộc các phe phái Palestine, có thể là Hamas hoặc Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ), thực hiện cuộc tấn công này.

Ngày 7/4, quân đội Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào Dải Gaza và miền Nam Lebanon.

Vào đêm 8/4, quân đội Israel thông báo họ cũng đã tiến hành các cuộc tấn công trên bộ và trên không nhằm vào các địa điểm ở Syria để trả đũa việc Damascus bắn tên lửa về phía Cao nguyên Golan hiện bị Israel chiếm đóng.

Tất cả các vụ việc đều diễn ra trong tháng nhịn chay Ramadan của người Hồi giáo, trong khi người Do Thái hiện cũng đang trải qua Lễ Quá hải.

Mới đây nhất, hàng nghìn người Do Thái đã đổ về đền Al-Aqsa dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát Israel. Chỉ tính riêng ngày 9/4, khoảng 900 người định cư Israel đã đổ về khu vực linh thiêng này.

Đối với người Hồi giáo, đền Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng quan trọng thứ ba, trong khi người Do Thái khẳng định đây là địa điểm đặt 2 ngôi đền cổ của họ. Theo quy ước lâu nay, người Do Thái được phép thăm khu đền nhưng không được cầu nguyện tại đó.

* Bạo lực leo thang đã vấp phải chỉ trích từ nhiều quốc gia và tổ chức:

Ngày 9/4, Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Jassem Mohamed Albudaiwi cho rằng, việc tiếp diễn các cuộc xâm nhập vào đền thờ Al-Aqsa là những hành động vi phạm sự tôn nghiêm của các thánh địa Hồi giáo.

Ông Albudaiw kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ người dân Palestine và ngăn chặn các nỗ lực của Israel nhằm thay đổi hiện trạng ở Jerusalem và các thánh địa Hồi giáo.

Cùng ngày, TASS đưa tin, Tổng thống Syria Bashar Assad và người đồng cấp Iran Ebrahim Raisi đã có cuộc điện đàm, trong đó lên án các hành động của Israel xung quanh khu vực đền Al-Aqsa.

Trong khi đó, theohãng thông tấn Anadolu, người phát ngôn Palestine Nabil Abu Rudeineh nêu rõ: “Những vụ tấn công hàng ngày nhằm vào các địa điểm linh thiêng và tín đồ Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan là hành động không thể chấp nhận được và đáng bị lên án, khiến khu vực rơi vào chảo lửa".

Quan chức trên khẳng định, nhân dân nước này "sẽ tiếp tục kiên cường bảo vệ đất đai và các địa điểm linh thiêng với bất kỳ giá nào”.

Cùng ngày, Thủ lĩnh Phong trào Hezbollah của Lebanon và Hamas đã thảo luận về xung đột Israel-Palestine ở Beirut cũng như các sự kiện ở khu vực đền Al-Aqsa và sự kháng cự ngày càng gia tăng ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Hai bên trao đổi về những diễn biến chính trị trong khu vực, sự sẵn sàng của phe đối kháng và sự hợp tác của các bên trong việc đối phó với tất cả những diễn biến này.

Ấn Độ

* Mỹ-Ấn Độ tập trận chung mang tên “Ex CopeIndia”, bắt đầu từ ngày 10/4 ở bang Tây Bengal, tập trung vào nội dung hỗ trợ các máy bay chiến đấu, hãng thông tấn ANI dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết.

Trong số các hoạt động tập trận có nội dung chỉ thị mục tiêu ở khu vực tiền tuyến bằng tia laser để bom dẫn đường chính xác có thể tiếp cận mục tiêu được chỉ định một cách chính xác. Dự kiến, hai bên có khả năng triển khai đội hình hùng mạnh tham gia tập trận, bao gồm cả chiến đấu cơ và máy bay vận tải.

* Ấn Độ ngừng đàm phán thương mại với Anh sau khi cáo buộc London không lên án nhóm cực đoan người Sikh tấn công Cao ủy Ấn Độ ở Xứ sở sương mù hồi tháng trước, theo thông tin từ tờ The Times ngày 10/4.

Một nguồn tin từ chính phủ Anh tiết lộ với phóng viên tờ The Times rằng: “Ấn Độ không muốn đàm phán thương mại cho tới khi họ chứng kiến việc công khai lên án chủ nghĩa cực đoan Khalistan ở Anh”.

Vụ việc xảy ra vào ngày 19/3, khi những người mang biểu ngữ Khalistan biểu tình bên ngoài trụ sở Cao ủy và hạ cờ Ấn Độ từ ban công tầng một của tòa nhà để phản đối hành động gần đây của cảnh sát ở Punjab.

Châu Mỹ

* Vụ rò rỉ tài liệu quân sự mật của Mỹ: Tuần trước, tờ New York Times dẫn lời các quan chức thạo tin cho biết, một kho tài liệu mật mới rò rỉ trên mạng Internet bao gồm các tài liệu quân sự của Mỹ liên quan Ukraine, Trung Quốc và Trung Đông.

Ngày 9/4, Washington Post đưa tin, theo tài liệu bị rò rỉ, hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tiết lộ rằng, vào ngày 29/9/2022, các máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã tiếp cận và chặn máy bay trinh sát của Anh RC-135 trong không phận quốc tế trên Biển Đen, ngoài khơi Bán đảo Crimea.

Theo ông, một trong những máy bay của Nga đã "phóng tên lửa" ở khoảng cách xa, song không mô tả đây là một vụ suýt bắn hạ mà là do "trục trặc kỹ thuật". Ông Wallace cũng đã trao đổi với quan chức quốc phòng Nga về vụ việc này.

Cũng theo tài liệu mật bị rò rỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin được cho là đã ra lệnh cho các phi công Không quân nước này "duy trì máy bay tránh xa" Crimea.

Ngày 10/4, Yonhap đưa tin, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo sẽ yêu cầu khi vấn đề được làm rõ, Mỹ cần có hành động thỏa đáng liên quan những thông tin trong tài liệu mật nói rằng, Mỹ đang theo dõi các quan chức an ninh hàng đầu nước này.

Nhà Xanh nhấn mạnh, xác minh sự thật là ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc, đồng thời khẳng định không thể loại trừ nguy cơ bóp méo thông tin tình báo và sự can thiệp của bên thứ 3.

Trong khi đó, cùng ngày, kênh truyền hình CNN dẫn các nguồn tin cho biết, Bộ Chỉ huy quân sự Ukraine đã điều chỉnh một số kế hoạch liên quan xung đột với Nga bị tiết lộ trong tài liệu mật.

Nguồn tin cũng cho biết, giới chức Ukraine không ngạc nhiên với thực tế là Mỹ đang theo dõi họ, tuy nhiên họ lại khá lo ngại về vụ rò rỉ này.

Đây được coi là một trong những vụ rò rỉ dữ liệu bí mật lớn nhất kể từ khi hơn 700.000 tài liệu, video và điện tín ngoại giao bị rò rỉ thông qua WikiLeaks vào năm 2013.

Liên quan vụ rò rỉ tài liệu mật này, ngày 9/4, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, Wahsington đang triển khai một hoạt động liên ngành nhằm đánh giá tác động của nó đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như với các đồng minh và đối tác.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-104-nga-doi-chien-thuat-o-bakhmut-sap-tung-ke-hoach-lon-trung-quoc-ra-canh-bao-nghiem-trong-ve-dai-loan-223002.html