Tín ngưỡng thờ Mẫu trước nguy cơ biến dạng

Ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu có một chỗ đứng đặc biệt, có sức lan tỏa lớn và ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng trong xã hội đương đại. Dù vậy, 'di sản sống' này hiện cũng đang đối mặt với không ít thách thức và nguy cơ biến đổi, biến tướng.

Nỗi lo di sản biến tướng

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên phạm vi cả nước có khoảng 7.000 đền, phủ (chưa kể các điện thờ tư nhân) liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu trong đó Nam Định được coi là cái nôi của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Công bằng mà nói, điều làm nên sự độc đáo của đạo Mẫu không hẳn là đạo Mẫu xuất hiện thế nào mà chính là nghi thức thực hành tín ngưỡng qua hầu đồng và hát văn. Song, trên thực tế 80% nghi lễ hầu đồng hiện nay đã bị biến tướng.

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, mối lo lắng trong khâu quản lý các hiện tượng biến tướng, thương mại hóa, hiểu sai lệch về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ… đang khiến các nhà quản lý và các nhà khoa học “đau đầu”. Nhiều người lầm hiểu rằng, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chỉ là lên đồng, hầu đồng, vì thế việc công nhận tín ngưỡng này là di sản đồng nghĩa với việc mở cửa cho lên đồng để trục lợi.

Những thay đổi giữa hầu đồng xưa và hầu đồng nay là một quá trình thay đổi “nhanh chóng mặt” từ trang phục cho đến âm nhạc chầu văn, đến cả những cung văn làm mất đi những giá trị của hầu đồng.

Thực tế, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là thực hành nghi lễ kết hợp nhiều yếu tố văn hóa như trang phục, âm nhạc, múa thiêng... mà hầu đồng chỉ là yếu tố cấu thành của di sản. Bên cạnh đó, trong hoạt động diễn xướng của di sản được ví như một “bảo tàng sống” lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa của người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm, thử thách trong lịch sử và hiện nay di sản này vẫn luôn đối mặt với nguy cơ bị mai một, biến dạng trong xã hội đương đại.

Cần sự chủ động, tích cực

Để tín ngưỡng thờ Mẫu không bị biến tướng, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Văn bản số 3146/BVHTTDL-DSVH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Bộ VH-TT&DL cũng đã công bố “Chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, từ năm 2017 - 2019 thực hiện các hoạt động nhận thức xã hội về nghi lễ hầu đồng, phục hồi một số hoạt động lễ hội, sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng trang web về tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ năm 2020 - 2022 thực hiện các hoạt động truyền dạy hát văn, quảng bá di sản, hoàn thành và cập nhật kiểm kê quốc gia về việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng, thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung.

Đây là kim chỉ nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và cũng là việc làm tất yếu nhằm thực hiện cam kết của quốc gia với UNESCO. Để chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đi vào thực tiễn đời sống, trước hết cần sự chủ động, tích cực triển khai của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan ở các địa phương có di sản này.

Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, một nguyên lý quan trọng của việc bảo tồn di sản là phải dựa vào cộng đồng - chủ thể sáng tạo di sản. Các cơ quan quản lý văn hóa, nhà chuyên môn cần xây dựng chương trình phổ biến kiến thức về đạo Mẫu nói chung và hầu đồng nói riêng để cộng đồng có những tri thức, hiểu biết khoa học về di sản. Từ đó, người dân sẽ chủ động tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển di sản một cách đúng đắn... Đây cũng là cách để hạn chế những biến tướng xấu nở rộ theo sự phổ biến ngày càng sâu rộng của việc thực hành di sản này sau khi được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới.

Trung Kiên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tin-nguong-tho-mau-truoc-nguy-co-bien-dang-3685876-b.html