Tín hiệu vui cho sản xuất nông nghiệp Bát Xát

Việc đưa vào vận hành nhà máy sơ chế củ hoàng sin cô tại huyện Bát Xát không chỉ giải quyết đầu ra cho nông sản, mà quan trọng là thiết lập hệ thống chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Dây chuyền sơ chế củ hoàng sin cô tại huyện Bát Xát.

Dây chuyền sơ chế củ hoàng sin cô tại huyện Bát Xát.

Cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Trịnh Tường, gia đình ông Lý Giá Xe, thôn Lao Chải sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây hoàng sin cô. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do diện tích trồng loại cây này tăng mạnh, trong khi thị trường thiếu ổn định, giá sản phẩm có lúc xuống thấp, khiến ông lo lắng. Việc có nhà máy sơ chế củ hoàng sin cô đi vào hoạt động sẽ giúp ông và các gia đình khác yên tâm hơn, không lo tư thương ép giá. Ông Xe cho biết: Sau khi thu hoạch, chúng tôi đóng bao rồi vận chuyển đến điểm tập kết, xe của nhà máy đến tận nơi thu mua với giá hợp lý.

Xã Trịnh Tường hiện có hơn 25 ha cây hoàng sin cô đang vào vụ thu hoạch. Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Cây hoàng sin cô được người dân trên địa bàn trồng từ hàng chục năm trước, nhưng khoảng 4 năm gần đây diện tích mới được mở rộng. Loại cây này phù hợp trồng trên đất nương đồi, năng suất cao (từ 20 đến 25 tấn/ha), nhưng giá bấp bênh. Việc có nhà máy sơ chế tại địa phương, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giúp các hộ trồng yên tâm.

Nhà máy sơ chế củ hoàng sin cô của Công ty TNHH dược liệu Tây Bắc có tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, đặt tại xã Trịnh Tường, công suất thiết kế khoảng 20 tấn củ tươi/ngày. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đây là dây chuyền sơ chế nông sản hiện đại bậc nhất khu vực phía Bắc.

Ông Nguyễn Trọng Sanh, cán bộ quản lý nhà máy cho biết: Củ tươi khi đưa vào dây chuyền được phân loại, làm sạch, loại vỏ, thái miếng, sấy lạnh. Sau khoảng 10 giờ, dây chuyền sấy sẽ đưa củ hoàng sin cô tươi về sản phẩm đạt độ ẩm 13%. Khác với các dây chuyền sấy khô bằng nhiệt, đây là dây chuyền sấy khô lạnh, giúp bảo quản gần như 100% tinh chất của củ. Củ hoàng sin cô sau khi sơ chế sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm, tạo ra những sản phẩm như nước uống, trà túi lọc, thạch rau câu... Toàn bộ sản phẩm củ hoàng sin cô sau khi sơ chế được Công ty TNHH Long Hải ký hợp đồng tiêu thụ.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, hiện trên địa bàn có hơn 144 ha cây hoàng sin cô, tập trung chủ yếu tại các xã: Y Tý, Trịnh Trường, A Lù, Sàng Ma Sáo, sản lượng ước đạt từ 3.000 đến 4.000 tấn/năm. Củ hoàng sin cô được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Năm 2020, Công ty TNHH Long Hải (Hải Dương) bao tiêu 500 tấn củ, các thương lái bao tiêu hơn 1.000 tấn củ. Tuy nhiên, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vận chuyển khó khăn ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm. Việc nhà máy sơ chế hoàng sin cô của Công ty TNHH dược liệu Tây Bắc đi vào hoạt động đúng thời điểm chính vụ thu hoạch củ hoàng sin cô giúp nông dân yên tâm gắn bó với loại cây trồng này.

Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Năm nay, nông dân trên địa bàn huyện thu hoạch khoảng 4.000 tấn củ hoàng sin cô, khoảng 30% sản lượng sẽ được sơ chế, phần còn lại được tiêu thụ qua các thương lái. Năm tới, các xã trồng củ hoàng sin cô sẽ thành lập các tổ, nhóm liên kết sản xuất, làm đầu mối thu mua, nông dân không phải lo về đầu ra sản phẩm. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm, để không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu. Ngoài sơ chế củ hoàng sin cô, dây chuyền này còn có thể sơ chế các sản phẩm như chuối, sắn, dược liệu, quế… Đây là tín hiệu tích cực cho chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351690-tin-hieu-vui-cho-san-xuat-nong-nghiep-bat-xat