Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu nông sản

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý II dự báo có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trước những tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp của tỉnh cần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... để hoạt động xuất khẩu nông sản thực sự bền vững.

Sản xuất ống hút tre xuất khẩu tại Công ty TNHH Vibabo, xã Tân Thành (Thường Xuân).

Những tháng đầu năm 2024, bức tranh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã có những gam màu sáng. Trong đó, hàng hóa nông sản xuất khẩu cũng mang đến “tín hiệu lạc quan”, mở ra nhiều kỳ vọng nâng cao giá trị cho hoạt động xuất khẩu nông sản trong năm 2024.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh Hóa hiện có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm nông sản. Trong đó, một số sản phẩm có sản lượng, giá trị kinh tế lớn như: Dưa chuột muối, ớt muối, tinh bột sắn, cà chua, dứa đóng hộp, lợn sữa cấp đông, ngao đông lạnh, ngao sấy khô, hải sản đông lạnh, chả cá surimi, bột cá... Nông sản của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, một số nước thuộc EU... Sau thời gian dài hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng khá trầm lắng, từ đầu năm 2024, thị trường thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng được 164 mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu. Đây chính là những đòn bẩy để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản của tỉnh.

Thời điểm này, gần 100 công nhân của Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất để hoàn thiện các đơn hàng của các hợp đồng đã ký trong quý II/2024. Giám đốc công ty Nguyễn Văn Quỳnh cho biết: Là đơn vị có “thâm niên” trong hoạt động xuất khẩu nông sản với các sản phẩm như dứa đóng hộp, dưa chuột bao tử đóng hộp... công ty luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện các sản phẩm đã được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc, các nước Đông Âu, Trung Á và xuất khẩu qua trung gian đến thị trường các nước hồi giáo. Quý I/2024 doanh thu của công ty đạt hơn 15 tỷ đồng.

Hiện nay, những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết chính là cơ hội để công ty tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, công ty nỗ lực duy trì sản xuất an toàn, phấn đấu hoàn thành 100% đơn hàng đã ký với chất lượng cao nhất. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.

Được đánh giá là một trong những ngành hàng nông sản có triển vọng phát triển trong những tháng cuối năm, sản phẩm lâm nghiệp xuất khẩu của tỉnh quý I/2024 đạt hơn 49 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trước những dấu hiệu phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và ký được những đơn hàng lớn, dài hạn đến từ các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Giám đốc Công ty Chế biến lâm sản Đại Phát (Như Thanh) Vũ Đăng Vang cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu các sản phẩm từ lâm sản khá ổn định, do đó công ty đã đầu tư lắp thêm dây chuyền sản xuất mới để đa dạng sản phẩm. Không chỉ có gỗ băm dăm xuất khẩu, công ty còn hướng tới những sản phẩm khác như ván ép, gỗ tinh chế... đồng thời liên kết với người dân để mở rộng vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 88,915 triệu USD, tăng 2,53% so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm, nhóm sản phẩm chính đạt giá trị xuất khẩu cao gồm cói xuất khẩu 3,128 triệu USD, tinh bột sắn 7,78 triệu USD, thịt súc sản 1,55 triệu USD, các loại hải sản khác 23,9 triệu USD, các loại sản phẩm lâm nghiệp đạt 49,3 triệu USD...

Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa trong quý II và những tháng cuối năm 2024 sẽ có những khởi sắc theo chiều hướng có lợi, nhất là đối với các sản phẩm lâm nghiệp và thủy sản. Do đó, để bảo đảm giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi biến động thị trường và tìm kiếm các kênh xuất khẩu chính ngạch, tiềm năng góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản những tháng cuối năm. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm giúp các đơn vị trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong xuất khẩu. Cùng với đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để giảm thiểu chi phí cho các hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Những tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt khó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, trước những tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh cần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... để hoạt động xuất khẩu nông sản thực sự bền vững.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-xuat-khau-nong-san-213124.htm