Tín hiệu tích cực trong xuất khẩu thủy sản

Tại Hội nghị đồng hành cùng ngành thủy sản thúc đẩy xuất khẩu, do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu (XK) tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị XK thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, kim ngạch XK thủy sản Việt Nam liên tục giảm do sức cầu tiêu thụ ở các thị trường chính trong tình trạng “lao dốc”, tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trong 1-2 tháng gần đây cho thấy XK thủy sản đang dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, XK thủy sản thời gian qua sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Đầu tiên, giá XK của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm.

Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.

Mặc dù vậy, một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào những tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi XK ngành hàng này. Tín hiệu mừng của XK thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như: Cá ngừ, tôm, cá tra.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, XK thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm với 27%. Từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số XK chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.

Mức độ hồi phục doanh số XK thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá XK vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết trong mấy tháng gần đây nhu cầu gia công thủy sản từ các “ông chủ” lớn đến từ các thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Mỹ gia tăng đáng kể. Mặt hàng được quan tâm là cá minh thái, cá tuyết, cá thu, cá chim, cá đuối, cá trê… Việc Trung Quốc và một số quốc gia áp lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản được xem là thông tin tích cực mà nhiều DN Việt Nam, đặc biệt ở miền Trung và miền Bắc quan tâm. Bởi, đây là cơ hội cho các DN có đơn hàng gia công từ Nhật Bản.

“Trong một vài tuần tới, khi đánh giá được đầy đủ thông tin, chúng tôi sẽ báo cáo tới Bộ Công Thương để hỗ trợ trong việc trao đổi với những ông chủ lớn lại Nhật Bản. Các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia cũng đang cạnh tranh tiếp cận với Nhật Bản để có những đơn hàng gia công”, ông Nam cho biết.

Đại diện VASEP nói thêm đặc trưng của gia công thủy sản là xoay vòng vốn rất nhanh chỉ trong vòng 30 ngày, lâu nhất là 40 ngày.

Bên cạnh đó, DN không phải chi quá nhiều cho tài nguyên môi trường để tạo ra một con tôm, con cá trưởng thành. Mảng gia công hiện đang hỗ trợ đáng kể cho ngành thủy sản. Đây không chỉ là vấn đề tạo thêm việc làm cho người lao động, khi các DN có được đơn hàng gia công thì đồng nghĩa sẽ có thêm thị phần trong tương lai.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các DN Nhật Bản vẫn đang là bài toán khó đối với Việt Nam. Các DN Nhật Bản đang thực sự sốt sắng trong việc duy trì sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đặc thù của Nhật Bản là để tìm được đối tác mới, họ rất thận trọng và “cơ hội kinh doanh gần như treo trên sợi tóc”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua XK thủy sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên những tháng gần đây có dấu hiệu lạc quan. Bởi, trong quý 3 tốc độ giảm đã được thu hẹp và đặc biệt trong tháng 9 mức độ giảm 5% so với cùng kỳ. Hy vọng trong quý 4 và khi đơn hàng đã nhiều trở lại thì ngành thủy sản sẽ thu hẹp lại đà suy giảm và phục hồi trở lại.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tin-hieu-tich-cuc-trong-xuat-khau-thuy-san-i712474/