Tín hiệu đáng mừng trong những tháng đầu năm

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa; thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19... tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực ngay trong những tháng đầu năm.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). Ảnh: Hoàng Cường.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). Ảnh: Hoàng Cường.

Đáng chú ý nhất trong thời gian này là lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, các đơn hàng sụt giảm hoặc phải hoãn, hủy, nhưng chỉ số sản xuất toàn ngành vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm sản phẩm có chỉ số tăng mạnh là: mạch điện tử tích hợp đạt 31,3 triệu sản phẩm, tăng 52%; xi măng đạt 478,5 nghìn tấn, tăng 32,8%; điện thoại thông minh đạt 14,2 triệu sản phẩm, tăng 12,1%... Lĩnh vực xuất khẩu cũng có những tín hiệu tốt với tổng giá trị xuất khẩu tháng 2-2021 đạt 2,87 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 38,3 triệu USD, tăng 7,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,83 tỷ USD, tăng 6%. Tính chung đến nay, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 5,89 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư FDI, trong 2 tháng đầu năm, có 1 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư là 317.550 USD, điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án, tổng vốn đăng ký thêm là 19,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 163 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 8,6 tỷ USD.

Trong sản xuất nông nghiệp, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 39,3 nghìn ha cây hàng năm, đạt 88,4% kế hoạch, bằng 99,3% so với cùng kỳ. Ở hoạt động tài chính tín dụng, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến hết tháng 2-2021 đạt 2.362,9 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ, bằng 15,1% dự toán cả năm. Trong đó, thu nội địa đạt 2.033,3 tỷ đồng, tăng 4,6%, bằng 16,2% dự toán năm; thu hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 322,4 tỷ đồng, bằng 10,7% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 1.366,2 tỷ đồng, bằng 8,5% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 349,1 tỷ đồng, bằng 7,3% dự toán năm; chi thường xuyên đạt 1.017 tỷ đồng, bằng 11,9% dự toán cả năm. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo mở rộng tín dụng, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến hết tháng 2-2021 đạt 83.000 tỷ đồng, tăng 11,86% so với thời điểm cuối năm 2020; dư nợ cho vay đạt 63.600 tỷ đồng, tăng 1,78%; nợ xấu là 740 tỷ đồng, chiếm 1,16%/tổng dư nợ.

Thu hoạch dưa ở xóm Mon, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên.

Thu hoạch dưa ở xóm Mon, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên.

Do tình hình dịch COVID-19 ở một số địa phương trong cả nước còn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Do đó, doanh thu từ hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch tăng không nhiều, doanh thu hoạt động du lịch lữ hành giảm so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 2-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn đạt 3.610 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ.

Với những kết quả tích cực đã đạt được từ đầu năm, trong những tháng tiếp theo, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - XH, trong đó tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với tình hình bệnh dịch, chủ động ứng phó và chuẩn bị các phương án sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm, đặc biệt là việc tiếp tục điều hành ngân sách theo hướng tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tập trung hoàn thiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định. Tiếp tục đề xuất các phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)… Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh tập trung làm tốt công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tăng cường công tác nắm tình hình, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Thế Hà

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/tin-hieu-dang-mung-trong-nhung-thang-dau-nam-282306-108.html