Tín dụng ưu đãi lĩnh vực lâm, thủy sản: Khó tiếp cận nguồn vốn!

Chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản dù khá hấp dẫn song với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Hà Tĩnh vẫn khó đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn.

Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản có vốn tín dụng 15.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Đến nay, 12 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia chương trình.

Mới đây, ngày 11/3/2024, NHNN Việt Nam quyết định nâng quy mô tham gia chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản. Theo đó, chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản tiếp tục được triển khai và kết thúc khi doanh số cho vay đạt 30.000 tỷ đồng.

Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm, thủy sản.

Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Hoạt động nuôi trồng thủy sản tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh).

Thời gian qua, NHNN tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam. Theo đó, thông tin tuyên truyền đến khách hàng; chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh để rà soát, nắm bắt nhu cầu vốn của các doanh nghiệp, HTX có hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm, thủy sản...

Tuy vậy, sau 8 tháng triển khai, Hà Tĩnh vẫn chưa phát sinh dư nợ gói vay này.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Thẩm định, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: "Agribank đã dành 3.000 tỷ đồng triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lâm, thủy sản. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã chủ động các giải pháp để đưa nguồn vốn của chương trình này ra nền kinh tế. Tuy vậy, đến nay chi nhánh vẫn chưa giải ngân được hồ sơ nào bởi khách hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu mà chương trình tín dụng này đặt ra.

Hơn nữa, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ lãi suất trực tiếp, trong đó chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh lãi suất chỉ từ 5%/năm nên nhiều khách hàng quyết định lựa chọn các gói vay thông thường".

BIDV Hà Tĩnh cũng chưa phát sinh dư nợ gói vay này. Một trong những nguyên nhân là do chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản ưu tiên cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi khách hàng tại chi nhánh chủ yếu là khách hàng cá nhân. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tại chi nhánh khá ưu đãi (lãi suất ngắn hạn chỉ từ 4,5% đối với tín dụng sản xuất, kinh doanh), vì thế khách hàng lựa chọn gói vay thông thường hơn.

Khách hàng của BIDV đang ưu tiên lựa chọn các gói tín dụng thông thường thay vì gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản.

Các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn như: Sacombank, MB Bank, OCB, ACB, SHB... cũng đang “chờ” khách hàng tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ lãi suất lâm, thủy sản. Theo phản ánh, thời gian qua, các "nhà băng" này đã truyền thông chính sách để khách hàng nắm bắt và tiếp cận song vẫn chưa phát sinh dư nợ đối với chương trình này.

Về phía khách hàng, các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đều cho rằng, lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện nay đã thấp hơn trước thời điểm diễn ra đại dịch COVID-19, trong khi đó, gói tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản có điều kiện chặt chẽ nên khách hàng hơi... ngại.

HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân) chuyên nuôi tôm thương phẩm quy mô lớn. Vụ tôm - xuân hè năm 2024, đơn vị đã thả nuôi tôm giống tại 12 hồ, quy mô mỗi hồ 35 vạn con. Theo kế hoạch, HTX sẽ tiếp tục “phủ giống” tại 20 hồ nuôi với tổng kinh phí giống khoảng 1,6 tỷ đồng.

Ông Hồ Quang Dũng - Giám đốc HTX cho hay: "Nuôi tôm thương phẩm quy mô lớn, HTX thường xuyên vay vốn ngân hàng với hạn mức hàng chục tỷ đồng. Được biết Nhà nước đang triển khai chương trình tín dụng lâm, thủy sản, song đơn vị chưa có nhu cầu tiếp cận do lãi suất của các chương trình tín dụng thông thường hiện cũng đã khá hấp dẫn. Hơn nữa, chúng tôi cũng khó đáp ứng được một số yêu cầu mà chương trình tín dụng lâm, thủy sản đặt ra".

MB Bank Hà Tĩnh là 1 trong những ngân hàng đăng ký tham gia chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất lâm, thủy sản.

Theo phản ánh, một trong những đặc thù của Hà Tĩnh là các vùng nuôi trồng thủy hải sản, hoạt động lâm sản thường nhỏ lẻ và chưa có nhiều mô hình mang tính tập trung, quy mô lớn. Bởi vậy, việc tiếp cận đối với chương trình tín dụng lâm, thủy sản thời gian qua trên địa bàn còn hạn chế và chưa sôi động bằng các tỉnh, thành khác.

Theo NHNN tỉnh Hà Tĩnh, thời gian tới, ngành chủ quản sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông, nắm bắt nhu cầu vay vốn và giải ngân kịp thời với khách hàng có nguyện vọng và đủ điều kiện. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu của ngành ngân hàng trong việc đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và duy trì hoạt động SXKD, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo của NHNN thì các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đảm bảo trợ lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đến nay, dư nợ toàn hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh ước đạt 96.425 tỷ đồng.

Trường Phúc

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/sau-8-thang-trien-khai-ha-tinh-chua-phat-sinh-du-no-tin-dung-lam-thuy-san-post263780.html