Tín dụng ì ạch, nên giữ hay bỏ room?

Tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm, nhiều ý kiến đặt lại vấn đề cần bỏ hạn mức (room) tín dụng. Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có ý định thay đổi cơ chế điều hành room tín dụng hiện nay.

Năm 2022, Quốc hội lần đầu tiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về room tín dụng, yêu cầu tiến tới bỏ room tín dụng. Năm 2023, cơ chế này vẫn được áp dụng dù các ngân hàng dư thừa room.

Tăng trưởng tín dụng của loạt “ông lớn” kém khả quan

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Thống đốc cho hay, năm 2023, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Đến nay, NHNN đã cấp 2 đợt room tín dụng cho các ngân hàng vào tháng 2/2023 và tháng 7/2023. Tuy nhiên, trên toàn hệ thống, theo số liệu của NHNN, tính tới giữa tháng 9, tín dụng mới tăng 5,56%, bằng một nửa tốc độ tăng tín dụng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, dư địa tăng trưởng còn rất lớn, song các ngân hàng khó giải ngân vì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.

Khi ngành ngân hàng Việt Nam dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng việc duy trì cấp room tín dụng hàng năm như hiện nay không còn cần thiết.

Khi ngành ngân hàng Việt Nam dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng việc duy trì cấp room tín dụng hàng năm như hiện nay không còn cần thiết.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, từ đầu năm đến nay, huy động vốn của ngân hàng này cao gấp 6 lần tốc độ tăng tín dụng, nhiều địa phương ghi nhận tín dụng tăng trưởng âm. Đơn cử, Hà Nội là địa bàn tập trung rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty lớn, song tăng trưởng tín dụng tính tới cuối tháng 8/2023 âm 2,2%. Riêng tín dụng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm mạnh 19,1%; cho vay bất động sản cũng giảm mạnh, cho vay với cá nhân mua bất động sản tại Hà Nội giảm tới 15%.

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho hay, tính tới cuối tháng 8/2023, tín dụng của Ngân hàng mới tăng 5,72% dù chỉ tiêu cả năm lên tới 14%. Dư địa room tín dụng còn rất lớn, nhưng việc tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh cho vay hết sức khó khăn bởi cầu của doanh nghiệp rất yếu.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Agribank, tín dụng tại ngân hàng này đến ngày 31/8/2023 mới tăng 2,4% so với đầu năm.

Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng của hầu hết các "ông lớn" đang cách xa hạn mức được NHNN cấp. Cụ thể, BIDV được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 14%; Vietcombank là 9,8%, Agribank là 7,4%.

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng được NHNN duy trì từ năm 2011 đến nay. Thực tế chứng minh đây là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý kiểm soát tăng trưởng cho vay của các ngân hàng cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền… để kiểm soát lạm phát, ổn định hệ thống tài chính.

Theo lãnh đạo NHNN, trước khi sử dụng công cụ này, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất khó kiểm soát, nhiều năm tăng trên 30%/năm, kéo theo cuộc đua tăng lãi suất huy động. Từ năm 2011 tới nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm xuống khoảng 12% - 14%/năm. Dù mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều giai đoạn trước nhưng mức tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì là nhờ việc quản lý việc tăng trưởng tín dụng có chọn lọc thay vì “thả lỏng” như giai đoạn trước.

Kiểm soát rủi ro có nhất thiết phải dùng room?

Khi ngành ngân hàng Việt Nam dần tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi việc duy trì cấp room tín dụng hàng năm như hiện nay liệu có còn cần thiết? Nhiều ý kiến đề xuất bỏ “room” tín dụng, trao quyền chủ động cho ngân hàng trong quyết định cho vay và chấp nhận rủi ro.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng thời điểm hiện nay không ai quan tâm đến room tín dụng nữa, nên bây giờ không cần phải bàn đến chuyện bỏ hay không bỏ room tín dụng. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tốc độ tăng trưởng tín dụng rất thấp, trong khi ngân hàng còn rất nhiều tiền nhờ việc huy động vốn tốt; đồng thời, lãi suất cho vay tiếp tục giảm có tăng được hấp thụ vốn tín dụng của khách hàng hay không.

"Room tín dụng hình thành khi các ngân hàng chạy đua tăng tín dụng cho vay thì mới cần quản lý bằng room. Còn câu chuyện hiện nay bỏ hay giữ room tín dụng không còn ý nghĩa gì. Hiện nay, vấn đề chính là làm sao để các ngân hàng cho vay được", ông Ánh phân tích.

Theo chuyên gia này, room tín dụng là công cụ quản lý về mặt hành chính để can thiệp vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của mỗi tổ chức tín dụng và toàn hệ thống. Về mặt thị trường, nên hạn chế can thiệp bằng biện pháp hành chính, mà nên sử dụng các biện pháp về kinh tế tài chính theo thị trường.

TS. Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, cũng đánh giá việc cấp room kiểu mệnh lệnh hành chính như hiện nay không còn phù hợp.

"Thực ra ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, kinh tế năm nay khó khăn, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất kinh doanh đình trệ. Nhiều doanh nghiệp chỉ có nhu cầu vay vốn chỗ nọ để đảo nợ chỗ kia, nên rủi ro tín dụng là rất lớn. Trong bối cảnh đó, ngân hàng phải tự lo, tránh để xảy ra rủi ro cho mình. Việc NHNN can thiệp bằng công cụ hành chính áp hạn mức tín dụng cũng không có tác dụng. Vì vậy, NHNN cần sớm bỏ cơ chế trần room tín dụng", ông Trinh nói.

Trong khi đó, tại báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN vẫn chưa có ý định thay đổi cơ chế điều hành room tín dụng hiện nay.

Lý do là áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi rủi ro nợ quốc gia vẫn còn lớn đang gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Hiện nay, trong quá trình điều hành, NHNN đã và đang thực hiện kết hợp triển khai đồng bộ việc áp dụng các chỉ tiêu an toàn theo chuẩn mực quốc tế trong hoạt động của các tổ chức tín dụng với việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tổ chức tín dụng, qua đó ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, để tiến tới kiểm soát tín dụng thông qua các chỉ số an toàn, NHNN đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cao chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế; tuy nhiên, điều này cũng cần song hành với việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao vai trò và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn đáp ứng được nhu cầu vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tin-dung-i-ach-nen-giu-hay-bo-room-1095681.html