Tín dụng đen – Chiêu lừa cũ, mánh lới mới

QĐND Online - Khoảng hai tháng trở lại đây liên tục có hàng chục vụ vỡ nợ bung ra buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Những vụ việc này hầu hết xuất phát từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân với số lượng rất lớn. Điều rất ngạc nhiên là rất nhiều chủ nhân của các vụ lừa đảo và vỡ nợ đó là phụ nữ. Từ những vụ việc này, cơ quan chức năng và báo chí cảnh báo hiện trạng “tín dụng đen” đang lan rộng ở nhiều địa phương.

Ảnh minh họa/ Internet

Điển hình gần đây là hai vụ của Huỳnh Thị Huyền Như, 33 tuổi, nguyên trưởng phòng giao dịch của một chi nhánh ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Thị Thùy Hương, sinh năm 1982, nguyên phó phòng kế toán của một chi nhánh ngân hàng ở Đà Nẵng. Huỳnh Thị Huyền Như đã “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” lên đến hàng nghìn tỉ đồng của các nạn nhân là những nhà môi giới cổ phiếu chưa niêm yết OTC, nhân viên một số công ty chứng khoán, ngân hàng, giới kinh doanh bất động sản. Còn Nguyễn Thị Thùy Hương vay nợ, chiếm đoạt tài sản, vay tiền theo hình thức huy động vốn lãi suất cao. Thị vay nợ lên đến hàng chục tỷ đồng không có khả năng thanh toán rồi xù nợ. Thủ đoạn của hai “con nợ” này là lợi dụng uy tín trong chức vụ, nghề nghiệp cũng như sự quen biết trong quan hệ xã hội, làm ăn để huy động vốn bất chính.

Liên quan đến vụ việc của Bùi Thị Thu Hằng, sinh năm 1984, cô gái xinh đẹp, ưa nhìn trong vỏ bọc giả mạo “Giám đốc điều hành phát triển kinh doanh” của Prudential” ở Quảng Ninh, bằng sự khéo léo và “bản lĩnh nghề nghiệp”, Hằng đã chèo kéo khách đóng tiền vào các hợp đồng bảo hiểm đã bị hủy nhằm hưởng lãi 50% trong 3 tháng. Hàng trăm tỉ đồng của ngời dân đã đầu tư vào trước khi con nợ này bỏ trốn. Chiêu thức đó đánh vào lòng hám tiền của một bộ phận người dân thiếu cảnh giác.

Nhiều vụ việc chỉ đến khi vỡ nợ rồi người dân mới biết mình bị lừa. Vụ việc của bà Nguyễn Thị Dậu, 48 tuổi ở Phường Quang Trung, Quận Hà Đông (Hà Nội) vỡ nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nguyễn Thị Cúc, 32 tuổi ở xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên là con nợ của hàng chục người với tài sản khoảng 273 tỷ đồng. Nguyễn Thị Huế, 35 tuổi, trú tại phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, Hải Dương vay nợ trái phép cả trăm tỷ đồng không có cơ hội chi trả. Phạm Thị Chinh, sinh năm 1975 có hộ khẩu thường trú tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, vay tiền của nhiều người rồi bỏ trốn, theo ước tính ban đầu, số tiền vay nợ của thị Chinh khoảng 50 tỷ đồng…

Điểm chung của các “con nợ” là lợi dụng triệt để mối quan hệ với mọi người, kể cả người thân trong gia đình, dòng họ để tạo lòng tin và thiện cảm. Sau đó, dưới vỏ bọc hào nhoáng, họ đánh bóng tên tuổi, thể hiện năng lực tài chính của mình bằng việc mua nhà, xây nhà, thay ô tô như thay áo, cùng với đó là lối ăn chơi, làm việc hảo tâm, ra sức giúp mọi người lúc khó khăn hoạn nạn, hào phóng đến mức khó tin, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện... Khi đã có một chỗ đứng và uy tín nhất định, họ huy động vốn với lãi suất rất cao, 4,5 đến 10%/tháng, thậm chí cao hơn, tính lãi xấp xỉ 1%/ngày với số lượng càng nhiều càng tốt.

Việc đầu tư tiền vốn và tài sản kinh doanh có quy luật của nó và luôn phải tuân theo pháp luật, không phải cứ có tiền mà đầu tư một cách mù quáng, không tuân theo nguyên tắc kinh tế tài chính. Nếu cứ nhìn thấy cái lợi lớn trước mắt mà đầu tư kinh doanh, vừa vi phạm pháp luật, dễ gặp rủi ro, lại vô hình chung tiếp tay cho lừa đảo.

Trước tình hình nhức nhối nói trên, cơ qu­­an chức năng đã vào cuộc, nhưng những vụ việc nổi cộm ấy khiến dư luận hết sức sốt sắng, bức xúc về tình hình hoạt động tín dụng đen hiện nay trên toàn quốc. Rất mong chính quyền các địa phương chủ động nắm bắt, cảnh báo và có biện pháp ngăn chặn thực trạng hoạt động tín dụng đen ở địa phương mình.

Đào Đức Hanh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/11/11/11/165581/Default.aspx