Tín dụng đen 'bủa vây' công nhân, Bộ Công an có giải pháp gì?

Thượng tướng Lương Tam Quang (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết, Bộ rà soát các ngành nghề thường bị tín dụng đen lợi dụng để núp bóng và siết chặt quản lý, triệt phá, mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm trên toàn quốc.

Sáng 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân trong chương trình có chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước" tại Bắc Giang. Chương trình gặp gỡ, đối thoại sẽ có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động.

Tại buổi đối thoại, chị Trần Thị Toan (cán bộ công đoàn cơ sở) của một công ty tại tỉnh Bình Phước nêu lên thực tế đó là bản thân chị đã bị đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, bôi nhọ danh dự do công nhân công ty vướng vào tín dụng đen.

Chị Toan cho biết, sau dịch COVID-19, rất nhiều công nhân đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại rất khó tiếp cận với các khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên buộc phải tìm đến tín dụng đen. Tín dụng đen đang hoành hành gây hậu quả rất nghiêm trọng ở các tỉnh, thành phố. Từ đó, chị Toan đề nghị Chính phủ có chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để không vướng vào việc đi vay nặng lãi như tín dụng đen.

Công nhân, người lao động tham dự đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công nhân, người lao động tham dự đối thoại với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đen là vấn đề xã hội rất quan tâm, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến dẹp bỏ tín dụng đen trong đời sống xã hội. Qua kiến nghị của chị Trần Thị Toan, ông Đào Minh Tú thấy rằng rất cần chia sẻ với người lao động bị vướng vào tín dụng đen đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, rất nhiều biện pháp của các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cũng như của các địa phương đã vào cuộc tích cực. Trong thời gian qua đã dẹp bỏ được nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động tín dụng đen dưới nhiều hình thức, đã giảm nhiều câu chuyện đau lòng nhưng tín dụng đen hiện vẫn đang diễn ra tại một số địa phương.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú thấy rằng có trách nhiệm khi người dân tiếp cận tín dụng đen mà không tiếp cận được nguồn vốn chính thức. Để làm được điều đó, ngoài giải pháp đã và đang triển khai thực hiện như hoàn thiện tiếp hệ thống luật pháp để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay, không cần điều kiện phức tạp hay những thủ tục để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng có thể chỉ vài chục triệu phục vụ nhu cầu thiết yếu sinh hoạt hàng ngày như đóng tiền học cho con cái, con cái ốm đau, đóng tiền thuê nhà…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong có sự phối hợp của Liên đoàn Lao động Việt Nam để cho vay đúng đối tương, quản lý được khoản tiền vay, cho vay đúng mục đích với mức lãi suất bằng 50% lãi suất hiện nay.

Cùng trả lời về vấn đề này, Thượng tướng Lương Tam Quang (Thứ trưởng Bộ Công an) thông tin, trong 3 năm qua Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý 2.740 vụ việc với gần 5.000 đối tượng, đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân. Do đó, tình hình liên quan tín dụng đen về cơ bản không gây bức xúc ở trong công nhân và xã hội.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12 và Bộ sẽ tập trung tổ chức phòng ngừa xã hội; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen để nâng cao ý thức tự giác cho công nhân và người dân.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này. Qua đó, để phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hoạt động tín dụng đen.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//tin-dung-den-bua-vay-cong-nhan-bo-cong-an-co-giai-phap-gi-169220612151841987.htm