Tìm về con đường lúa gạo

Tìm về con đường lúa gạo nói riêng cũng như đánh thức tiềm năng của Đồng bằng sông Củu Long (ĐBSCL) nói chung là một trong những thông điệp quan trọng được kỳ vọng thông qua Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023 sẽ được tổ chức vào cuối năm 2023.

Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ riêng tỉnh Hậu Giang mà còn đối với nhiều tỉnh, thành ĐBSCL, bởi hơn 20 triệu người dân trong vùng đã và đang sống trên vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng đời sống người nông dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Câu chuyện sinh kế của người dân trong vùng vẫn là một bài toán khó, lắm gian nan. Hàng triệu người dân vùng châu thổ này vẫn đang tìm đường sinh kế ở nhiều tỉnh, thành khác. Vì thế, bức tranh kinh tế của ĐBSCL dù có khởi sắc, nhưng vẫn còn đó những gam màu sáng tối.

Thật ra, chỉ riêng đối với ngành hàng lúa gạo, trên thực tế cũng đã có nhiều sự kiện lớn được tổ chức, như: Festval lúa gạo lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào năm 2009; Festval lúa gạo lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long vào năm 2011; Festval lúa gạo lần thứ III được tổ chức tại tỉnh Long An vào năm 2018…và nhiều hội nghị quan trọng với quy mô khác nhau. Song, những kỳ vọng của người nông dân trong vùng dường như cũng chưa được thỏa mãn lắm.

Festival lúa gạo lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang vào năm 2009.

Trước thềm sự kiện liên quan đến ngành hàng lúa, gạo lần này Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023 mở ra một cơ hội để Việt Nam giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất cũng như chất lượng hạt gạo quê hương; là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp tới thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu. Sự kiện cũng tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa, gạo Việt Nam đi xa hơn nữa.

Và như vậy, đích đến của sự kiện lần này cũng mong muốn tìm về con đường lúa gạo để lựa chọn đường hướng tiếp theo. Một nét cụ thể, theo thông tin từ Ban Tổ chức Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023, khi đến với con đường lúa gạo Việt Nam, khách tham quan sẽ thấy các mô hình thể hiện quá trình phát triển trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp sơ khai đến nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0. Mỗi mô hình thể hiện những gian nhà trưng bày các công cụ, dụng cụ sản xuất lúa, mỗi mô hình còn được thể hiện “trên bến, dưới thuyền”, đây là những nét đặc trưng sông nước của người dân miền Tây Nam bộ qua các thời kỳ.

Và một điều tất nhiên, con đường lúa gạo Việt Nam không chỉ nhằm mục đích truyền thông, quảng bá cho Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023, mà đây chính là nơi đưa khách tham quan đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, ấn tượng khi từng bước trải nghiệm trên con đường chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành Nông nghiệp và lúa gạo Việt Nam.

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức, với nhiều nội dung quan trọng như: Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi; Hội nghị phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; Hội thảo tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; Hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo. Festival còn diễn ra với các hoạt động lễ hội, hội thảo, hội thi, xác lập kỷ lục… như thiết lập bản đồ lúa gạo, khu vực trưng bày triển lãm, xác lập kỷ lục Festival, xây dựng “Con đường lúa gạo”…

Nhìn từ thực tiễn mới thấy, lúa, gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo ra sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao.

Lúa, gạo ĐBSCL được kỳ vọng sẽ mở ra đường hướng mới.

Nhìn vào thực tiễn con đường lúa, gạo của Việt Nam mới thấy, nếu như vào trước năm 1986, Việt Nam phải nhập khẩu gạo do sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa. Năm 1986, với những chính sách đổi mới về phát triển kinh tế đất nước nói chung, trong đó có triển khai những chính sách quan trọng phát triển nông nghiệp nên sản xuất lúa, gạo của Việt Nam phát triển nhanh chóng, tăng cả về sản lượng và năng suất. Đến năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo và chuyển sang xuất khẩu.

Trải qua hơn 30 năm tham gia xuất khẩu gạo, đến nay, gạo Việt Nam có mặt ở hơn 150 nước, vùng lãnh thổ. Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng dần qua các năm, nếu như năm 2000 Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 3,4 triệu tấn đến năm 2009 đã đạt gần gấp đôi và cứ thế vẫn giữ vững vị thế là một trong những quốc gia có lượng gạo xuất khẩu lớn của thế giới.

Theo dự báo, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt khoảng 4,2 - 4,5 tỷ USD, một trong những kỷ lục về xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua. Điều này một phần xuất phát từ thực tế đã có nhiều đơn vị, thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Thế nhưng, thực tế cũng chỉ ra rằng, dù lượng gạo xuất khẩu hằng năm khá lớn nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, dù đã được tính đến nhiều năm, nhưng vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, đời sống người làm ra hạt gạo cũng còn lắm bấp bênh. Điều này chắc chắn cũng sẽ được bàn thảo kỹ tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023 tới đây.

TA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/tim-ve-con-duong-lua-gao-995684/