Tìm thấy nước trên bề mặt tiểu hành tinh từ không gian

Đây là lần đầu tiên, các phân tử nước được tìm thấy trong không gian.

Sau khi phân tích dữ liệu từ Đài quan sát thiên văn hồng ngoại tầng bình lưu đã ngừng hoạt động, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Đức (DLR) đã phát hiện Iris (đường kính 199km) và Massalia (đường kính 135km) - 2 trong số 4 tiểu hành tinh giàu silicat (một vật liệu bao gồm silicon và oxy cùng với các phân tử khác) có sự hiện diện của các phân tử nước trên bề mặt.

Mặc dù các phân tử nước trước đây đã được phát hiện trong các mẫu tiểu hành tinh được đưa về Trái đất nhưng đây là lần đầu tiên, các phân tử nước được tìm thấy trong không gian.

Kết quả này được công bố trên tờ The Planetary Science. Theo nhà khoa học Anicia Arredondo, thuộc Viện Nghiên cứu Tây Nam ở San Antonio, lượng nước được tìm thấy trong 2 tiểu hành tinh lần này phù hợp với lượng nước tìm thấy trên Mặt trăng và cho thấy nước có thể liên kết với khoáng chất hoặc các vật liệu khác. Việc phát hiện ra các phân tử nước trên các tiểu hành tinh có thể giúp các nhà khoa học tìm kiếm thông tin về cách nước được phân bổ trong hệ Mặt trời cũng như sự phân bố các vật chất trong không gian.

KHÁNH HƯNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-thay-nuoc-tren-be-mat-tieu-hanh-tinh-tu-khong-gian-post726899.html