Tìm thấy loài cầy mới ở Madagascar

Một loài cầy mới, có tên khoa học là Salanoia durrelli thuộc chi cầy Salanoia đã được xác định bởi các nhà nghiên cứu công tác tại Quỹ Ủy thác Bảo tồn Động vật hoang dã Durrell, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở thủ đô London (Anh), Chương trình Di sản thiên nhiên ở bang New Jersey (Mỹ) và Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI).

Loài cầy mới có kích thước cơ thể tương đương một con mèo, chỉ cân nặng hơn 500g và thuộc một nhóm động vật ăn thịt mà chỉ được tìm thấy ở Madagascar. Nó đang sống trong vùng đầm lầy Alaotra, phía đông quốc đảo Madagascar. Nó có thể sẽ trở thành một trong những động vật ăn thịt bị đe dọa nhất trên thế giới. Hành trình tìm kiếm cầy Salanoia durrelli Theo CI, một loài động vật ăn thịt lần đầu tiên được nhìn thấy bơi lội trong hồ Alaotra bởi các nhà nghiên cứu từ Quỹ Ủy thác Bảo tồn Động vật hoang dã Durrell trong một chuyến khảo sát thực địa loài vượn cáo ăn tre Hapalemur griseus alaotrensis vào năm 2004. Sau một thời gian ngắn quan sát động vật, họ nghi ngờ đó là một loài mới và ngay lập tức chụp ảnh nó. Bằng cách so sánh nó với mẫu loài cầy đuôi nâu Salanoia concolor được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London, họ xác định đây là một loài cầy mới. Các nhà khoa học cho biết cầy đuôi nâu là loài có họ hàng gần nhất với loài mới, được đặt tên khoa học là Salanoia durrelli để tưởng nhớ nhà bảo tồn học, đồng thời là nhà văn Gerald Durrell đã mất cách đây 15 năm. Fidimalala Bruno Ralainasolo - người đầu tiên bắt được và nghiên cứu loài cầy mới, đồng thời là nhà bảo tồn sinh vật học làm việc tại Quỹ Ủy thác Bảo tồn Động vật hoang dã Durrell, nhận xét: “Đã có quãng thời gian chúng tôi biết được cầy Salanoia durrelli ẩn náu trong hồ Alaotra, nhưng chúng tôi luôn giả định nó là loài cầy đuôi nâu Salanoia concolor mà cũng được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới phía đông Madagascar”. "Tuy nhiên sự khác biệt ở hộp sọ, răng và bàn chân đã chỉ ra rằng đây là một loài cầy khác hoàn toàn với sự thích nghi sự sống ở môi trường nước. Đây là một phát hiện rất thú vị và chúng tôi quyết định vinh danh người sáng lập Quỹ Ủy thác Bảo tồn Động vật hoang dã Durrell - nhà bảo tồn nổi tiếng thế giới Gerald Durrell - bằng cách đặt tên ông cho loài cầy mới”, anh Ralainasolo nói. Mối đe dọa tới cầy Salanoia durrelli và kế hoạch bảo tồn nó Tương lai của loài cầy Salanoia durrelli không mấy sáng sủa do khu vực đầm lầy Alaotra bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự mở rộng nông nghiệp, cháy rừng và sự xâm lấn từ nơi khác đến của các loài thực vật và cá lóc đen. Đầm lầy Alaotra là một địa điểm rất quan trọng cho động vật hoang dã sinh sống và nguồn tài nguyên khu vực này cũng cung cấp cho kế sinh nhai cho con người. Quỹ Ủy thác Bảo tồn Động vật hoang dã Durrell hiện đang làm việc chặt chẽ với cộng đồng địa phương để đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên bền vững và đặc biệt là bảo tồn loài cầy Salanoia durrelli và các động vật quan trọng khác của vùng. Chính những nguyên nhân đe dọa tới loài cầy Salanoia durrelli cũng đã dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài đặc hữu của khu vực, điển hình là loài chim lặn Alaotra Tachybaptus rufolavatus mà con người nhìn thấy nó lần cuối cùng là vào năm 1985. Nhà khoa học Stephan M Funk công tác tại Chương trình Di sản thiên nhiên ở New Jersey, Mỹ - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết đây là lần đầu tiên một loài động vật có vú ăn thịt mới - cầy Salanoia durrelli - được khám phá ở Madagascar trong 24 năm qua. Tuy nhiên, ông Funk cho biết: “Di truyền học quần thể và tiến hóa của loài cầy Salanoia durrelli và họ hàng của nó vẫn chưa được hiểu biết nhiều, do đó càng làm nổi bật tầm quan trọng cho các nghiên cứu trong tương lai. Việc quan trọng nhất cần làm trước mắt là bảo vệ vùng đầm lầy Alaotra”. Đ.T.V. (Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/khoahoc/201010/Tim-thay-loai-cay-moi-o-Madagascar-942614/