Tìm thấy hạnh phúc trong mỗi công việc

Không phân biệt làm việc bằng khối óc hay lao động tay chân, chỉ cần sống và làm việc theo đúng pháp luật thì công việc nào cũng đáng trân trọng. Ở từng công việc, mỗi người sẽ cảm nhận những niềm vui và hạnh phúc khác nhau.

Hạnh phúc bình dị

Theo nhiều người tâm sự, phải từng chăm sóc trẻ nhỏ mới hiểu được hết những khó khăn, vất vả của giáo viên mầm non (GVMN). 13 năm công tác trong ngành, cô Phạm Thị Duyên Mai - GV Trường Mẫu giáo Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An, cho biết, công việc của GVMN thực tế không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiệm vụ chính của cô Mai là cho trẻ tập thể dục, ăn uống, dạy học, dỗ bé ngủ, tổ chức các trò chơi, tập văn nghệ,...

Đối với các trẻ mầm non thì GV phải nuôi dưỡng, chăm sóc, sau đó mới giáo dục. Hầu hết các bé đều còn nhỏ và lần đầu đi học nên có nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” phát sinh. Trong quá trình công tác, bản thân GV sẽ dần tích lũy kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề xảy ra.

Giáo viên mầm non phải nắm bắt được tâm lý của từng trẻ

Theo cô Mai, GV phải hiểu được tâm lý của từng trẻ bởi nhiều em hiếu động. Đối với những trường hợp “đặc biệt”, GV cần thường xuyên gần gũi, trò chuyện, quan tâm các em.

Chia sẻ về niềm hạnh phúc của công việc, cô Mai tâm sự: “Còn gì vui hơn khi được chứng kiến sự thay đổi của các em từng ngày. So với ngày đầu đến lớp thì các em đã không còn khóc đòi cha mẹ và ngoan hơn. Đặc biệt, các em đã biết tự làm một số việc mà không cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của người lớn. Ngoài ra, sự phản hồi tích cực từ phụ huynh cũng là niềm động viên, an ủi rất lớn để tôi gắn bó với công việc này nhiều năm qua”.

Hơn 20 năm gắn bó với ngành Y, chị Trần Thị Cẩm Hồng (TP.HCM) từng công tác tại nhiều cơ sở y tế. Chị tâm sự, dù ở bất kỳ cương vị hay đơn vị nào thì niềm hạnh phúc lớn nhất của chị chính là nhìn thấy bệnh nhân (BN) phục hồi sức khỏe và luôn lạc quan trong cuộc sống.

Hiện chị là Phó Trưởng khoa Dược, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nam Sài Gòn, TP.HCM. Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị "căng mình" cùng mọi người chống dịch, cố gắng giành lại sự sống, sức khỏe cho BN.

Vợ chồng chị Trần Thị Cẩm Hồng có hơn 20 năm công tác trong ngành Y

Chúng tôi biết đến chị Hồng khi tham gia chương trình khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người từng nhiễm Covid-19 tại huyện Đức Hòa. Dáng người nhỏ nhắn, trong chiếc áo blouse trắng, chị tích cực hỗ trợ đồng nghiệp, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.

Chồng chị Hồng là bác sĩ Lâm Tha, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, TP.HCM. Anh cũng cùng chị tham gia chương trình khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Được biết, anh đã có hơn 20 năm công tác trong ngành Y và từng nhiều lần tham gia khám bệnh miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Bác sĩ Lâm Tha bộc bạch, ở nhiều địa phương, vì hoàn cảnh gia đình nên người dân ít có cơ hội tiếp cận với y tế hiện đại. Hoạt động khám bệnh nội khoa tổng quát, tư vấn sức khỏe cho người đã từng nhiễm Covid-19 giúp người dân giải tỏa những lo lắng về tinh thần, giúp mọi người hiểu sâu hơn về các bệnh của bản thân. Sau chương trình, người dân có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn điều trị sớm và kịp thời.

Có thể thấy, tận tâm, nhiệt huyết, luôn cống hiến trong công việc với mong ước mang lại sức khỏe, nụ cười cho BN là tôn chỉ chung của những người công tác trong ngành Y.

Mang nụ cười đến với khách hàng

Nhiều năm làm trong ngành trang điểm, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) từng trang điểm cho cô dâu, khách tiệc, học sinh chụp kỷ yếu, nhân vật trong các đoàn phim,... Không chỉ là mưu sinh, trang điểm còn là đam mê của chị Ngọc. Theo chị, mỗi đối tượng khách hàng đều có cách trang điểm khác nhau. Nhiệm vụ chính của người thợ khi trang điểm cô dâu, khách tiệc và học sinh là biến một người có gương mặt bình thường, thậm chí nhiều khuyết điểm trở nên thu hút, xinh đẹp hơn. Song, đối với đoàn phim thì người thợ phải lột tả được phần nào tính cách của từng nhân vật từ tiểu thư, giang hồ, đến người dân nghèo,...

Trang điểm là công việc khá vất vả như "làm dâu trăm họ" (Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc trang điểm cho nhân vật trong đoàn phim)

Chị Ngọc cho biết: "Trang điểm là công việc khá vất vả, được ví như “làm dâu trăm họ”. Người thợ phải nắm bắt, cập nhật được nhiều xu hướng trang điểm mới. Lưu ý, không phải yêu cầu nào của khách mình cũng thực hiện. Bản thân cần biết tư vấn phong cách trang điểm phù hợp với trang phục và gương mặt khách hàng. Ngoài ra, các loại mỹ phẩm đều được tôi dùng thử trước khi trang điểm cho khách, loại nào chất lượng thì sử dụng".

Có dịp trò chuyện cùng chị Ngọc giúp chúng tôi phần nào hiểu được sự vất vả của nghề. Việc rời nhà từ sáng sớm và trở về khi trời tối đã trở nên quen thuộc với những người làm nghề trang điểm. Tuy nhiên, mỗi khi phục vụ một khách hàng và nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của họ thì chị lập tức quên đi bao mệt nhọc.

Hạnh phúc không phải điều gì quá to lớn, xa vời, chỉ cần chúng ta bằng lòng, mãn nguyện với công việc thì đã tìm được niềm hạnh phúc./.

Nguyễn Dung

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tim-thay-hanh-phuc-trong-moi-cong-viec-a132815.html