Tìm sự thống nhất trong đa dạng

Hệ thống chùa, tháp, tự viện… với kết cấu kiến trúc phong phú, đa dạng và chứa đựng nét đẹp độc đáo. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã và đang có những ảnh hưởng đến hệ thống di sản kiến trúc này.

Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Lê Phú.

Chùa trong kiến trúc Phật giáo không chỉ là nơi truyền thừa tư tưởng, thực hành các nghi lễ, sinh hoạt Phật giáo của giới tăng ni, phật tử mà còn có sứ mệnh như là một công trình văn hóa đối với cộng đồng dân cư tại nơi ngôi chùa tọa lạc. Các ngôi chùa được xây dựng trên khắp các vùng, miền trên cả nước. Phần lớn do người dân và cộng đồng phật tử xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tu tập, đồng thời phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm xã hội của vùng, miền.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu tôn giáo, tại hơn 130 ngôi chùa ở 3 miền Bắc, Trung, Nam đã nhận diện khái quát đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Từng không gian, bộ phận, kiến trúc, trang trí trong các ngôi chùa, tháp… trở thành kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.

Chùa Thiên Mụ (Huế).

Ở Hà Nội có Chùa Một Cột, kiến trúc rất độc đáo với tòa đài dựng trên một cột đá giữa cái hồ vuông. Chùa hình vuông, mái cong dựng trên cột đá hình trụ. Tầng trên là hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn vững chãi đỡ cho ngôi đài dựng bên trên như một đóa hoa sen vươn thẳng lên khu hồ.

Hay như Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh xây từ thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278), khi hòa thượng Huyền Quang đến tu. Ông cho xây ngọn tháp cao chín tầng, trang trí hình hoa sen. Nghệ thuật trang trí theo phong cách đời Lý - Trần. Các bức trang trí chạm nổi trên đá ở cầu đá, ở lan can thượng điện. Chùa là danh thắng từ lâu đã được xếp hạng...

Tuy nhiên, theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, qua 3 đợt khảo sát ở miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông và Tây Nam bộ với hàng trăm ngôi chùa của tất cả các hệ phái, đã cho thấy thực trạng kiến trúc Phật giáo còn nhiều vấn đề. Thượng tọa Thích Thọ Lạc dẫn chứng, nhiều ngôi chùa trải qua thời gian đã tu bổ, tôn tạo nhiều lần, dần mất đi “tính truyền thống” vốn có, trừ những ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, trong mấy thập kỷ gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng thì kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng đang dần thay đổi. Trong đó, nhiều ngôi chùa được xây mới chưa tuân thủ những nguyên tắc xây dựng, chưa có tư vấn thiết kế đầy đủ… đã vô tình làm giảm tư tưởng, triết lý Phật giáo trong kiến trúc. Mặt khác, mặc dù có nhiều ngôi chùa được xây dựng mới đã mang đặc trưng truyền thống, vùng miền… “Song, chúng ta vẫn thấy có nhiều trường phái kiến trúc Phật giáo trong một ngôi chùa Việt” - Thượng tọa Thích Thọ Lạc bày tỏ.

Thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu tu tập, tín ngưỡng ngày càng cao của tín đồ phật tử, việc trùng tu, mở rộng hoặc xây mới chùa hiện nay đều xuất phát “từ tâm, từ đức”, nhưng việc tu bổ vẫn đang vướng phải nhiều bất cập. Đơn cử những vi phạm trong công tác tu bổ, tôn tạo chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã bị thanh tra Bộ VHTTDL “tuýt còi”…

Chùa Dơi (Sóc Trăng). Ảnh: Lâm Chí Định.

Nhìn nhận về thực trạng này, PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng, giai đoạn hiện nay là giai đoạn có nhiều nhất các công trình kiến trúc Phật giáo. Tuy nhiên, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng tồn tại những bất cập, hạn chế, cần có sự đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện để đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục cũng như bảo tồn giá trị kiến trúc Phật giáo trong thời gian tới. Có khá nhiều ngôi chùa, vì nhu cầu nên đã xây dựng những hạng mục như nhà tăng, nhà khách, văn phòng… bên cạnh những hạng mục cổ (chính điện), những hạng mục xây dựng mới không hài hòa, xung đột, lấn át công trình cũ, khiến cho tổng thể kiến trúc bị phá vỡ, bị mất đi giá trị di sản, mất đi giá trị truyền thống. Chẳng hạn, có những công trình xây nhà tăng, nhà khách cao tầng bằng bê tông, cốt thép bên cạnh chính điện được xây dựng bằng gỗ, kiến trúc truyền thống. Có khá nhiều ngôi tự viện dựng các nhà khung sắt, mái tôn để làm nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động… khiến cho tổng thể kiến trúc ngôi tự viện mất đi giá trị (khung sắt - mái tôn xung đột, phá vỡ kiến trúc chùa cổ, bằng gỗ…).

Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, các chùa du lịch: một số ngôi chùa đã xây thêm các công trình, hạng mục chưa thật sự phù hợp với những hạng mục đã có trước đó, khiến cho sự hài hòa về mặt kiến trúc bị phá vỡ.

Ông Tuấn cũng cho biết, có những ngôi chùa xây mới bên cạnh ngôi chùa cổ (do chùa cổ vẫn giữ lại), tuy nhiên chùa cổ không đáp ứng được nhu cầu, công năng sử dụng, nên công trình mới được xây dựng bên cạnh công trình cũ, lấn át hoàn toàn các ngôi chùa cũ.

Cùng với việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam là việc phải xây dựng những giá trị định hướng, cốt lõi của kiến trúc Phật giáo Việt Nam phát triển, hiện đại.

Có thể nói, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay phải trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các giá trị có ý nghĩa định hướng cho phát triển bền vững; chỉ bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp, phù hợp, đồng thời và song hành là loại bỏ những yếu tố không đúng, lệch chuẩn, không tạo nên giá trị văn hóa, thậm chí là làm giảm giá trị vốn có của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-su-thong-nhat-trong-da-dang-5716261.html