Tìm phương án chữa trị cho 3 thuyền viên tàu chở than bị mắc Covid - 19

BTO- Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh về việc hỗ trợ thực hiện công tác kiểm soát Covid-19 đối với tàu MV. FAREAST HONESTY cấp than cho NMNĐ Vĩnh Tân 4.

Tàu FAREAST HONESTY đang neo đậu tại khu vực biển Vĩnh Tân.

Trước đó, vào ngày 14/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn gửi các ngành liên quan về việc dừng nhập cảnh tàu FAREAST HONESTY do thuyền viên dương tính với SARS-Cov-2. Tàu FAREAST HONESTY cập cảng Vĩnh Tân 4 lúc 10giờ ngày 12/7.

Khi thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi tàu vào cảng dỡ hàng và đến 8 giờ ngày 13/7 kết quả xét nghiệm cho thấy có 3 thuyền viên trong số 21 thuyền viên của tàu có kết quả dương tính với SARS-Cov-2.

Căn cứ vào Nghị định số 77/2017 quy định về quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu, cảng, để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 không để lây lan vào đất liền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị không tiếp nhận tàu FAREAST HONESTY cập cảng bốc dỡ hàng hóa và đề nghị quay đầu lại nơi xuất phát hoặc về nước sở tại để điều trị.

Ngày 16/7, Văn phòng đại diện Công ty SUEK AG tại Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND và Sở Y tế tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc tàu FAREAST HONESTY có thủy thủ nhiễm Covid-19. Theo SUEK AG, họ là chủ hàng của lô hàng được vận chuyển bởi tàu FAREAST HONESTY cung cấp than từ Indonesia về cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (NMNĐ). Công ty cho rằng theo yêu cầu của CDC Bình Thuận hiện đang làm phát sinh rất nhiều khó khăn và tổn thất cho các bên liên quan. Về phía người mua - Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hiện đang thiếu hụt nguồn than để đảm bảo cho nhu cầu sản xuất điện trong tình hình hiện tại là mùa cao điểm của nhu cầu sử dụng điện. Công ty SUEK AG, đã làm việc với chủ tàu và các bên liên quan về phương án đưa tàu đến nước thứ 3 để xử lý y tế như gợi ý của CDC Bình Thuận nhưng trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp tại tất cả các nước trên thế giới trong đó có Indonesia, việc yêu cầu tàu quay trở lại nước sở tại hoặc đến nước thứ 3 khi trên tàu có ca nhiễm Covid-19 là không phù hợp với tình hình hiện tại.

Theo tính toán của Công ty SUEK AG, nếu tàu hàng phải quay về nước thứ 3 đổi thuyền viên thì ước tính chi phí đi lại sẽ vào khoảng 1,65 triệu USD chưa kể các chi phí phát sinh có liên quan. Tổng thiệt hại ước tính trên 2 triệu USD trong khi NMNĐ Vĩnh Tân 4 một tháng cần tiếp nhận khoảng 600.000 tấn than tương đương 10 chuyến tàu.

Để hạn chế tổn thất cho các bên liên quan, Công ty SUEK AG đề nghị phương án: Lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các thuyền viên có mặt trên tàu FAREAST HONESTY đang neo đậu tại khu neo Bình Thuận để xác định chính xác số thuyền viên nhiễm Covid-19; cách ly toàn bộ những người đã nhiễm virus ra địa điểm được chỉ định bởi CDC Bình Thuận. Xét nghiệm lại 3 lần đối với những thuyền viên còn lại; phun khử trùng toàn bộ tàu; cho phép tàu vào cảng dỡ hàng nếu không phát hiện trường hợp dương tính.

Việc triển khai dỡ hàng hóa trên tàu phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế Việt Nam. Trong trường hợp toàn bộ thuyền viên trên tàu nhiễm Covid-19, đề xuất đưa toàn bộ những người này đi cách ly sau đó phun khử trùng toàn tàu và chủ tàu sẽ thuê một đội thuyền viên mới tại Việt Nam để đảm nhận việc dỡ hàng. Toàn bộ chi phí xét nghiệm và tất cả các chi phí liên quan đến hướng xử lý trên sẽ do Công ty Suek AG phối hợp cùng chủ tàu để chi trả…

Nguyễn Luân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tim-phuong-an-chua-tri-cho-3-thuyen-vien-tau-cho-than-bi-mac-covid-19-139499.html