Tìm nguyên nhân khiến tôm hùm nuôi ở vịnh Vân Phong chết hàng loạt

Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tình trạng tôm hùm thả nuôi trong lồng bè ở vịnh Vân Phong, phía Bắc tỉnh Khánh Hòa bị chết hàng loạt đã phát sinh trong thời gian gần đây. Các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương vào cuộc phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra, xác định nguyên nhân và triển khai các biện pháp cấp thiết.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh Khánh Hòa ngày 12/4 cho biết, trong thời gian gần đây tình trạng tôm hùm thả nuôi trong lồng bè trên vùng biển ở vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh bị chết với số lượng lớn. Cơ quan này đang phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, thu thập thông tin, tiến hành điều tra dịch tễ trong vùng nuôi tôm hùm để xác đinh nguyên nhân.

Theo UBND huyện Vạn Ninh, vùng biển phía Bắc vịnh biển Vân Phong có khoảng 35.000 lồng tôm hùm của người dân địa phương thả nuôi, trong đó ở xã Vạn Thạnh có khoảng 10.000 lồng, xã Vạn Hưng có hơn 4.200 lồng, mật độ thả nuôi mỗi lồng 200-300 con tôm hùm, nguồn tôm giống mua từ TP Cam Ranh (Khánh Hòa) còn thức ăn tươi cho tôm hùm là cua, cá, ghẹ, hàu mua từ nhiều nguồn.

Tại vùng biển thôn Hà Già, xã Vạn Hưng, hều hết tôm hùm thả nuôi hơn 5 tháng, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 150-200g. Thế nhưng, hàng loạt tôm hùm phát sinh triệu chứng giảm ăn, hoạt động kém, dưới bụng có màu hồng trắng... dẫn đến chết.

Nghề nuôi tôm hùm trong lồng bè đã và đang phát triển mạnh trên vùng biển khu Nam Trung bộ. Ảnh: Hữu Toàn.

Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm, Chi cục CN&TY tỉnh Khánh Hòa phát hiện có sự xuất hiện của Vibrio spp thuộc nhóm vi khuẩn cơ hội. Tương tự, nhiều lồng tôm hùm tại vùng biển ở thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh cũng bị chết.

Bước đầu, các cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân tôm hùm bông chết hàng loạt ở huyện Vạn Ninh trong thời gian gần đây là do tiết trời nắng nóng gay gắt, trong khi đó mật độ lồng nuôi tôm khá dày, lượng oxy hòa tan thấp làm suy giảm sức để kháng của tôm.

Người dân thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên kiểm đếm tôm hùm để bán cho thương lái. Ảnh: Hữu Toàn.

Theo khuyến cáo của Chi cục CN&TY tỉnh Khánh Hòa, những người thả nuôi tôm hùm trong lồng bè cần phải thường xuyên theo dõi môi trường, đặc biệt là lượng oxy, kịp thời loại bỏ tôm chết và thức ăn thừa mỗi ngày, sục khí oxy trong lồng nuôi để cải thiện lượng oxy hòa tan, bổ sung vitamin và khoáng chất cho tôm, điều chỉnh giảm khẩu phần ăn phù hợp với tình hình thời tiết nắng nóng.

Trước tình hình tôm hùm thả nuôi trong lồng bè ở vịnh Vân Phong bị chết hàng loạt, ngày 10/4, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị UBND huyện Vạn Ninh phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III tại Nha Trang khảo sát, điều tra nguyên nhân và triển khai một số biện pháp cấp thiết để bảo vệ sự sinh tồn của đàn tôm hùm còn lại.

Theo Cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT, thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Trung bộ đến sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi tại một số tỉnh ở khu vực Nam Trung bộ trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy, nhiệt độ nước trung bình tại các điểm quan trắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 2,9 độ C; chất lượng môi trường nước tiếp tục xu hướng suy giảm, một số thông số về môi trường vượt giới hạn cho phép.

Dự báo đến hết tháng 6/2024, một số thông số về môi trường tiếp tục biến động bất lợi như: nhiệt độ nước, mật độ vi khuẩn tăng cao, lượng oxy hòa tan giảm mạnh vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Cục Thủy sản đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh khu Nam Trung bộ tăng cường một số biện pháp quản lý nuôi trồng thủy sản, chú trọng kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm hùm lồng bè; kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi tôm…

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/tim-nguyen-nhan-khien-tom-hum-nuoi-o-vinh-van-phong-chet-hang-loat-i728078/