Tìm lời giải cho đô thị văn minh (*): Hướng tới công nghệ mới

Để sớm đạt chỉ tiêu về xử lý chất thải rắn theo công nghệ mới, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, TP HCM đang nỗ lực triển khai xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho biết trên cơ sở quy hoạch chi tiết 1/2.000 được UBND TP HCM phê duyệt liên quan Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc, sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Triển vọng vành đai xanh

Hồ sơ liên quan Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã tới Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổ chức thẩm định. Nếu được sự đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì dự kiến trong năm 2025 sẽ có mặt bằng rồi hoàn thành công tác trồng cây xanh cách ly trong năm 2026.

Đại diện Sở TN-MT cũng chia sẻ về tình trạng quá tải tại 2 nhà máy xử lý chất thải của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại khu liên hợp trên. Theo đó, mỗi ngày thành phố có 9.800 - 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về xử lý tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Khu Liên hợp Xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Những bất cập tại 2 nhà máy của Công ty CP Vietstar (bên trái) và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (bên phải) không còn nếu những vướng mắc hiện nay được tháo gỡ

Trong năm 2023, Thanh tra Bộ TN-MT đã tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 2 công ty. Những động thái từ phía doanh nghiệp sau đó cho thấy có sự chấp hành và khắc phục hậu quả như chuyển đổi, lắp thêm dây chuyền phân loại để nâng công suất, mở rộng nhà xưởng ủ phân compost...

Triển khai đón đầu

Vấn đề người dân thành phố quan tâm là 2 dự án đốt rác phát điện tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã khởi công từ năm 2019 nhưng đến nay chưa có dấu hiệu hình thành. Đây cũng là 2 dự án được xác định góp phần sớm hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, đó là xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.

Theo đại diện Sở TN-MT, trong thời gian qua, Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã thực hiện thủ tục pháp lý dự án cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành của thành phố nhưng tiến độ triển khai chậm do nhiều vướng mắc.

Điển hình như dự án đốt rác phát điện của 2 công ty chưa được đưa vào danh mục các nguồn điện sản xuất từ rác trong kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, việc đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Vì điều này, các đơn vị đã đề xuất chuyển đổi công nghệ và nâng công suất xử lý rác nhằm bảo đảm việc đầu tư đạt hiệu quả. Trong đó, đề nghị thành phố đặt hàng tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt so với hợp đồng hiện hữu để khuyến khích việc chuyển đổi công nghệ xử lý.

Cũng theo đại diện Sở TN-MT, thành phố đã hỗ trợ 2 công ty thực hiện thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác, phấn đấu hoàn thành xây dựng nhà máy vào cuối năm 2025, đóng góp khoảng 40% (4.000/10.000 tấn/ngày) tỉ lệ xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện. "Nếu 2 công ty khẩn trương thực hiện và bảo đảm tiến độ, thành phố có thể xem xét, đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho TP HCM" - đại diện Sở TN-MT nói.

Đi vào chi tiết việc đồng hành, hỗ trợ các thủ tục thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ, theo Sở TN-MT, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp nhiều đơn vị liên quan nghiên cứu về cấp giấy phép xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, đầu tư xây dựng trước các hạng mục/công trình không liên quan đến phát điện trong khi chờ hoàn thành các hồ sơ bổ sung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Giai đoạn sau, đầu tư hoàn thiện nhà máy đốt phát điện sau khi đã hoàn tất các thủ tục về điện (bổ sung dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đấu nối phát điện...).

Kỳ vọng nhiều dự án

UBND TP HCM đang chỉ đạo các sở, ngành tham mưu việc bổ sung danh mục các dự án nguồn điện sản xuất từ rác gửi Bộ Công Thương xem xét, đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để có cơ sở cho 2 dự án này sớm hoàn thành thủ tục pháp lý. Ngoài ra, UBND TP HCM đã có các văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng về hỗ trợ giải quyết vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ của 2 công ty.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét kiến nghị của Sở TN-MT về chủ trương đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác phát điện tại bãi chôn lấp số 3 - giai đoạn 1 do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM đề xuất.

Ông Bùi Xuân Cường cũng giao nhiệm vụ cho Sở TN-MT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị đang đề xuất thực hiện xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng (Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty CP Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM) hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo đúng chỉ đạo và kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM về công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Làm tốt Quy hoạch điện VIII

Tại hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vào ngày 3-4, ông Tô Ngọc Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho hay Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII xác định cụ thể tiến độ vận hành các dự án nguồn điện quan trọng. Kế hoạch làm cơ sở triển khai và điều hành phát triển nguồn điện, gồm dự án điện khí trong nước, khí LNG, thủy điện vừa và lớn, thủy điện tích năng. Bên cạnh đó, xác định danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác) phân bổ cho các địa phương.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan. Bộ trưởng cũng khẳng định ít nhất mỗi tháng 1 lần, Bộ Công Thương giao ban với các địa phương để giải quyết vướng mắc trong thực hiện kế hoạch.

Yêu cầu tiên quyết

Ngay sau khi loạt bài khởi đăng, gửi ý kiến về Báo Người Lao Động, nhiều độc giả thống nhất rằng không ô nhiễm là yêu cầu tiên quyết của đô thị văn minh với chất lượng sống tốt.

Trong đó, bạn đọc Hằng Hoàng đánh giá các bãi rác quá tải và công nghệ xử lý rác chưa tương thích là điểm trừ trong nỗ lực ứng dụng kỹ thuật hiện đại. Ví von "núi rác" không sai nhưng cần thêm 5 chữ "cản trở sự phát triển" sẽ đúng hơn.

Hình ảnh nhếch nhác, ô nhiễm của con kênh cho thấy lượng rác đổ về quá nhiều trong khi năng lực xử lý rác của các nhà máy có hạn

Tài khoản khongxinhkhongkieuchicananhyeu@... nhận xét việc những nhà máy xử lý chất thải được kỳ vọng nhưng phải "đắp chiếu" nhiều năm không chỉ là sự lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian mà còn khiến tinh thần hào hứng của doanh nghiệp cũng như người dân bị ảnh hưởng đáng kể.

"Thành phố đã quyết định phê duyệt Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030. Tuy nhiên, sẽ chỉ là một cánh én, khó làm nổi mùa xuân nếu không có sự đồng hành từ nhiều phía, đặc biệt là nỗ lực gỡ vướng liên quan đến pháp lý các nhà máy xử lý rác từ phía trung ương" - bạn đọc Dũng Minh bình luận...

Anh Tuấn

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-4

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tim-loi-giai-cho-do-thi-van-minh-huong-toi-cong-nghe-moi-196240410210040979.htm