Tìm lời giải cho bài toán phát triển công nghiệp hỗ trợ

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đòi hỏi cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp các nguồn lực, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành Luật CNHT tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao mức độ tự chủ sản xuất

Yếu về năng lực

Thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), hiện tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5% - 20%; điện tử 5% - 10%; da giầy, dệt may 30%; cơ khí chế tạo 15%- 20%. Khảo sát của Tổng cục Thống kê chỉ ra, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường).

Sản xuất máy biến áp tại Công ty CP Thiết bị điện MBT. Ảnh: Hoài Nam

Theo Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài, về trình độ công nghệ, trên 30% doanh nghiệp vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hóa, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. “Việc tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT thấp dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô lên đến 35 - 50 tỷ USD”-ông Hoài thông tin.

Lý giải nguyên nhân khiến ngành CNHT Việt Nam "chậm lớn", Chủ tịch HĐQT Công ty CP thiết bị điện MBT Trần Văn Nam chia sẻ, doanh nghiệp chuyên cung ứng các loại máy biến áp, tủ điện trung thế… cho ngành điện lực nhưng khi muốn phát triển sản xuất kinh doanh lại gặp khó khăn trong việc tiệm cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022. Ảnh: Hoài Nam

“Hiện, hầu hết nguyên liệu CNHT nhập khẩu, trong khi doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 7,5 - 8,5%/năm, còn nhiều nước trên thế giới chỉ 1%, cao lắm khoảng 4 - 5%/năm. Việc vay vốn lãi suất cao dẫn đến giá thành sản xuất cao hơn ít nhất 20% so với giá hàng ngoại nhập, nên khó kết nối tiêu thụ sản phẩm”- ông Trần Văn Nam nói.

Chờ chính sách

Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành CNHT phát triển đòi hỏi nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, quan trọng nhất là sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, tránh tình trạng “nhà nhà” phát triển CNHT, hạn chế tối đa lãng phí nguồn lực và cạnh tranh không cần thiết,

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Hàn - Quốc Tập đoàn N&G (Việt Nam) và Tập đoàn SEIN I&D (Hàn Quốc) ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam- Hàn Quốc cho các dự án sản xuất microchip tại KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Việc ký kết xây dựng Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Hàn Quốc đạt chuẩn quốc tế sẽ thu hút các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.

Chủ tịch Tập đoàn N&G GROUP Nguyễn Hoàng

Để duy trì lợi thế cạnh tranh ngành CNHT, đặc biệt là cho các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long đề xuất, Chính phủ cần sớm xây dựng Luật CNHT trình Quốc hội và ban hành trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành CNHT đến năm 2030 đạt tỷ trọng 5 - 10% trên tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

“Để hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, thời gian đầu, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật đặc biệt về linh kiện, phụ tùng và vật liệu, theo đó chi hàng tỷ USD dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đây là kinh nghiệm chúng ta cần học tập”-ông Long dẫn chứng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Hoàng cho rằng, trong quá trình xây dựng, ban hành Luật CNHT, cần có những chính sách cụ thể cho ngành này. Từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Mặt khác, địa phương tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, cơ quan quản lý tăng cường kết nối doanh nghiệp CNHT tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ trao đổi kết nối sản xuất tiêu thụ tại Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022. ảnh: Hoài Nam

Để ngành CNHT Hà Nội phát triển, tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong năm 2023, TP Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT.

Trong năm 2023 TP Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp CNHT thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Đồng thời tổ chức Hội chợ chuyên ngành về CNHT qua đó thu hút doanh nghiệp CNHT quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan tham gia. Bên cạnh đó, TP Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); Nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-loi-giai-cho-bai-toan-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro.html