Tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Sơn La có gần 83.000 ha cây ăn quả các loại và cây sơn tra; sản lượng dự kiến năm nay đạt trên 391.000 tấn. Chỉ còn hơn một tháng nữa, nông dân Sơn La bước vào chính vụ thu hoạch... Đảm bảo hoạt động tiêu thụ, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai các phương án, kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Giọng nữ

Giọng nữ

Giọng nam

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VietNam Airline và HTX dâu tây Sơn Trang, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Nâng cao chất lượng các sản phẩm

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Đảm bảo năng suất, chất lượng các loại quả phục vụ tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu, ngành đã chỉ đạo tập trung cơ cấu lại giống cây trồng phù hợp với tình hình thời tiết, khí hậu từng địa phương và điều kiện canh tác của nông dân. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rải vụ, giãn vụ, thu hoạch quanh năm; mở rộng diện tích cây trồng áp dụng quy trình VietGAP, đáp ứng yêu cầu thị trường; thực hiện giám sát các doanh nghiệp, HTX ký cam kết thực hiện mã số vùng trồng, xây dựng cấp mã số vùng trồng mới.

Đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ, duy trì, phát triển 254 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 300 mã số vùng trồng, trong đó, 7 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt, 293 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường, sản lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu trên 30.000 tấn.

Huyện Mai Sơn đang chăm sóc trên 11.200 ha cây ăn quả các loại, sản lượng năm nay ước đạt 100.000 tấn. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hướng dẫn các hộ dân sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tốt. Nhất là sản xuất theo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu nông sản của huyện. Sắp xếp tái cơ cấu lại các HTX hoạt động không hiệu quả; hỗ trợ mở rộng cơ sở có nhu cầu, cấp mã số đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Còn huyện Sông Mã, vùng trọng điểm trồng nhãn của tỉnh, với 7.665 ha. Toàn huyện có 73 HTX sản xuất nông sản, trong đó, 48 HTX được cấp chứng nhận VietGAP, diện tích 808 ha; có 48 mã số vùng trồng xuất khẩu, tổng diện tích 473 ha. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Năm nay, huyện phấn đấu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc khoảng 3.000 tấn nhãn, gồm 1.000 tấn quả tươi, 2.500 tấn long nhãn. Đạt mục tiêu đó, huyện chỉ đạo các xã, HTX tăng cường quản lý mã số vùng trồng đã được cấp; rà soát, bổ sung cấp mã số vùng trồng mới; quản lý chặt quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn. Đồng thời, kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất nông sản, nhất là với sản phẩm quả, đảm bảo tiêu chuẩn nâng cấp chuỗi cung ứng nông lâm sản an toàn thành chuỗi giá trị bền vững...

Công nhân Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La vận hành dây chuyền chế biến.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Năm 2024, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị sản phẩm quả tham gia xuất khẩu đạt 34,2 triệu USD, tăng 4,43% so với năm 2023. Trong đó, 12.900 tấn xoài; 5.000 tấn nhãn; 6.000 tấn chuối; 1.700 tấn chanh leo và một số loại quả khác.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc; khảo sát, nắm tình hình sản xuất, nhu cầu quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, HTX sản xuất chế biến sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh...

Theo kế hoạch, tỉnh Sơn La dự kiến tổ chức các tuần lễ nông sản đặc trưng, an toàn tỉnh Sơn La tại các thị trường trọng điểm: Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ngoài ra, nghiên cứu lựa chọn tổ chức 1-3 tuần hàng tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng có mật độ dân số đông, khả năng liên kết tốt với các khu công nghiệp, các đơn vị thu mua, xuất khẩu. Tổ chức đoàn công tác làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp thu mua nông sản, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, nhà máy, cơ sở chế biến, điểm du lịch... để trao đổi thông tin, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Tại thị trường nước ngoài, sẽ tham gia đoàn công tác của các bộ, ngành khảo sát, mở rộng thị trường xuất khẩu tại thị trường các nước châu Á, châu Âu; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tìm kiếm đối tác, gửi hàng giới thiệu và chào hàng với các đối tác nhập khẩu tại thị trường nước ngoài.

Bà Lê Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư và Du lịch tỉnh, thông tin: Ngay từ đầu năm, Trung tâm chiêu thương, mời doanh nghiệp, HTX tham gia 12 chương trình hội chợ triển lãm do các tỉnh, thành phố tổ chức. Phối hợp UBND huyện Mai Sơn tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá và giới thiệu sản phẩm dâu tây năm 2024; tham gia trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch tại các lễ hội. Cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX quản lý sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GloabalGAP tham gia chuỗi sự kiện, đủ điều kiện đưa vào các siêu thị, xuất khẩu.

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thu mua nông sản, bà Nguyễn Thị Lương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko, Hà Nội, cho biết: Ngoài một số loại nông sản truyền thống của tỉnh Sơn La như nhãn, xoài, mận, năm nay, công ty xây dựng kế hoạch, chiến lược đưa trái dâu tây đến các siêu thị trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, sản lượng khoảng 3.000 tấn.

Còn ông Nguyễn Sỹ Thanh, Phó Trưởng Phòng Thương mại hàng hóa, VietNam Airline, thông tin: Việt Nam Airline có mạng đường bay rộng khắp, tần suất lớn. Nhất là, đường bay Hà Nội - Sài Gòn giúp nông sản kết nối thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận. Việt Nam Airline cam kết đưa chính sách thương mại tốt nhất đến các doanh nghiệp trực tiếp đang hợp tác với nông dân Sơn La trong việc tiêu thụ nông sản; cung cấp dịch vụ vận chuyển các loại hàng, trái cây đến điểm tiêu thụ đảm bảo chất lượng cao nhất, giá thành tốt nhất.

Dây chuyền chế biến dứa tại Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

Thu hút đầu tư chế biến nông sản

Đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư cho chế biến nông sản được tỉnh Sơn La xác định là hướng đi lâu dài để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Quý I/2024, Sở phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản vào đầu tư gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Tiếp tục phối hợp, tham gia ý kiến đối với các dự án chế biến nông sản, như: Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy của Công ty cổ phần sản xuất thương mại đầu tư VFI; Nhà máy đóng gói và chế biến hoa quả Solas của Công ty cổ phần Bảo Lam Sơn La; Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La...

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La, cho biết: Doveco Sơn La đã ký kết gần 50 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo sản phẩm đúng tiêu chuẩn. Năm 2024, trung tâm dự kiến thu mua 25.000 tấn quả các loại, gồm: xoài, dứa, chanh leo, chuối... đưa vào chế biến.

Nông dân xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu chăm sóc cây ăn quả.

Bên cạnh đó, tỉnh đang tập trung rà soát phương án quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chỉ đạo các ngành triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ quả và các sản phẩm từ quả gắn liền với các vùng nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, kết nối với cơ sở chế biến quả và hệ thống logistic, kênh phân phối, tiêu thụ nông sản.

Chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu trồng, chăm sóc đến hoạt động hỗ trợ kết nối, quảng bá nông sản là điều kiện để tỉnh Sơn La thực hiện thắng lợi kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2024.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/tim-kiem-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-nong-san-YdRSGEbIg.html