Tìm hướng phát triển mới cho làng nghề mộc Dư Ba

PTĐT - Làng nghề mộc Dư Ba, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là làng nghề từ năm 2005. Sản phẩm của làng chủ yếu là đồ mộc gia dụng: đồ thờ, bàn ghế, giường, tủ,…

Làng nghề mộc Dư Ba hiện tạo việc làm cho hơn 400 lao động với thu nhập bình quân 4-9 triệu đồng/người/tháng.

Sau 15 năm được công nhận là làng nghề, đến nay Dư Ba có 230 hộ làm nghề, trong đó 66 hộ có xưởng mộc, tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động với thu nhập bình quân 4-9 triệu đồng/người/tháng. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, những năm qua, các hộ làm nghề mộc ở Dư Ba đã vay vốn, đầu tư nâng cấp máy móc phục vụ sản xuất như máy cưa công suất lớn, máy xẻ, máy đục vi tính,… nhờ đó năng suất chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên. Nhiều hộ đã có thu nhập cao từ nghề mộc, có hộ sau khi trừ chi phí đã có thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/năm như hộ các ông: Đoàn Hùng Thiện, Nguyễn Khắc Bằng, Kiều Văn Công,...

Người dân Làng nghề mộc Dư Ba đưa máy móc vào hỗ trợ sản xuất để nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Đoàn Hùng Thiện, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc Thiện Lịch trong làng nghề mộc Dư Ba cho biết: “Trước đây, để tạo ra được sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian do toàn bộ các khâu sản xuất làm hoàn toàn bằng thủ công, dùng sức lao động của con người là chính, từ cưa, xẻ, đục, đẽo đến hoàn thiện sản phẩm. Nhưng nay, khoa học kỹ thuật phát triển, tôi đã nhập một số máy móc về xưởng để thay sức người như máy đục vi tính, máy bào, máy chà,… từ đó, công suất nâng lên gấp nhiều lần so với trước, thời gian làm ra sản phẩm nhanh hơn, đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”. Mỗi năm cơ sở sản xuất của ông Đoàn Hùng Thiện có doanh thu ước đạt 2,4 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường từ 120-200 sản phẩm mộc dân dụng các loại, tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động.Hiện nay, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, nhiều người có nhu cầu mua sắm đồ mộc để trang trí nhà cửa, đảm bảo tiện nghi trong cuộc sống. Với uy tín, chất lượng sản phẩm làm ra, Làng nghề mộc Dư Ba luôn là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng, do vậy số lượng sản phẩm sản xuất ra ngày càng tăng. Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất, các xưởng làm đồ mộc ở Dư Ba lại gặp phải khó khăn về quỹ đất do các xưởng đa phần đều nằm trên diện tích đất thổ cư, sản phẩm làm ra nhiều nhưng không có đủ chỗ chứa nguyên liệu, trưng bày sản phẩm. Chính thực tế này đang khiến cho quá trình sản xuất của làng nghề khó phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đồng loạt, đại trà để hạ giá thành, tăng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Nhận thấy hạn chế trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ có xưởng mộc đã mong muốn làng nghề được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện về quỹ đất hoặc quy hoạch, xây dựng một khu chuyên sản xuất đồ mộc tập trung để di dời, tách biệt hoạt động sản xuấtvới khu dân cư, không gây ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt thường nhật của các gia đình.Ông Nguyễn Danh Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc cho biết: “Nắm bắt được khó khăn mà làng nghề đang phải đối mặt UBND xã đã có kế hoạch lập quy hoạch phát triển làng nghề để tập trung các xưởng sản xuất ra ngoài khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần duy trì, đưa làng nghề phát triển bền vững”. Hiện tại, UBND xã Tuy Lộc liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho người dân vay vốn sản xuất dài hạn với lãi suất thấp, đồng thời mở rộng đường giao thông để những xe ô tô tải trọng lớn chở nguyên vật liệu có thể ra vào dễ dàng, tổ chức các lớp tập huấn an toàn lao động cho người dân làng nghề nhằm nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn thương tích trong quá trình vận hành máy móc, để làng nghề phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thu Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202105/tim-huong-phat-trien-moi-cho-lang-nghe-moc-du-ba-177116