Tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cam 'sạch' Nam Đông

Có vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng cùng khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao, dự kiến, diện tích trồng cam của Nam Đông sẽ được mở rộng trong thời gian tới.

Cam Nam Đông đạt chuẩn VietGAP

Hội nghị kết nối tiêu thụ cam Nam Đông và các sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh do Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tổ chức tại Nam Đông mục đích trở thành cầu nối để thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm nói trên.

Tại hội nghị, nội dung nhận được nhiều quan tâm là làm sao tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ cam Nam Đông trồng theo chuẩn VietGap trước những cạnh tranh gay gắt của cam (cũng trồng ở Nam Đông) bán ở thị trường bên ngoài.

Ước tính của Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông, tổng diện tích cam trên địa bàn huyện hơn 194ha; trong đó, đang cho thu hoạch khoảng 77ha với tổng sản lượng hơn 900 tấn. Trong đó, cam đạt chuẩn VietGAP có gần 50ha, sản lượng hơn 150 tấn.

Theo bà Phạm Thị Thu Trang – Giám đốc siêu thị GO! Huế, cam Nam Đông VietGAP vào siêu thị này được 2 năm. Năm đầu, sản lượng bán ra rất tốt, từ 8-10 tấn. Nhưng thời gian sau sản lượng giảm dần, dù rằng giá cả, chất lượng cam bày bán tại siêu thị không thay đổi và càng không phải do khách hàng “chán” ăn cam Nam Đông.

Tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu do khách hàng, nhất là khách hàng phổ thông chỉ cần biết cam thật sự được trồng ở Nam Đông, về các tiêu chí còn lại như size to, trồng theo chuẩn VietGAP, là sản phẩm OCOP… thì không mấy quan tâm. “Trung bình giá cam Nam Đông ở siêu thị từ 23-25 ngàn đồng/kg, trong khi bên ngoài chỉ từ 10-15 ngàn đồng/kg nên khách hàng chuyển sang mua cam bên ngoài”, bà Trang cho hay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuất – Giám đốc siêu thị Co.op mart Huế cũng cho rằng, siêu thị luôn mong muốn đồng hành cùng bà con trồng cam Nam Đông, nhưng để cam tiêu thụ mạnh ở siêu thị, ngoài chất lượng đạt chuẩn theo quy định, cần có giá tốt từ phía người trồng đưa ra, có như vậy mới cạnh tranh được với cam ngoài thị trường.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện Nam Đông có nhiều hộ trồng nhỏ lẻ, thị trường là các chợ dân sinh, hoặc bày bán ven đường nhưng vẫn đem lại thu nhập tốt khiến họ không quá quan tâm đến đầu tư thương hiệu, quảng bá, tem nhãn, chuẩn VietGAP… và khi bán, giá cũng “tùy hứng”. Chính điều này vô hình trung gây khó cho các hộ trồng cam đạt chuẩn đưa sản phẩm của mình về tiêu thụ các nơi, nhất là siêu thị, chợ đầu mối… do các đầu mối tiêu thụ lớn sợ ứ đọng, không dám nhập hoặc chỉ nhập số lượng không đáng kể.

“Một con lợn khi xẻ thịt thì hẳn nhiên có phần nạc, phần mỡ, phần ba chỉ…, đồng nghĩa có phần thịt giá đắt hơn, có phần giá rẻ hơn. Trồng cam cũng vậy, kể cả khi đầu tư, chăm bón theo đúng 100% quy trình, cây cam vẫn có trái đạt yêu cầu (chất lượng, kích cỡ siêu thị đưa ra), vẫn có trái không đạt. Khi chọn những quả đạt chuẩn đưa vào siêu thị thì tất nhiên giá phải cao hơn loại không đạt chuẩn, có vậy mới có thể “bù qua bù lại”, chứ hạ giá thì bà con sẽ lỗ”, thành viên HTX Nông nghiệp Hương Hòa nói.

Bên cạnh vẫn đang lấn cấn về giá cả, một số hộ trồng cam đề nghị phía siêu thị nên bỏ bớt một số quy định, thủ tục thừa khi nhập hàng.

Trưng bày, giới thiêụcam Nam Đông VietGAP

“Như yêu cầu về giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi trồng cam theo chuẩn VietGAP và đã được công nhận thì sản phẩm đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định, trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn nữa, đây là sản phẩm tươi, hái từ cây xuống và bán nguyên quả chứ không phải qua chế biến (như nước cam chẳng hạn) nên yêu cầu có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập cho siêu thị là hoàn toàn không cần thiết”, một hộ trồng cam nêu ý kiến.

Hay, trong số các yêu cầu của siêu thị khi nhập hàng thì người bán phải có số tài khoản và phải được ngân hàng xác minh là tài khoản chính chủ. Đây cũng là một quy định thừa, bởi chẳng ai dại mà đem tiền của mình chuyển vào tài khoản người lạ. “Còn trong trường hợp vì lý do nào đó, tôi không có, hoặc bị khóa tài khoản, tại sao tôi không thể dùng tài khoản của người thân để nhờ nhận tiền, miễn tôi có cam kết, đảm bảo chịu trách nhiệm với thông tin tôi đưa cho bên thanh toán”, một hộ trồng cam khác nói.

Ông Đặng Văn Chính - Giám đốc Sàn thương mại kinh tế hợp tác (Liên minh HTX tỉnh) cho rằng, ngoài giá cả, khó khăn trong khâu cạnh tranh, tiêu thụ của cam Nam Đông đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn có nguyên nhân là một số khách hàng chưa có điều kiện hoặc cách thức phân biệt đâu là sản phẩm bình thường, đâu là sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ. Vậy nên, cần phải áp dụng truy xuất nguồn gốc để chứng minh và tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng, từ đó tiến tới xây dựng thói quen cho phân khúc khách hàng chuộng dòng sản phẩm này.

“Với xu thế công nghệ hiện nay, ngoài sản xuất…, người làm ra sản phẩm cần phải biết kinh doanh, quảng bá sản phẩm của mình. Và khi tham gia sàn thương mại điện tử, kể cả khi chưa bán được thì sản phẩm cũng có cơ hội quảng bá, được nhiều người biết đến. Thủ tục, cách thức để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử không quá phức tạp, chúng tôi sẽ hỗ trợ nếu bà con có nhu cầu”, ông Chính cho hay.

Theo ông Phạm Tấn Son – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đông, bên cạnh khuyến khích các hộ trồng tham gia sàn thương mại điện tử, tiếp tục thương thảo với siêu thị, trước vụ cam năm 2024, huyện sẽ hỗ trợ bà con kết nối với các đầu mối bán lẻ trái cây tại Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Với hệ thống trải dài, nhiều điểm, gần khu dân cư…, giải pháp này hứa hẹn giúp các trang trại, hộ trồng cam VietGAP quy mô lớn đẩy mạnh tiêu thụ như mong muốn.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/thong-tin-thi-truong/tim-giai-phap-thuc-day-tieu-thu-cam-sach-nam-dong-135007.html