Tìm giải pháp đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội

(GD&TĐ)-Hôm nay (17.8), Hội thảo quốc gia lần thứ 2 về đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội đã diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Vụ Khoa giáo Văn phòng Chính phủ; thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội và tổ thư ký Ban chỉ đạo; đại diện các bộ ngành liên quan cùng đại diện 63 Sở Văn hóa thể thao & Du lịch; các cơ sở đào tạo về du lịch...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: gdtd.vn Quy mô đào tạo tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội Trong 2 năm qua, từ Hội thảo quốc gia lần thứ nhất về đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội (tháng 3/2008), công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội đã được đẩy mạnh thêm một bước. Công tác đào tạo mới được tăng cường; công tác đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực được chú trọng hơn; công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực du lịch được củng cố; tăng cường liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch ở trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc thi tay nghề để tôn vinh và phát hiện, đánh giá chất lượng nhân lực và đào tạo nhân lực ngành du lịch... Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh du lịch khoảng 22.000 chỉ tiêu, tăng 22% so với năm 2007, trong đó, tuyển sinh đào tạo ĐH là 3.870 sinh viên; trung cấp là 18.190 học sinh, tăng gần 30% so với năm 2007; sơ cấp nghề và đào tạo du lịch dưới 3 tháng ước khoảng 5.000 học viên. Số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 20.000. Ước có khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ du lịch và khoảng 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp du lịch tìm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Đào tạo nghề sơ cấp, ngắn hạn có xu hướng tăng. Cả nước có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm 62 trường ĐH, 80 trường CĐ (trong đó có 8 trường CĐ nghề); 117 trường trung cấp (trong đó có 12 trung cấp nghề); 2 công ty và 23 trung tâm đào tạo nghề, tăng 3,5 lần so với năm 2007. Năng lực đào tạo được nâng lên rõ rệt, cơ sở vật chất kỹ thụat được tăng cường; đội ngũ giảng viên, giáo viên, đào tạo viên phát triển; chương trình đào tạo hoàn chỉnh dần. Hiện nay, các cơ sở đào tạo về du lịch của cả nước đào tạo 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch. Từ khi thỏa thuận liên kết được ký tại Hội thảo quốc gia lần thứ nhất đến nay đã có trên 20.500 học sinh, sinh viên được tiếp nhận thực tập; 4.500 học sinh, sinh viên được kiến tập, tham quan tại các doanh nghiệp đối tác; trên 1.000 học sinh, sinh viên được nhận vào làm việc ở các doanh nghiệp đối tác... Tuy nhiên, quy mô đào tạo tuy tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đó là một trong những hạn chế được nêu ra trong Báo cáo sơ kết 2 năm rưỡi công tác đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tại Hội thảo này. Cụ thể, tuyển sinh hàng năm ở các bậc đào tạo mới đáp ứng được hơn 65% nhu cầu đào tạo du lịch của xã hội (loại trừ nhu cầu ảo), khoảng 75% nhu cầu lao động trực tiếp của ngành. Các doanh nghiệp thiếu lao động lành nghề, các doanh nghiệp tuyển học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp lại phải đào tạo lại. Đặc biệt, đào tạo nghệ nhân, giám đốc, chức danh quản lý cao cấp (như nhân viên tiếp thị, Maitre d’Hotel...) và chuyên gia chưa được chú trọng, chưa có cơ sở đào tạ nào làm việc này. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội còn nhiều bất cập, thể hiện rõ nhất là bộ máy nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa đủ mạnh; biên chế công chức quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực du lịch còn hạn hẹp; chính sách cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật không đầy đủ, lạc hậu... Danh mục ngành, nghề đào tạo lạc hậu, còn quá ít so với yêu cầu sử dụng, chậm được sửa đổi, bổ sung, chưa tính hết yêu cầu của thị trường nên không đáp ứng yêu cầu nhân lực thực tiễn. Dù gần đây có được bổ sung nhưng danh mục ngành, nghề đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề liên quan đến du lịch vẫn lạc hậu so với yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và chưa tiếp cận được với những xu thế đào tạo du lịch mới nên thiếu nhiều ngành nghề so với yêu cầu của thực tế, nhất là những ngành nghề mới... Cùng với đó, mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lục của ngành. Các cơ sở đào tạo chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi đó, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên là các trọng điểm du lịch hoặc đang trở thành các trung tâm du lịch lại thiếu các cơ sở đào tạo. Năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo du lịch còn hạn chế. Việc đào tạo lại và bồi dưỡng chưa theo kịp nhu cầu; liên kết đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội chưa tốt... Nguyên nhân của những hạn chế trên được cho là do nhận thức về đào tạo ngành du lịch theo nhu cầu xã hội còn chưa đầy đủ; chưa có định hướng chung và giải pháp cụ thể; công tác thống kế, nghiên cứu khoa học về nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; đầu tư cho đào tạo lại và bồi dưỡng nhân lực du lịch chưa được quan tâm đúng mức; đào tạo lại và bồi dưỡng còn nhiều bất cập; việc giáo dục hướng nghiệp chưa tốt... Du khách khám phá sông nước Tiền Giang Cần khoảng 2 triệu nhân lực du lịch trực tiếp và gián tiếp đến năm 2015 Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch cho biết, đến năm 2015, ngành Du lịch cần khoảng 620.000 lao động du lịch trực tiếp; giai đoạn 2010-2015, nhân lực du lịch tăng bình quân mỗi năm khoảng 8%. Đến 2020, sẽ cần 870.000 lao động trực tiếp; giai đoạn 2016-2020, nhân lực ngành này tăng bình quân khoảng 7%. Về lực lượng lao động gián tiếp, tính đến năm 2015 cần đế 1,5 đến 1,7 triệu lao động. Đến 2020, lao động du lịch gián tiếp theo nhu cầu xã hội sẽ cần khoảng 2,2-2,5 triệu người. Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đáp ứng được nhu cầu về lao động du lịch trực tiếp và gián tiếp; đến năm 2020 có ít nhất 870.000 lao động du lịch trực tiếp đạt chuẩn khu vực và thế giới và trên 2,2-2,5 triệu lao động du lịch gián tiếp. Để thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra trong năm 2010-2011 là tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo theo nhu cầu xã hội; thành lập và nâng cao năng lực một số tổ chức liên quan đến đào tạo theo nhu cầu xã hội trong du lịch; triển khai và tham gia triển khai các dự án và đề án về phát triển nhân lực theo nhu cầu xã hội... Giai đoạn 2011-2015, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đặt ra là tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội; xây dựng chuẩn (tập trung vào chuẩn kỹ năng nghề) và thực hiện chuẩn hóa một bước nhân lực du lịch, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch; phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo và phân bố vùng, miền hợp lý phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia; xây dựng, công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác nghiên cứu, thống kê phục vụ đào tạo, bồi dưỡng du lịch; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (tà chính, công nghệ, công sức và kinh nghiệm) trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội... Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các kiến nghị liên quan đến chủ trương chính sách, quy định, về đào tạo theo nhu cầu xã hội; đến tổ chức bộ máy và nhân sự về đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội; những kiến nghị liên quan đến vấn đề kinh phí, mã ngành đào tạo, chương trình, giáo trình, chỉ tiêu đào tạo, liên kết đào tạo... Đặc biệt, nhiều đại biểu cho rằng, cần chính thức đưa vào danh mục ngành nghề đào tạo Việt Nam các mã ngành du lịch cho trình độ trung cấp, CĐ, CĐ, sau đại học. Hiện nay, ngành du lịch chưa có mã số trong danh mục các ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT, vì vậy, đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng danh mục và mã ngành đào tạo cho ngành và các chuyên ngành trong lĩnh vực đào tạo du lịch để đạo điều kiện cho việc thống nhất về tên gọi và mã ngành... (Chương trình Hội thảo tiếp tục diễn ra đến hết buổi chiều ngày hôm nay, Tiếp tục cập nhật...) Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201008/Tim-giai-phap-dao-tao-nhan-luc-nganh-du-lich-theo-nhu-cau-xa-hoi-1931812/