Tìm giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững

Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân… Tìm giải pháp bảo đảm sinh kế bền vững cho khu vực chịu ảnh hưởng đang là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch hành động ứng phó, thích ứng BĐKH của TP Hà Nội.

Xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) có chùa Hương đẹp nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách về trẩy hội, tham quan du lịch. Toàn xã có khoảng 1.200 hộ gia đình mở nhà hàng, khách sạn, chở thuyền, bán đồ lưu niệm… Cùng với sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ lễ hội… là sinh kế chính của người dân Hương Sơn.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của người dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu. Ảnh: Thái Hiền

Những năm gần đây, do BĐKH nên hạn hán, nắng nóng, bão lụt, rét đậm, rét hại… xuất hiện ngày càng dày, tác động tiêu cực hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ du lịch… làm giảm thu nhập của nông dân. Các thống kê cho thấy thời tiết khô hạn trung bình sẽ làm giảm thu nhập của người trồng lúa từ 30% đến 40%; hạn nặng làm giảm từ 70% đến mất mùa. Còn khi xảy ra nắng nóng, nông dân sẽ phải tăng chi phí về thủy lợi, bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Ngoài ra, hạn hán, lũ lụt còn gây hao hụt nguồn nước, tràn bờ… khiến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…

Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, BĐKH tác động trực tiếp đến phát triển du lịch. Rét hại, mưa bão, lũ quét… khiến nhiều chương trình du lịch phải hủy, hoãn, chấm dứt giữa chừng. BĐKH tác động trực tiếp đến hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch nhất là hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí...

Xã Hương Sơn cũng không nằm ngoài ảnh hưởng tác động của BĐKH khi các hiện tượng thời tiết ngày một phức tạp hơn như ngập lụt, lũ quét, sạt lở các dòng sông, bão, nắng nóng, hạn hán… Để bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân Hương Sơn, thời gian qua, các ngành liên quan của thành phố đã nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp. Theo đó, người sản xuất nông nghiệp xã Hương Sơn cần thay đổi cơ cấu giống và điều chỉnh mùa vụ nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn hán và lũ lụt.

Cụ thể, đối với vụ đông xuân, nông dân cần sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn, tránh tác động của thời tiết bất thuận như rét đậm, rét hại ảnh hưởng giai đoạn sinh trưởng và phát triển quan trọng của cây lúa… Với vụ hè thu, nông dân nên sử dụng các bộ giống lúa ngắn ngày có khả năng kháng bệnh, chịu hạn trong vụ đông, chịu úng lụt trong vụ mùa, bảo đảm năng suất, hiệu quả kinh tế. Bên cạnh các giải pháp trên, xã Hương Sơn cần chuyển đổi chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản - chăn nuôi kết hợp với khai thác làm du lịch sinh thái.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác mà xã Hương Sơn cần quan tâm, đó là mở rộng diện tích, tăng năng suất hai loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao là mơ và rau sắng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hàng triệu du khách về trẩy hội chùa Hương. Cùng với đó, xã cần ưu tiên thay đổi cơ cấu giống, đưa vật nuôi có tính thích ứng cao vào sản xuất. Cụ thể, dê là vật nuôi có khả năng thích ứng với nhiều vùng sinh thái khác nhau, kể cả những vùng khô cằn, mang lại hiệu quả kinh tế trong điều kiện thời tiết bất thuận như hạn hán, lũ lụt, thiếu thức ăn…

Ngoài các giải pháp về sản xuất nông nghiệp, xã Hương Sơn cần đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái. Đây là lĩnh vực thu hút nhiều du khách, góp phần quảng bá nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ... Cùng với đó, là chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như trồng dâu nuôi tằm để vừa có sản phẩm vừa có môi trường khai thác phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách trong mùa lễ hội… Triển khai hiệu quả các giải pháp này, xã Hương Sơn cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của BĐKH, chủ động ứng phó và thích ứng hiện tượng thời tiết cực đoan.

Sơn Tùng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/856944/tim-giai-phap-bao-dam-sinh-ke-ben-vung